Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng (TTYTDP) vừa nhận công văn khẩn từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế về tình hình tiêm chủng dịch vụ năm 2015 có nguy cơ đối mặt với sự khan hiếm một số loại vắc-xin “hot”.
Trẻ tiêm vắc-xin 6 trong 1 tại Trung tâm Y tế dự phòng (ảnh chụp chiều 3-3-2015). |
Các vắc-xin đang có nhu cầu cao như 6 trong 1, 5 trong 1, sởi-rubela, sởi-quai bị-rubela, dại, v.v… đứng trước khả năng “đứt” hàng trên toàn quốc.
“6 trong 1” sẽ “đứt” sau hai tuần nữa
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc TTYTDP cho biết, hai năm trở lại đây, tình hình khan hiếm vắc-xin thường diễn ra và việc đặt hàng trở nên bị động vì hoàn toàn phụ thuộc vào nhà cung ứng. Một mặt, các công ty sản xuất trên thế giới đang thử nghiệm một số loại vắc-xin mới nên không chú trọng nhiều việc tiếp tục sản xuất vắc-xin cũ. Mặt khác, nhiều quốc gia triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng nên “cầu” đã vượt “cung”. Đó là các lý do chính khiến việc mua vắc-xin gần đây trở nên khó khăn hơn những năm trước.
TTYTDP có 40 loại vắc-xin thuộc nhiều hãng và quốc gia khác nhau. Trong đó, đối với các vắc-xin có nhu cầu cao, lượng hàng dự trữ hiện tại chỉ có thể đủ sử dụng trong một thời ngắn. Với một số loại vắc-xin được Cục Y tế dự phòng cảnh báo nguy cơ thiếu hàng, bác sĩ Thạnh cho biết, hiện Trung tâm còn 500 lọ 6 trong 1, 500 lọ 5 trong 1, 240 lọ sởi-quai bị-rubela và 400 lọ vắc-xin phòng dại. “Từ 1-2 tháng nữa, nguồn hàng trên sẽ hết. Tuy nhiên, lúc này chúng tôi cũng không thể khẳng định thời gian tới nhà cung ứng có đủ hàng tiếp tục cung cấp khi Trung tâm có nhu cầu hay không”, bác sĩ Thạnh nói.
Riêng với vắc-xin 6 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan siêu vi B và viêm màng não mủ Hib sẽ thực sự “đứt” hàng và chưa biết đến bao giờ mới có vắc-xin trở lại là điều đã được các nhà phân phối xác nhận với TTYTDP. “6 trong 1 đang là vắc-xin được phụ huynh ưu tiên tiêm cho con vì kết hợp phòng nhiều loại bệnh. Dù giá thành cao nhưng nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn vẫn chọn tiêm dịch vụ loại này hơn là tiêm miễn phí 5 trong 1”, bác sĩ Thạnh cho hay.
Bị động đặt vắc-xin
Công văn của Cục Y tế dự phòng yêu cầu các địa phương căn cứ vào khả năng cung cấp vắc-xin của nhà phân phối để lên kế hoạch chủ động xây dựng việc tiêm chủng trên địa bàn. Tuy nhiên, đó là điều hoàn toàn… ngoài tầm tay của địa phương. Bởi đơn giản Đà Nẵng đặt hàng theo nhu cầu, nhưng nhà cung ứng không đủ thuốc cung cấp thì đành chịu!
Để giải quyết bài toán bị động và dễ… bị “đứt” vắc-xin, TTYTDP thực hiện việc đặt hàng đối với nhiều công ty, nhiều quốc gia cho cùng một loại thuốc. “Công ty này báo hết, chúng tôi có thể có đối tác khác cung cấp cùng loại thuốc thay thế. Như vậy, Trung tâm đỡ bị khan hiếm hàng và người dân cũng có thêm một số sự lựa chọn trong tình hình thiếu thuốc”, bác sĩ Thạnh cho hay. Tuy vậy, việc các công ty cùng báo “đứt” hàng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Trường hợp trẻ đã tiêm mũi 1 nhưng đến mũi 2 lại gặp sự cố khan hiếm vắc-xin, bác sĩ Tôn Thất Thạnh cho rằng, tình huống này phụ huynh không nên quá căng thẳng. Khi trẻ được tiêm mũi đầu tiên thì cơ thể đã có kháng thể phòng bệnh. Việc tiêm mũi nhắc lại giúp cho quá trình miễn dịch được kéo dài hơn. Nếu vì lý do nào đó, mũi nhắc lại (mũi 2, mũi 3…) bị chậm hơn so với kế hoạch thì việc tiêm lại trong thời gian ngắn sau đó vẫn phát huy tác dụng.
Để hạn chế tình trạng không tiêm được
vắc-xin do “đứt” hàng, bác sĩ Thạnh khuyến cáo phụ huynh cho con tiêm đủ các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tại trạm y tế xã, phường thay vì lựa chọn hình thức dịch vụ. Hiện tại, vắc-xin phục vụ chương trình này không thiếu. Đối với các loại vắc-xin chỉ có trong loại hình dịch vụ, phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm ngay khi đủ tuổi, đủ điều kiện, không đợi đến dịch hoặc thấy nhiều người đi tiêm mới ùn ùn đưa con tiêm theo.
Bài và ảnh: THU HOA