Y tế - Sức khỏe

Có tiền là mua được... thuốc?

07:43, 22/04/2015 (GMT+7)

Không cần chỉ định của bác sĩ, ai cũng có thể dễ dàng mua hầu hết các loại thuốc đang lưu hành trên thị trường, kể cả thuốc quy định kê toa. Dễ dãi mua bán thuốc và tự ý... chữa bệnh trở thành chủ đề “khổ lắm, nói mãi!”.

Người bệnh cần có sự chỉ định và kê toa của bác sĩ trước khi mua thuốc. (Ảnh minh họa)Ảnh: THU HOA
Người bệnh cần có sự chỉ định và kê toa của bác sĩ trước khi mua thuốc. (Ảnh minh họa)Ảnh: THU HOA

Bài 1: Dễ như mua thuốc

Thuốc được bày bán tại các pharmacy (quầy thuốc tây) hiện nay gồm hai dạng: mua trực tiếp và mua kèm đơn thuốc. Theo quy định, với một số loại thuốc, nếu người mua không trình được toa hoặc đơn thì pharmacy không đồng ý bán. Thực tế, đó chỉ là… chuyện quá lý tưởng!

Chọn một vài tên thuốc trong danh mục thuốc kê toa theo quy định của Bộ Y tế, chúng tôi đến các quầy thuốc và dễ dàng mua ngay dù không có đơn, toa chỉ định của bác sĩ.

Thuốc nào cần kê toa?

Thuốc có độc tính cao, trong quá trình bảo quản và khi vào trong cơ thể người tạo ra các sản phẩm phân hủy có độc tính, có những tác dụng có hại nghiêm trọng. Thuốc có phạm vi liều dùng hẹp, có ảnh hưởng đến việc chẩn đoán và điều trị các bệnh cần theo dõi lâm sàng. Thuốc được chỉ định trong điều trị các bệnh nhất thiết phải có sự thăm khám, tư vấn và theo dõi của thầy thuốc. Đường dùng, dạng dùng không đơn giản với hàm lượng, nồng độ cần kiểm soát chặt chẽ. Thuốc có thể tương tác với các thuốc khác và thức ăn, đồ uống thông dụng. Thuốc có thể gây tình trạng lệ thuộc.

 (Nguồn: Sở Y tế Đà Nẵng)

Sau 10 phút xếp hàng chờ đến lượt mua thuốc tại một pharmacy tiếng tăm của thành phố, chúng tôi đưa mẩu giấy nhỏ đủ ghi chữ “Ventolin” - một loại thuốc điều trị hen phế quản, tắc phế quản. Nhìn tên thuốc, dược sĩ bán hàng tại đây hỏi: Mua dạng xịt hay dạng khí dung? Thấy chúng tôi tỏ ra lúng túng, người bán hỏi tiếp: Có toa không? Chúng tôi trả lời: Không có. Người bán liền tư vấn: Vậy về nhà hỏi lại xịt hay khí dung rồi đến mua.

Trong thời gian đi các pharmacy lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố, đây là nơi duy nhất chúng tôi đến và nghe nhắc về toa thuốc, dù người bán chỉ hỏi cho biết, và nếu không có thì tiệm vẫn phục vụ khách hàng như thường.

Đến một quầy thuốc khác trên đường Lý Thái Tổ, chúng tôi hỏi mua Nexium 40mg - điều trị loét dạ dày, loét tá tràng. Anh dược sĩ nhanh nhẩu tiếp khách: Mua bao nhiêu ạ, giá mỗi viên là 21.000 đồng, vỉ có 14 viên, mua một hay vài viên đều được.

Năm 2010, Bộ Y tế ban hành hàng loạt tiêu chí thực hành tốt nhà thuốc-GPP (Good Pharmacy Practices), trong đó bao gồm quy định “thuốc đi vô phải có hóa đơn và thuốc đi ra phải có sổ sách rõ ràng”.

Thế nhưng, ngay cả với những nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP, thuốc vẫn “đi ra”… thoải mái. Liên hệ một pharmacy lớn với các kệ thuốc phân biệt rõ khu vực dành cho thuốc kê toa, chúng tôi nói muốn mua Medrol 4mg - điều trị rối loạn nội tiết, khớp, v.v... và Betaloc zok 25mg- tăng huyết áp, đau thắt ngực. Như những nơi khác, tại đây chúng tôi được đáp ứng ngay một vỉ Medrol 10 viên giá 11.500 đồng và 2 viên Betaloc zok giá 10.500 đồng.

Trên hóa đơn tính tiền của nhà thuốc này, phần tên bệnh nhân được ghi bằng một chữ cái tượng trưng, phần bác sĩ kê toa bỏ trống. Dược sĩ tại đây có hỏi chúng tôi tên gì để lưu lại. Dù tỏ vẻ cẩn trọng như vậy, nhưng khi chúng tôi đọc một cái tên giả, dược sĩ vẫn ghi lại mà không cần kiểm chứng.  

Thuốc điều trị rối loạn nội tiết và tăng huyết áp trong danh mục thuốc kê đơn vẫn được mua dễ dàng mà không cần toa.
Thuốc điều trị rối loạn nội tiết và tăng huyết áp trong danh mục thuốc kê đơn vẫn được mua dễ dàng mà không cần toa.

Bệnh nhân làm... bác sĩ

Thấy cơ thể có biểu hiện bất thường, người bệnh tự đi mua thuốc để tự chữa là hiện tượng quá phổ biến. Nhiều người cứ thấy đau chỗ nào là mua thuốc điều trị chỗ đó mà không cần biết nguyên nhân xuất phát từ đâu.

Đến phòng Nội tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng, ông Cường - một bệnh nhân cao tuổi cho biết lâu nay ông bị “bệnh tim” và tự dùng thuốc bổ trợ tim tại nhà. “Nghe tiếng xe chạy ầm ầm qua là tui mệt, giật bắn cả người, cảm giác hồi hộp, ngộp thở. Nhiều khi giữa đêm tỉnh giấc, tim cũng đập liên hồi. Chừng nớ là tui biết mình bị bệnh tim”, ông Cường nói.

Dù tích cực bồi bổ cho tim, nhưng những hiện tượng “đau tim” như trên không hề giảm nên ông Cường quyết định đến bệnh viện kiểm tra. Đến khi nghe bác sĩ chẩn đoán dựa vào kết quả đo điện tim, ông Cường mới vỡ lẽ tim mình chưa có dấu hiệu bất thường nào, mà nguyên nhân có thể do rối loạn thần kinh hoặc rối loạn giấc ngủ. Lúc này, ông Cường mới sực nhớ nhiều năm trước có bị ngã chấn thương đầu nặng, còn để lại sẹo lớn từ trán kéo dài ra phía sau.

Với nhiều người trẻ tuổi, “google” trở thành bác sĩ gia đình tư vấn bệnh tình bất kể ngày đêm. Thấy cơ thể dễ mệt đột ngột, vã mồ hôi rồi choáng, ngất, chị N. (31 tuổi), tìm hiểu trên mạng và suy đoán phụ nữ qua tuổi 30, cơ thể có thê thiếu canxi, thiếu máu nên dẫn đến mệt mỏi. Trình bày triệu chứng với tiệm thuốc tây, chị N. cũng nhận được lời tư vấn tương tự, kèm theo đó là một bao thuốc gồm bổ máu, canxi và một loại thuốc được cho là ổn định huyết áp.

Mang thuốc về nhà, chị N. chợt giật mình: Không đo, không kiểm tra sao dám dùng thuốc. Lỡ đâu uống vào không khỏe hơn mà càng bị tụt, tăng canxi… Đúng như lo ngại, đến khi đi làm các xét nghiệm kiểm tra máu, canxi, chị N. mới có câu trả lời cơ thể mình hiện tại hoàn toàn không thiếu hai loại này. Kết quả đo huyết áp của chị tại bệnh viện cũng cho chỉ số bình thường.

Không mở sổ sách hoạt động mua, bán thuốc

Đó là một trong những vi phạm của một số cơ sở hành nghề dược trên địa bàn Đà Nẵng năm 2014. Năm qua, toàn thành phố có 404 cơ sở hành nghề dược được thanh tra. Trong đó, có 64 cá nhân, tổ chức vi phạm với số tiền bị xử phạt trên 160 triệu đồng.

Cùng với vi phạm nêu trên, các cơ sở còn để lẫn các mặt hàng không phải là thuốc cùng với thuốc; bán lẻ thuốc không đáp ứng các yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn thuốc; không thực hiện việc mở sổ sách theo dõi các hoạt động mua thuốc, bán thuốc theo quy định; bán lẻ thuốc đã hết hạn sử dụng; bán lẻ thuốc khi giấy chứng nhận thực hành tốt nhà thuốc đã hết thời hạn có hiệu lực; bán thuốc nhập khẩu phi mậu dịch; kinh doanh thuốc không đúng với hình thức kinh doanh, phạm vi kinh doanh đã ghi trên giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc.

Bài và ảnh: THU HOA

.