Bài cuối: Tự chữa thành tự hại
Là những người trực tiếp điều trị cho người bệnh, các bác sĩ chứng kiến không ít “thực tế điển hình” của việc tự ý mua thuốc chữa bệnh. Khỏi bệnh đâu không thấy mà tai hại thì nhiều hơn.
“Nhiều bệnh nhân cứ thấy mệt mệt, đau đầu là tự ý mua thuốc huyết áp dùng”, bác sĩ Tô Thị Phượng, phòng khám Nội tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng cho biết. |
Bác sĩ lên tiếng
Bác sĩ Đặng Công Danh, khoa Mắt, Bệnh viện Đà Nẵng, nhớ như in trường hợp em bé 5 tuổi được người nhà đưa từ quê lên điều trị trong tình trạng mắt sắp mù do dùng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid suốt thời gian dài.
Theo bác sĩ Danh, bệnh em bé trên diễn biến một chiều. Tức là bác sĩ không thể giúp mắt bé sáng trở lại bình thường mà chỉ “chặn” không cho mắt mờ thêm. Nhiều bệnh nhân cứ thấy xốn mắt, ngứa mắt là tự mua thuốc nhỏ, nhưng không biết mắt mang bệnh gì cụ thể.
Chính sự chủ quan này khiến mắt dễ bị những biến chứng như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp. “Corticoid có tác dụng đối với một số triệu chứng, nhưng ngược lại cũng có tác hại đối với những bệnh khác của mắt. Ví dụ, viêm giác mạc do virus herpes mà dùng thuốc có corticoid thì sẽ làm mắt nặng thêm. Trầy xước giác mạc nhỏ corticoid cũng làm vết thương nặng lên”, bác sĩ Danh nói.
Bác sĩ Tô Thị Phượng, Phòng Nội tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng, thường gặp những ca bệnh ở nhà cảm giác mệt, đau đầu rồi ra tiệm mua thuốc huyết áp uống. “Tác dụng phụ của thuốc huyết áp là gây ho, phù. Tuy nhiên, có khi bệnh nhân lại nghĩ ho do viêm họng nên cứ chữa lòng vòng từng bệnh riêng lẻ. Hay có trường hợp người bị rối loạn nhịp tim với dạng nhịp chậm. Lẽ ra phải được kích nhịp thì họ lại tự mua thuốc dùng làm nhịp chậm hơn”, bác sĩ Phượng cho biết.
Một điều bác sĩ Phượng mong muốn chia sẻ với các nhà thuốc là hãy khuyên bệnh nhân nên đi khám trước khi bán những loại thuốc cần kê toa.
Cơ quan giám sát “đau đầu”
Không khó để các bác sĩ liệt kê những loại thuốc bệnh nhân thường tự ý dùng. Theo bác sĩ Nguyễn Trường Minh, Trưởng khoa Khám và cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng, người bệnh hay mua kháng sinh, giảm đau và thuốc bổ uống cho khỏe, cho mau.
Việc uống vào thấy đỡ bệnh ngay càng khiến nhiều người lầm tưởng mình đi “đúng đường”. Thực tế, thực trạng kháng kháng sinh vì dùng bừa bãi, không phù hợp đã xảy ra. Bác sĩ Minh dẫn chứng nhiều bệnh ho, sốt do siêu vi không cần kháng sinh nhưng người bệnh vẫn mua dùng là sai. Một số thuốc có thể gây suy gan, suy thận, chưa kể nếu bệnh nhân có tiền sử dạ dày, huyết áp thì tự chữa vô tình bệnh nhân tự làm hại mình.
Đối với thuốc bổ, tưởng bổ là tốt nhưng nếu vitamin dùng không đúng liều sẽ gây nguy hiểm. Chẳng hạn, vitamin A được dùng nhiều sẽ dẫn đến ngộ độc, nhức đầu, chóng mặt.
Nhắc đến việc dễ dãi mua thuốc, ông Nguyễn Tấn Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, cho rằng mua bán thuốc nghiêm ngặt chỉ có ở… nước ngoài. Không riêng Đà Nẵng, việc tự ý mua thuốc hay bán thuốc thoải mái không cần toa, đơn diễn ra từ nhiều năm qua và phổ biến trên cả nước.
Trước câu hỏi vì sao việc mua bán thuốc không toa diễn ra phổ biến nhưng cơ quan chức năng không có động thái, ông Nguyễn Tấn Hải thừa nhận “bắt quả tang” không xuể. “Bắt nhỏ lẻ, xử lý lẻ tẻ không giải quyết được vấn đề mà phải có công cụ giám sát”, ông Hải nói.
Theo ông Nguyễn Tấn Hải, việc quản lý mua bán thuốc gặp nhiều khó khăn bởi hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh chưa liên thông và kết nối. Nếu có hệ thống này, các hiệu thuốc sẽ kiểm soát được đơn đã bán hay chưa và cơ quan quản lý có thể kiểm tra và giám sát việc bán thuốc theo đơn. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật cũng chưa đồng bộ. Cần có Luật Dược, các thông tư nghị định về dược để thực thi triệt để. Ví dụ, xuất nhập thuốc có hóa đơn và hóa đơn tài chính, qua đó mới thuận lợi kiểm tra đối chiếu và giám sát việc bán thuốc theo đơn.
Ông Hải cho rằng, trong khi chờ những “công cụ” vĩ mô được hình thành nhằm đưa việc mua bán thuốc vào quy trình chặt chẽ, người bệnh cần hiểu tự ý mua thuốc, dù là loại cần toa hay không cần toa đều luôn kèm rất nhiều rủi ro cho sức khỏe.
Bài và ảnh: THU HOA