Hàng hóa thực phẩm hầu hết được giám sát từ ngọn thay vì từ gốc; con người chủ yếu là “tay ngang” và kinh phí thực hiện đang lui dần về ngưỡng... 0 đồng.
Thanh tra “soi” nhãn thực phẩm. |
Đó là thực trạng trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng.
Bài 1: Cán bộ “tay ngang”
Muốn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) cần nhiều yếu tố, trong đó tập trung một số điều kiện: quản lý được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm để kiểm soát và khi cần thiết thì “truy” trong tầm tay; có con người đủ trình độ và thẩm quyền kiểm tra, giám sát thực phẩm và có nguồn kinh phí hoạt động kiểm soát thực phẩm hiệu quả. Tiếc là cả ba yếu tố cơ bản này hầu như trong tình trạng “3 không”.
Điều đáng nói là cùng là một ly sữa, nhưng nếu sữa thuộc thực phẩm chức năng do ngành y tế “chịu trách nhiệm”; sữa là thức uống thông thường ngoài thị trường thuộc ngành công thương “coi ngó”, sữa nguyên liệu do ngành nông nghiệp “chăm sóc”.
Điều này cho thấy, quản lý một món thực phẩm hiện nay cần 3 ngành tham gia với rất nhiều con người thực hiện. Tuy nhiên, cả ba ngành đều thừa nhận: cán bộ kiểm soát ATTP thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn.
Cán bộ thiếu chuyên môn
Trong 3 sở kiểm soát ATTP hiện nay, Sở Công thương được xếp “đứng nhất” về khía cạnh ít cán bộ chuyên trách ATTP. Với nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận kiến thức ATTP và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho khoảng 2.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn, nhỏ, nhưng hiện Sở này chỉ có 2 cán bộ kiêm nhiệm thực hiện. Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi được phân công giám sát ATTP khi trong tay không có gì cả, được chỉ định thì anh em phải làm”.
Ông Nguyễn Văn Trừ, Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật, an toàn và môi trường, đơn vị phụ trách kiểm soát ATTP thuộc Sở Công thương cho biết thêm, chính vì cán bộ không có chuyên môn sâu về ATTP nên gặp một số khó khăn trong thi hành nhiệm vụ. “Lúc thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện thực phẩm khả nghi thì cán bộ sở cũng đâu được lấy mẫu, vì việc lấy mẫu phải do người có bằng cấp và được đào tạo bài bản thực hiện”, ông Trừ nói.
Riêng với việc kiểm định dây chuyền sản xuất, cơ sở vật chất và con người để cấp giấy phép đủ điều kiện ATTP cho hàng ngàn đơn vị thì hai cán bộ sở đủ bị... xoay như chong chóng và phải “tự cứu” bằng cách rút ngắn thời gian thẩm định mỗi bộ hồ sơ xuống còn khoảng 1/4 so với quy định để kịp chuyển sang bộ hồ sơ khác. “Năm nay, chúng tôi dự kiến phân việc xuống quận, huyện, nhưng chưa làm đã biết cán bộ cơ sở sẽ “la làng”, ông Trừ chia sẻ.
Tại Sở NN&PTNT, Chi cục Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản là đơn vị đóng vai trò chính kiểm soát ATTP.
Theo ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng, việc quản lý ngành hàng rau, củ, quả ngày càng phức tạp vì hàng hóa đa dạng, chủ yếu nhập về từ nhiều nơi. Nếu mặt hàng thủy sản phần lớn sản xuất tại Đà Nẵng thì việc kiểm soát khá thuận lợi. Mặt hàng thịt động vật có quy trình kiểm duyệt chặt chẽ lâu nay, nhưng rau, củ, quả lại lỏng lẻo ngay từ việc thẩm định nguồn gốc sản phẩm.
“Xác định một loại rau, củ, quả có thực sự an toàn hay không và nếu không an toàn thì xử lý như thế nào là điều cực kỳ khó. Tuy vậy, cán bộ Chi cục phần lớn được điều từ lĩnh vực khác sang, phải vừa làm vừa học”, ông Nguyễn Tứ nói.
Kiểm soát theo... phong trào
Chỉ khi cấp trên “hô” làm, cấp quận, huyện và phường, xã mới thực hiện việc kiểm tra ATTP. Đó là thực tế trong kiểm soát ATTP hiện nay tại cơ sở. Trong khi đó, dịch vụ ăn uống, đặc biệt là thức ăn đường phố và thực phẩm trong các chợ nhỏ gắn liền với đời sống thường ngày của người dân đều do cấp phường, xã quản lý.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện toàn ngành y tế quản lý 6.809 cơ sở. Trong đó, cấp thành phố quản lý hơn 1.000 cơ sở; cấp quận, huyện 1.600 cơ sở, nghĩa là còn lại trên 4.000 cơ sở, dịch vụ ăn uống do phường, xã chịu trách nhiệm kiểm soát. Nghịch lý này là nguyên nhân khiến việc kiểm soát ATTP được thực hiện theo kiểu “làm cho có”.
So với các ngành khác, ngành y tế là đơn vị có đội ngũ cán bộ kiểm soát ATTP hùng hậu nhất, khi nhân lực được phân cấp từ thành phố đến tận phường, xã. Tuy nhiên, nói vậy mà không phải vậy! “Cán bộ từ cấp quận, huyện trở xuống chủ yếu làm theo phong trào. Vào các dịp như lễ lớn, Tết, được chỉ đạo thì họ mới làm. Y, bác sĩ tại trạm y tế có quá nhiều việc bên cạnh công tác kiểm soát ATTP”, ông Tiến cho biết. Ông Tiến còn nói rằng, mỗi năm Trung ương có lớp đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ kiểm soát ATTP nhưng chương trình này chỉ “vươn” tới cấp tỉnh, thành.
Chị Nguyễn Thị Hiền, điều dưỡng kiêm cán bộ kiểm soát ATTP thuộc Trạm Y tế phường Mân Thái (quận Sơn Trà) chia sẻ: “Cán bộ cấp phường chịu trách nhiệm kiểm soát các quán ăn đường phố và dịch vụ ăn uống nhỏ. Trên địa bàn phường hiện có 46 hàng quán như thế. Nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ không có giấy phép, muốn nhắc nhở bà con đăng ký kinh doanh, hoặc chế biến thức ăn hợp vệ sinh cũng không hề dễ. Người ta không tuân thủ thì mình cũng chịu. Có người còn nói: Mai mốt nghỉ bán rồi, nhắc nhở làm chi”.
Cùng ý kiến với chị Hiền, ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Chủ tịch phường Nam Dương (quận Hải Châu), cho biết cán bộ phường “ra quân” theo đợt chứ không làm thường xuyên. Mình đến thanh tra, nhắc nhở xong rồi… đi, nên hộ kinh doanh có bảo đảm thực hiện tốt ATTP như đã hứa không thì cũng không ai biết. Hơn nữa, người bán hàng ăn vỉa hè, đường phố mua nguyên liệu không có giấy tờ xuất xứ hàng hóa, nên người kiểm tra… không biết đường nào mà “lần”.
Ngành y tế quản lý nhóm thực phẩm gồm: nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng, cơ sở dịch vụ ăn uống và thực phẩm nấu chín. Ngành Công thương quản lý nhóm thực phẩm gồm: rượu, bia, nước giải khát, các loại dầu ăn, bánh, kẹo, sản xuất tinh bột và sản phẩm từ tinh bột. Ngành NN&PTNT quản lý nguyên liệu thực phẩm liên quan đến nông, lâm, thủy sản. |
Bài và ảnh: THU HOA