.
NGÀY TOÀN DÂN HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN 7-4

Đà Nẵng cần có Trung tâm Huyết học và truyền máu

.

Đà Nẵng hoàn toàn có điều kiện thuận lợi và cần thiết hình thành Trung tâm truyền máu. Tiếc là đến nay, Trung tâm vẫn chỉ là những câu chữ nằm trên đề án, vì thiếu sự quyết tâm thực hiện.

Đó là khẳng định của PGS,TS Nguyễn Ngọc Minh (ảnh), nguyên Phó Chủ tịch Hội Huyết học và truyền máu Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Huyết học và truyền máu miền Trung. PGS,TS Nguyễn Ngọc Minh là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực truyền máu của Việt Nam và từng góp ý cho Đề án hình thành Trung tâm Huyết học và truyền máu Đà Nẵng từ nhiều năm trước.

Trong khi nhiều tỉnh, thành phố khác có Trung tâm Huyết học và truyền máu hoạt động bài bản, Đà Nẵng vẫn loay hoay với một ngân hàng máu với quy mô vừa nhỏ, vừa bức bí và thực sự quá tải gói trọn trong một khoa huyết học thuộc Bệnh viện Đà Nẵng.

* Thưa PGS,TS Nguyễn Ngọc Minh, vì sao Đà Nẵng nhất thiết phải có Trung tâm Huyết học và truyền máu, trong khi không ít người cho rằng, Đà Nẵng không có người tử vong do thiếu máu hiến, chứng tỏ việc hiến máu, truyền máu đã tạm ổn?

- Nguyên tắc của hoạt động truyền máu là tập trung hóa. Tôi đã đến nhiều quốc gia để học hỏi về mô hình huyết học truyền máu và nhận thấy các nước đều có Viện truyền máu quốc gia hoặc Trung tâm truyền máu quốc gia. Tiếp đó là Trung tâm vùng, và dưới nữa là Trung tâm lân cận hoặc ngân hàng máu tại các bệnh viện. Sự tập trung hóa nhằm làm công tác truyền máu có chiến lược, quy mô phù hợp và đáp ứng nhu cầu thực tiễn cuộc sống, trong đó bao gồm phục vụ cấp cứu, điều trị, đề phòng thảm họa và chiến tranh.

Tại Việt Nam, từ năm 1995, tôi tham gia xây dựng Đề án hình thành 4 trung tâm huyết học và truyền máu chính của cả nước đặt tại Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

Trên lý thuyết, Trung tâm Huyết học và truyền máu Huế lo cho cả khu vực miền Trung- Tây Nguyên, trong đó có Đà Nẵng. Tuy nhiên, điều này không phù hợp thực tế vì việc vận chuyển máu đường xa giồng sốc có thể gây vỡ hồng cầu.

Bên cạnh đó, nhu cầu máu của Đà Nẵng cao hơn Huế (Huế tiếp nhận dưới 30.000 đơn vị máu/năm, trong khi Đà Nẵng trên 32.000 đơn vị/năm - P.V) do có nhiều bệnh viện địa phương, bộ, ngành, quân đội, công, tư tập trung tại đây, nên nói Huế “ôm sô” cho cả Đà Nẵng là điều không thực tế.

Khi còn là Giám đốc Trung tâm Huyết học và truyền máu miền Trung (đặt tại Bệnh viện Trung ương Huế), tôi vẫn khuyến khích Đà Nẵng tự cung cấp máu cho mình, vì số lượng máu yêu cầu lớn, trung tâm vùng không cung cấp nổi. Đó là một thực tế đòi hỏi phải có yêu cầu về mặt tổ chức, cần hình thành một trung tâm, chứ không thể gò bó trong một khoa của một bệnh viện.

Trung tâm sẽ thực hiện 3 mảng chính là thu gom, sản xuất chế phẩm máu và sử dụng máu an toàn trên lâm sàng. Theo đó, nhân lực, trang thiết bị, phòng thí nghiệm được đầu tư tốt hơn. Trong trung tâm cũng có đơn vị huyết học lâm sàng điều trị các bệnh về máu và cơ quan tạo máu.

Xin chia sẻ đôi nét về Trung tâm Huyết học và truyền máu Huế. Hiện trung tâm có 98 cán bộ gồm các PGS, TS, thạc sĩ, cán bộ kỹ thuật, điều dưỡng, v.v… với quy mô 75 giường bệnh điều trị các bệnh về máu và cơ quan tạo máu. Tại đây, chúng tôi thực hiện ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu và đã có bệnh nhân đến nay lùi bệnh hoàn toàn được 12 năm.

Đà Nẵng có thể làm được như vậy bởi Đà Nẵng có một phong-trào-quần-chúng thật sự về hiến máu tình nguyện. Cùng với đó, tiềm lực kinh tế - xã hội và cách nhìn cầu tiến của lãnh đạo thành phố là những tiền đề thúc đẩy hình thành trung tâm truyền máu.

* Có ý kiến cho rằng, đến nay Đề án hình thành Trung tâm Huyết học và truyền máu của Đà Nẵng còn nằm trên giấy do phải chờ quy hoạch của Bộ Y tế. Ông nhận định thế nào về cách lý giải này?

- Ngoài 4 trung tâm lớn tôi đã đề cập ở trên, do nhu cầu thực tế hiện nay, cả nước có thêm các trung tâm huyết học và truyền máu Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Khánh Hòa, Đắc Lắc, thành phố Hồ Chí Minh (thêm một trung tâm tại Bệnh viện Chợ Rẫy). Các tỉnh, thành phố đó làm được mà có đợi quy hoạch đâu?

Để có trung tâm truyền máu ra đời, việc trước mắt là bản thân đội ngũ cán bộ chuyên môn ngành huyết học truyền máu và ngành y tế địa phương phải thực sự vào cuộc, nhiệt tình vươn lên, dám nhận trách nhiệm.

Không gì tốt bằng xây dựng từ yêu cầu thực tế, nhu cầu bức xúc và dựa trên các nguồn lực cho phép. Cần có sự quyết tâm, chấp nhận khó khăn bước đầu, và quan trọng là phải có quy hoạch trình Bộ Y tế, Viện Huyết học-truyền máu Trung ương và lãnh đạo thành phố để được ủng hộ, đồng ý.

* Xin cảm ơn ông.

THU HOA thực hiện

;
.
.
.
.
.