Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, những ngày qua, bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh viêm phế quản, viêm mũi, viêm họng, tay - chân - miệng (TCM), đường ruột tăng.
Mỗi ngày, bình quân bệnh viện tiếp nhận hơn 600 trẻ em đến khám và điều trị, trong đó khoảng 35-40% là trẻ ngoài tỉnh, tăng 30-40% so với tháng trước. Bệnh nhi dưới 6 tuổi chiếm khoảng 90% lượng bệnh nhi toàn viện.
Có những ngày đầu tuần, lượng bệnh nhi lên đến trên 800 em/ngày. Khoa Cấp cứu của bệnh viện phải tăng thêm phòng khám thường trực trong thời điểm bệnh tăng cao. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Khoa Y học nhiệt đới tiếp nhận 600 ca điều trị TCM. Hiện bệnh TCM đang có xu hướng gia tăng, khu vực điều trị bệnh lây tại đây đang trở nên quá tải.
Theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 48 ca mắc TCM. Như vậy, so với các tuần trước, bệnh dịch này đang tăng dần từ 20 ca lên 35 ca và đến 48 ca/tuần. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng có 764 ca TCM (năm ngoái 322 ca), lượng bệnh năm nay tăng hơn gấp đôi. Các bệnh sởi, viêm não do virus không ghi nhận ca bệnh nào trong các tuần qua. Bệnh thủy đậu dao động ở mức dưới 30 ca/tuần.
Các bác sĩ khuyến cáo, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho ruồi nhặng, vi khuẩn và các nguồn lây bệnh phát triển. Việc sử dụng quạt máy, điều hòa thiếu hợp lý và sinh hoạt trong môi trường nóng - lạnh đột ngột cũng là những lý do khiến trẻ mắc bệnh tăng cao.
Do đó, phụ huynh không nên để trẻ ăn thức ăn đường phố không bảo đảm vệ sinh và uống nước chưa được đun sôi, tiệt trùng; đồng thời lưu ý cách dùng thiết bị làm mát sao cho hạn chế đưa hơi lạnh hoặc luồng gió trực tiếp vào cơ thể trẻ. Trẻ cần được rửa tay sạch sẽ thường xuyên, sử dụng thực phẩm giàu dinh dưỡng, hợp vệ sinh và tiêm ngừa (với những bệnh đã có vaccine phòng bệnh) để ngăn chặn bệnh hiệu quả.
THU HOA