Không phải bệnh viện công cũng chẳng bệnh viện tư và với cơ chế quản lý còn nhiều bất cập, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng (BVUT) vẫn chưa phát huy hết công năng, dù được đầu tư trang thiết bị hiện đại.
Nhiều y, bác sĩ tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng chưa được đào tạo về chuyên ngành ung thư. (Ảnh mang tính minh họa) |
Lãng phí
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế, BVUT là bệnh viện lớn, đẹp và hiện đại nhất Việt Nam; so với khu vực Đông Nam Á thì tương đương với các bệnh viện chuyên khoa ở các nước như Thái Lan, Singapore… Bệnh viện được thiết kế theo mô hình bệnh viện khách sạn với cảnh quan hài hòa, tiện nghi và thân thiện. Mọi phòng bệnh đều có phòng vệ sinh riêng, hệ thống điều hòa trung tâm và hệ thống khí trung tâm là điều mà không phải bệnh viện nào cũng có.
Bệnh viện còn dành 1 khu nhà nghỉ gần 50 phòng (khoảng 400 giường) để người nhà bệnh nhân có điều kiện nghỉ ngơi trong thời gian chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện. Bên cạnh đó, BVUT còn có hệ thống trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh ung thư như: máy CT-scan đa lát cắt, máy MRI 3,0T, máy tăng sáng truyền hình, máy siêu âm màu 4 chiều, máy nội soi can thiệp, máy đếm tế bào tự động 40 thông số, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy cắt lạnh, hệ thống phân tích gen…
Các hệ thống trang thiết bị xạ trị ung thư kỹ thuật cao như: máy xạ trị gia tốc, máy xạ phẫu, xạ trị áp sát liều cao, CT mô phỏng… Nơi đây còn có 10 phòng mổ chuẩn, khu hậu phẫu 40 giường bệnh, khu Hồi sức cấp cứu và chăm sóc giai đoạn cuối 50 giường bệnh và khu ghép tủy xương với 6 phòng ghép chuẩn…
Cơ sở vật chất thuộc hạng “sao” như thế. Song, nghịch lý là BVUT hiện phát huy công năng chưa đến 400 giường bệnh (trên tổng số 500 giường bệnh). Trong khi bệnh viện K ở Hà Nội hiện có 3 cơ sở với 1.500 giường nhưng lượng bệnh nhân luôn quá tải, ở mức khoảng 2.500 người.
Theo đánh giá của GS,TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, hiện là cố vấn chuyên môn cho BVUT thì số lượng bệnh nhân điều trị ở đây chỉ bằng ở khoa Ung thư thuộc Bệnh viện Đà Nẵng, dù quy mô lớn, máy móc hiện đại hơn gấp nhiều lần. Trong khi theo ước tính của ngành y tế, hằng năm, miền Trung có khoảng 15.000 bệnh nhân ung thư được phát hiện mới thì con số điều trị tại BVUT quá ít.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại BVUT chiều 2-6, nhiều máy móc, thiết bị điều trị hiện đại đang nằm “chờ” bệnh nhân. Các y, bác sĩ ở đây cho biết, máy cộng hưởng từ hay chụp cắt lớp, 1 ngày có thể thực hiện với 60-80 bệnh nhân nhưng ở BVUT chỉ thực hiện cho 6-8 bệnh nhân/ngày. Trong khi đó, máy móc phải được vận hành thường xuyên, nếu không sử dụng sẽ hư hỏng, gây lãng phí lớn. Như vậy, vì ít bệnh nhân, chưa sử dụng hết công năng máy móc, thiết bị nên BVUT thu không đủ bù chi. Chỉ tính riêng năm 2013, tổng doanh thu của BVUT chỉ hơn 72 tỷ đồng nhưng tổng chi lên đến hơn 99 tỷ đồng.
Bác sĩ Trịnh Lương Trân, Giám đốc BVUT, thừa nhận những bệnh nhân đang điều trị tại đây hầu hết đang ở giai đoạn cuối. Nhiều bệnh nhân đã điều trị ở nhiều nơi khác và khi đã “cạn” tiền thì về BVUT.
Vì sao với cơ ngơi hoành tráng, máy móc hiện đại, đội ngũ y bác sĩ sẵn sàng phục vụ nhưng BVUT vẫn có số lượng bệnh nhân không nhiều? Theo tìm hiểu của chúng tôi, hệ thống y tế quận, huyện tại Đà Nẵng hiện nay không gửi bệnh nhân đến đây vì cho rằng BVUT không thuộc hệ thống công lập. “Đấy là bệnh viện tư thì không việc gì chúng tôi phải chuyển bệnh nhân tới”, cán bộ một bệnh viện công lập (xin giấu tên) nói.
Hụt nguồn nhân lực chuyên khoa sâu
Chiều 17-6, trao đổi với chúng tôi về các vấn đề xung quanh việc quản lý theo ngành và sự hỗ trợ nguồn nhân lực cho BVUT, ông Phạm Hùng Chiến - Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết: “Từ khi thành lập BVUT đến nay, chúng tôi luôn có sự theo dõi và hỗ trợ, nhất là vận động các y bác sĩ ở nhiều bệnh viện công và một số bác sĩ đã nghỉ hưu về BVUT nhằm bổ sung nguồn nhân lực”.
Tuy nhiên, theo GS, TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Bá Đức, tổ chức bộ máy BVUT ban đầu đã không phù hợp. “Ngay trong ban giám đốc cũng ít bác sĩ được đào tạo đúng chuyên khoa ung thư, chuyên ngành ung thư. Đội ngũ trưởng, phó khoa, phòng và bác sĩ điều trị cũng ít người được đào tạo chuyên ngành ung thư mà sang đây mới học thêm chuyên ngành này”, ông Đức nói.
Ông Đức cũng cho biết, toàn BVUT chỉ có 10 bác sĩ được đào tạo chuyên khoa ung thư trên tổng số 77 bác sĩ. Năm 2014, bệnh viện mời các cán bộ ĐH Y Hà Nội vào giảng dạy, đào tạo ngắn hạn (6 tháng) cho các bác sĩ tại đây, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, bệnh viện cần đào tạo đội ngũ bác sĩ chuyên khoa sâu, kết hợp các trang thiết bị hiện đại sẵn có mới có thể nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Đồng thời, bệnh viện cần chuyên môn hóa các khoa, phòng lên mức cao hơn. Trong đó, cần tách khoa Nhi thành một khoa độc lập.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, trưởng Khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại thành phố Hồ Chí Minh, bệnh nhân nhi cần không gian chữa bệnh khác với người lớn và máy móc phục vụ việc khám, chữa bệnh ung thư nhi cũng khác với người lớn, không thể để chung như hiện nay được.
Cũng bởi “chiêu binh mãi mã” ở khắp nơi, nên đội ngũ y bác sĩ của BVUT không chỉ thiếu trình độ chuyên ngành mà sự gắn kết với nhau, hiểu nhau cũng không nhiều. Được biết, hiện mức lương tháng của hộ lý làm việc tại bệnh viện khoảng 2,5 triệu đồng/người; lương bác sĩ dao động khoảng từ 6-8 triệu đồng/người; trưởng, phó khoa, phòng khoảng trên dưới 10 triệu đồng/người. Mức thu nhập chưa bảo đảm cộng thêm sự lo lắng không biết bệnh viện sẽ đi về đâu khiến nhiều cán bộ, y bác sĩ dao động, muốn “dứt áo ra đi”. “Làm công tác quản lý mà thấy anh em nản lòng thì bức bối lắm, vì tâm lý nản ảnh hưởng đến chất lượng. Họ ngồi đây nhìn ra các bệnh viện lân cận và so sánh… Phúc lợi, lễ, Tết không có gì, đời sống chưa bảo đảm thì sao có thể yên tâm công tác?”, bà Sử Thị Ngân, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của BVUT buồn bã nói.
Bài và ảnh: NGUYỄN - LÊ