Tìm mô hình quản lý cho Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng (BVUT) cũng chính là tìm lời giải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho bệnh viện.
Chuyển Bệnh viện Ung thư về hệ thống công lập để ổn định hoạt động là mong muốn của nhiều y, bác sĩ của bệnh viện và người dân Đà Nẵng. |
Sẽ tự chủ về tài chính?
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh (gọi tắt là Hội, đơn vị được xem là chủ sở hữu, chịu trách nhiệm quản lý BVUT) khẳng định: “Chúng tôi chịu trách nhiệm trước UBND thành phố để kiện toàn, củng cố, đưa BVUT hoạt động hiệu quả hơn”. Bà Lan mong muốn BVUT được hoạt động theo mô hình trực thuộc Hội, ít nhất trong 5 năm đầu. Bà Lan còn nêu một số giải pháp sẽ thực hiện như: liên doanh liên kết với các bệnh viện trên địa bàn thành phố để có thêm nhiều bệnh nhân, đẩy mạnh tầm soát ung thư, khám sức khỏe định kỳ xin mở phòng khám đa khoa để tăng thêm nguồn thu… Bà Lan cũng khẳng định, đến năm 2018, bệnh viện sẽ tự cân đối được tài chính, hoạt động có lãi. Tuy nhiên, đó là chưa tính đến khấu hao tài sản 1 năm khoảng 130 tỷ đồng (bằng 10% tổng giá trị đầu tư là hơn 1.300 tỷ đồng, theo báo cáo của Sở Tài chính). Như vậy, sau 5 năm số tiền khấu hao là 650 tỷ đồng, chưa kể kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, máy móc hằng năm. Vậy lúc đó, bệnh viện lấy nguồn ở đâu để bù vào khoản này, nhất là khi trước mắt còn đang trong tình trạng thu không đủ bù chi?
Theo GS,TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, việc chuyển bệnh viện từ chuyên khoa sang đa khoa là điều không khả thi. “Tôi nghĩ rằng, Bộ Y tế đã ra quyết định công nhận BVUT với mô hình, trang thiết bị chuyên chữa ung thư thì không có việc đổi thành đa khoa. Hơn nữa, đổi sang đa khoa thì lấy đâu ra phương tiện, máy móc, hay con người để hoạt động. Hơn nữa, việc đầu tư đa khoa cũng rất tốn kém. Không thể “tận dụng” máy móc hiện có, chuyên khám chữa bệnh ung thư để điều trị các bệnh khác được”, ông Đức nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đức, công tác chữa trị bệnh nhân ung thư đòi hỏi thời gian dài, chi phí lớn. Có loại thuốc đặc trị giá đến hơn 2 triệu đồng/viên mà người bệnh phải uống hằng ngày, rồi những thiết bị chữa trị có giá hàng chục tỷ đồng/máy, như chiếc máy gia tốc xạ trị có giá đến 78 tỷ đồng… Trong khi đó, hiện nay, tại bệnh viện, lượng bệnh nhân nghèo nhập viện chiếm đa số, BHYT chưa đáp ứng được chi phí chữa bệnh ung thư… Do đó, để BVUT tự cân đối thu chi theo mô hình hiện nay là điều bất khả thi!
Nên đưa về công lập?
Từ khi ra đời đến nay, BVUT hoạt động theo mô hình không giống ai! Bởi lẽ, BVUT là Công ty TNHH MTV, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; không phải là bệnh viện công, cũng không phải bệnh viện tư. Trong khi vốn Nhà nước đầu tư xây dựng bệnh viện lên đến hơn 90%. Chưa kể trong 2 năm gần đây, để duy trì hoạt động, ngân sách thành phố phải chi ra 20 tỷ đồng/năm để hỗ trợ. Tại Công văn số 2943/BTC-NSNN ngày 10-3-2014 của Bộ Tài chính gửi UBND thành phố Đà Nẵng nêu rõ: “BVUT không phải là bệnh viện công lập, vì vậy, về nguyên tắc bệnh viện phải tự bảo đảm kinh phí hoạt động. Trường hợp BVUT thực hiện khám, chữa bệnh theo nhiệm vụ Nhà nước giao, đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ bằng nguồn ngân sách địa phương để thực hiện… Đối với chi thường xuyên khác, đề nghị BVUT sử dụng từ nguồn thu của bệnh viện và huy động từ nguồn đóng góp khác để thực hiện”. Còn Nghị quyết số 65/2014/NQ-HĐND ngày 10-7-2014 của HĐND thành phố Đà Nẵng, khi đề cập vấn đề này đã có đoạn: “…đề nghị UBND thành phố sớm làm việc với các ngành liên quan của Trung ương xác định rõ loại hình hoạt động của BVUT để có cơ chế quản lý và đầu tư phù hợp”.
Theo GS,TS Nguyễn Bá Đức, nếu muốn BVUT phát triển bền vững, tạo được thương hiệu ở trong nước và khu vực, cần chuyển đổi mô hình quản lý là bệnh viện công, có thể trực thuộc Bộ Y tế, hoặc là bệnh viện nhóm 1 thuộc Sở Y tế quản lý thì mới có đủ nguồn lực để đầu tư dài hạn cho các hoạt động của bệnh viện. “Chuyển sang bệnh viện công lập thì sẽ tránh được tình trạng chia năm xẻ bảy, nhiều nơi cùng chữa ung thư. Bệnh viện Đà Nẵng có thế mạnh đội ngũ cán bộ, bên này có thế mạnh về cơ sở vật chất. Và như vậy, người nghèo hay giàu đều vào đây chữa bệnh. Lúc đó, người giàu sẽ có đóng góp và nhờ đó hỗ trợ được người nghèo, chứ như hiện nay chủ yếu chỉ chữa cho bệnh nhân nghèo và giai đoạn nặng thì đến lúc nào đó cũng không tồn tại được”, ông Đức nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Vũ Hùng, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND thành phố, cho rằng cần xác định rõ mô hình hoạt động của BVUT theo hướng là bệnh viện công lập, còn giao cho Bộ Y tế hay Sở Y tế quản lý thì đều được. Còn theo bà Sử Thị Ngân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của BVUT, điều trị ung thư vẫn là hoạt động cần được Nhà nước bao cấp. “Tôi mong muốn bệnh viện được đưa về công lập do Nhà nước quản lý. Nếu bệnh viện không tồn tại được thì uổng cả một cơ sở, tiềm lực như thế này, quá lãng phí”, bà Ngân nói.
Trong buổi làm việc của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công và các vấn đề kinh tế khác, ông Kiên lưu ý lãnh đạo thành phố phải xác định rõ về loại hình hoạt động của BVUT, xác định vốn, tài sản Nhà nước ở đây là bao nhiêu. Nếu giao cho một công ty để quản lý và hoạt động theo hình thức hợp tác công - tư thì phải có hợp đồng và các điều khoản kèm theo, công ty đó chịu trách nhiệm trước UBND thành phố. Không thể để một hội đoàn thể xã hội nghề nghiệp quản lý, vì sẽ tạo ra tiền đề đẻ thêm cơ chế đặc thù.
Với nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách và hiện tại, ngân sách đang phải hỗ trợ, bù lỗ thì cần chuyển BVUT về hệ thống công lập như mong muốn của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ nói riêng và người dân Đà Nẵng nói chung. Điều quan trọng là trong mô hình quản lý mới, nếu xác định là bệnh viện công lập thì vẫn đi theo đúng mục đích, tôn chỉ hoạt động ban đầu của BVUT. Còn Hội, nếu vận động thêm được nguồn hỗ trợ, sẽ bổ sung để góp phần giảm thiểu gánh nặng chữa bệnh cho những người nghèo… Đó cũng là một cách hoạt động từ thiện, nhân đạo.
Bài và ảnh: NGUYỄN - LÊ