Để khuyến khích người dân (người về từ vùng dịch hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao) đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi cúm MERS-CoV, Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế yêu cầu tất cả các bệnh viện tổ chức đón tiếp nhanh chóng, đúng quy trình và khám, xét nghiệm miễn phí cho người bệnh.
Điểm cầu Đà Nẵng tham dự Hội nghị trực tuyến chiều 8-6. |
Đó là nội dung được đề cập tại Hội nghị trực tuyến về giám sát, điều trị cúm MERS-CoV do Bộ Y tế tổ chức vào chiều 8-6, với sự tham dự của ngành y tế 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.
Tính đến chiều tối qua (8-6), Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm cúm MERS-CoV. 3 trường hợp nghi ngờ gần đây đều đã cho kết quả âm tính. Tuy vậy, Bộ Y tế khẳng định nguy cơ dịch tràn vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.
Biểu hiện lâm sàng và điều trị Thời gian ủ bệnh 2-14 ngày, bắt đầu với các triệu chứng giả cúm như sốt, ho, đau họng, đau cơ khớp và tiêu chảy, nôn. Nơi có nguy cơ lây nhiễm cao là cơ sở y tế và hộ gia đình. Hiện bệnh chưa có vắc-xin và chưa có thuốc kháng vi-rút nên điều trị các biến chứng và phòng chống nhiễm khuẩn là những cấu phần quan trọng nhất trong quản lý ca bệnh lâm sàng. |
Theo số liệu mới nhất, Hàn Quốc ghi nhận 87 ca mắc và 6 người tử vong. Chính phủ nước này đã nâng cấp độ ứng phó lên “mức ứng phó quyết liệt” và áp dụng các biện pháp y tế công cộng tích cực gồm: cách ly những người có tiếp xúc với ca bệnh, không cho những người này xuất cảnh; tìm kiếm các trường hợp có tiếp xúc với ca bệnh và tiếp tục điều tra dịch tễ học.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc đi lại giữa hai nước Việt - Hàn diễn ra thường xuyên. Hiện có ít nhất 100.000 người Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc, và một cộng đồng doanh nhân, khách du lịch Hàn Quốc đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Toàn ngành y tế và hệ thống chính trị không thể lơ là trước bệnh dịch này. Để dịch xâm nhập, việc xử lý sau đó sẽ vô cùng phức tạp.
Ngành y tế phải giám sát chặt, phát hiện bệnh sớm, từ đó khống chế không cho dịch lây lan. Tại hội nghị trực tuyến, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, môi trường bệnh viện là nơi có nguy cơ lây cúm MERS-CoV cao nhất, chiếm 1/2 số ca mắc đã được ghi nhận. Do đó, công tác cách ly, phân tuyến thu dung là yêu cầu hàng đầu đối với các cơ sở được giao nhiệm vụ điều trị MERS-CoV đợt này.
Trong trường hợp cần thiết, bệnh viện có thể không điều trị các bệnh thông thường để chỉ tập trung cứu chữa những bệnh liên quan đến MERS-CoV. Bên cạnh đó, bệnh viện dã chiến sẽ được thành lập tùy tình hình diễn biến dịch. Giải pháp này đưa ra nhằm khống chế bệnh dịch ở tốc độ nhanh nhất có thể, đồng thời hạn chế lây nhiễm chéo.
Ngoài chỉ đạo miễn phí khám, xét nghiệm chẩn đoán MERS-CoV cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao, có dấu hiệu nghi ngờ, Cục Quản lý khám chữa bệnh còn yêu cầu các bệnh viện rà soát vật tư, cơ số thuốc, đội cấp cứu lưu động để lên phương án ứng phó kịp thời. MERS-CoV không chỉ gây suy hô hấp mà còn dẫn đến suy thận, rối loạn tiêu hóa. Mức độ bệnh nặng cần dùng đến kỹ thuật y tế cao như Ecmo (tuần hoàn qua màng ngoài cơ thể) và siêu lọc máu.
Thành lập 4 đội đáp ứng nhanh Trước diễn biến phức tạp của dịch MERS-CoV, để đáp ứng khẩn cấp các biện pháp phòng chống, Bộ Y tế đã thành lập 4 đội đáp ứng nhanh phụ trách khu vực Bắc, Trung, Nam, Tây Nguyên. Các đội này có nhiệm vụ chỉ đạo điều tra, giám sát, xác minh, tổ chức các hoạt động cách ly, điều trị bệnh nhân. Đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh Mers-CoV có nhiệm vụ thường trực công tác phòng chống dịch trên địa bàn phụ trách, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi có trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh xảy ra trên địa bàn. |
Bài và ảnh: THU HOA