Mỗi tuần có 63 chuyến bay trực tiếp từ Trung Quốc đưa 13.000 khách và 22 chuyến bay từ Hàn Quốc chở 4.500 khách đến Đà Nẵng. Trong khi tính đến trưa 4-6, Hàn Quốc đã ghi nhận 35 ca mắc cúm MERS-CoV, trong đó 2 người tử vong, tốc độ lây lan nhanh.
Khách Hàn Quốc làm tờ khai y tế tại sân bay quốc tế Đà Nẵng vào tối 3-6. |
Trước tình hình trên, chiều 4-6, Sở Y tế Đà Nẵng tổ chức cuộc họp khẩn triển khai phương án phòng chống dịch với sự tham dự của tất cả cơ sở y tế công và tư trên địa bàn.
Bệnh viện Đà Nẵng điều trị MERS-CoV
Tại cuộc họp, Sở Y tế đề cập các phương án ứng phó với cúm MERS-CoV là khi chưa có dịch và lúc dịch đã xảy ra. Theo đó, hiện tại Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng, chưa ghi nhận ca mắc, nên ngành y tế chủ yếu tập huấn cán bộ y tế các tuyến do bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng trực tiếp đào tạo; tăng cường giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp thuốc diện giám sát; đồng thời chuẩn bị nhân lực, phương tiện đáp ứng kịp thời khi có dịch.
Đối với hoạt động giám sát, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Đà Nẵng đã yêu cầu toàn bộ hành khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và khu vực Trung Đông làm tờ khai y tế ngay tại các cửa khẩu đường hàng không và đường thủy. Riêng đường bộ, cơ quan chức năng cho rằng đây là một “khe hở” có thể để lọt người mắc bệnh vào Đà Nẵng.
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, cho biết việc giám sát trong cộng đồng cũng cực kỳ nan giải, bởi tính chất phức tạp của cúm MERS-CoV. Thời gian ủ bệnh kéo dài 14 ngày và người mắc có thể không biểu hiện bệnh ra ngay.
Về đơn vị nhận thu dung, điều trị người nghi hoặc mắc cúm MERS-CoV, nhiều ý kiến cho rằng không nên đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng vì nơi đây luôn tập trung đông người, sẽ khó khống chế việc lây lan qua đường tiếp xúc.
Tuy nhiên, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Giám đốc Sở Y tế, khẳng định Bệnh viện Đà Nẵng là đơn vị phù hợp, do có kinh nghiệm ứng phó với nhiều dịch bệnh nguy hiểm trước đó. Phương tiện, nhân lực bệnh viện cũng đủ đáp ứng cho những ca bệnh khó liên quan đến suy hô hấp cấp.
Bệnh viện Đà Nẵng sẽ dùng tầng 4, khu y học nhiệt đới để thu dung bệnh nhân liên quan đến cúm MERS-CoV. Khu vực này hoạt động một chiều bao gồm bộ phận cách ly, điều trị và sau điều trị. Bệnh viện lập 4 đội lưu động, mỗi đội 11 người gồm bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên phục vụ.
1 tỷ đồng dập dịch là quá ít
Đó là ý kiến của các cơ sở y tế về nguồn kinh phí dự trù cho hoạt động phòng, chống cúm MERS-CoV của Sở Y tế Đà Nẵng.
Theo dự toán kinh phí, khi chưa có dịch, toàn ngành cần 138 triệu đồng cho tập huấn, tuyên truyền, vật tư phòng chống dịch, phục vụ kiểm dịch tại cửa khẩu.
Khi có dịch xảy ra trên địa bàn, ngành y tế dự kiến sẽ chi hơn 810 triệu đồng cho giám sát, điều tra, xử lý mẫu, giải quyết ổ bệnh trong bệnh viện và ngoài cộng đồng.
Bác sĩ Phạm Trúc Lâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, cho biết cả hai trường hợp tử vong tại Hàn Quốc do cúm MERS-CoV đều là nhân viên y tế. Do đó, bảo đảm tính an toàn cho cán bộ giám sát, dự phòng và điều trị bệnh dịch là việc quan trọng, cần đầu tư tốt.
Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, hiện đơn vị này còn 90 bộ trang phục, 60 khẩu trang phòng chống dịch và 1.500kg Chloramin B hóa chất sát trùng tẩy uế môi trường, v.v…
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, 1 tỷ đồng là kinh phí tạm dự kiến tính trong giai đoạn hiện nay. Tùy theo diễn biến của dịch, lãnh đạo ngành sẽ đề xuất thành phố đầu tư đúng mức với mục tiêu cao nhất là phát hiện bệnh sớm để khống chế và giảm tử vong tối đa.
Những người có nguy cơ cao nhiễm cúm MERS-CoV: Công nhân, người lao động, hành khách, người có tiếp xúc và làm các công việc nông trại thuộc các quốc gia Trung Đông, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hiện chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu nên ngành y tế khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc với những người và khu vực có nguy cơ nhiễm bệnh, tích cực giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống xung quanh. Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, phải thông báo ngay với cơ sở y tế. |
Bài và ảnh: THU HOA