Theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, tất cả các thành viên trong gia đình đều phải tham gia BHYT trừ những trường hợp đã tham gia theo hình thức khác. Việc tham gia BHYT theo hộ gia đình được khuyến khích với cơ chế giảm dần mức đóng.
Tăng quyền lợi và mức hưởng
Người thứ nhất trong gia đình có mức đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở (hiện tại là 1.150.000 đồng), người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt có mức đóng: 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Đến người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Quy định nêu trên sẽ khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, hạn chế tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, bảo đảm sự chia sẻ ngay trong hộ gia đình.
Quy định mới tăng quyền lợi và mức hưởng cho người tham gia nhằm giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh (KCB), tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của các đối tượng: Người có công cách mạng, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội,... đặc biệt là với những người mắc bệnh nặng, bệnh mạn tính (chạy thận nhân tạo chu kỳ, ung thư, bệnh nội tiết...) không có khả năng chi trả.
Luật mới bỏ quy định cùng chi trả 5% với người nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; bỏ quy định cùng chi trả 20% với thân nhân người có công là cha mẹ đẻ, hoặc vợ/chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân của người có công khác và người cận nghèo.
BHYT thanh toán 100% chi phí KCB khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi KCB (tương đương với khoảng 7 triệu đồng). Luật còn bổ sung quy định thanh toán trong các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Mở thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT
Đây là quy định tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Cụ thể, từ 1-1-2016 mở thông tuyến giữa xã, huyện trên cùng địa bàn tỉnh cho người tham gia BHYT.
Với người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, đặc biệt, huyện đảo, xã đảo có cơ chế mở thông tuyến KCB từ xã, huyện, tỉnh lên Trung ương trên phạm vi cả nước.
Từ 1-1-2021 mở thông tuyến tỉnh trên toàn quốc và nâng mức hưởng đối với người tham gia BHYT tự đi điều trị nội trú tại tuyến tỉnh và Trung ương.
Từ 1-1-2015, trường hợp tự đi KCB tại bệnh viện tuyến huyện sẽ được BHYT chi trả 70% chi phí KCB và đến năm 2016, sẽ được chi trả 100% chi phí KCB trong cùng địa bàn tỉnh; tại bệnh viện tuyến tỉnh, từ 1-1-2015, BHYT chi trả 60% chi phí điều trị nội trú và đến 1-1-2021 là 100%; tại bệnh viện tuyến Trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú.
Tăng mức phạt trốn đóng BHYT
Đối với hành vi nợ đóng, trốn đóng BHYT, phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; phải hoàn trả toàn bộ chi phí trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.
BHXH ĐÀ NẴNG