Cũng là rác thải y tế nhưng rác ở các bệnh viện thường xuyên bị “soi”, nhưng rác thải từ các trạm y tế, lâu nay mỗi nơi tự xử lý mỗi kiểu.
Lò đốt rác tự chế của Trạm y tế xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. |
“Tự xử” rác
Rác y tế được phân thành nhiều loại: chất thải gây lây nhiễm (bông gạc bẩn, đồ băng bó, găng tay, gạc, tất cả các vật tư hay thiết bị tiếp xúc với máu và chất thải của người bệnh); nhóm vật sắc nhọn (kim tiêm, xi-lanh…); chất thải dược phẩm (thuốc quá hạn, thuốc bị đổ, thuốc hỏng…); chất thải bệnh phẩm (các bộ phận cơ thể người, nhau thai…), v.v…
Về nguyên tắc chung, các chất thải y tế đều được phân loại tại chỗ. Việc chứa đựng và xử lý cũng có quy trình riêng gồm đốt, chôn hoặc đưa về lò đốt tập trung của thành phố.
Quy định là vậy, nhưng dường như việc áp dụng chỉ được thực hiện ở các cơ sở y tế lớn, còn các trạm y tế (TYT) thì xử lý… tùy ý theo cách của mỗi trạm. Hầu hết các TYT tại huyện Hòa Vang đều làm lò đốt tại chỗ trong khuôn viên trạm. Phần tro sau đó có nơi mang đi chôn, có nơi đổ chung vào rác sinh hoạt.
Một ngày trong tháng 7 này, vào TYT xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang), chúng tôi nghe mùi khét tỏa ra xung quanh. Đó là mùi rác thải y tế tập kết ở khu vực phía sau khuôn viên trạm, được đốt từ ngày hôm trước và còn âm ỉ cháy đến hôm sau. “Lò đốt” được xây bằng bốn bức tường gạch nhỏ, thấp, đơn giản và rác cứ thế được dồn lại, vài ngày đốt một lần. Sở dĩ rác cháy âm ỉ nhiều ngày là vì trong rác có các vật liệu bằng cao su, ni-lông nên cháy rất lâu. Lượng tro sau đó được gom vô chung với rác thải thông thường.
Tương tự, tại TYT Hòa Phước và Hòa Tiến, chúng tôi cũng thấy rác thải y tế được đốt trong các “lò” tự chế. Hòa Tiến còn đốt rác trong một cái chậu nhỏ. Người phụ trách công việc dọn dẹp vệ sinh tại đây cho hay: “Cứ hai ngày đốt một lần. Bông băng, kim tiêm chi cũng đốt hết, nhưng không nghe mùi hôi. Kim được đặt trong hộp dễ cháy nên đốt loại này cũng dễ dàng”.
Rác ít nên không nguy hiểm?
Hầu hết các TYT đều cho rằng, vì lượng rác y tế thải ra hằng ngày từ trạm rất ít, chỉ khoảng 0,5 ký mỗi ngày, nên nếu làm hợp đồng xử lý với công ty vệ sinh môi trường thì… hơi phí.
Ông Nguyễn Ngọc Ba, Trưởng TYT Hòa Châu chia sẻ: Trạm được cấp chưa đến 20 triệu đồng cho toàn bộ chi phí sinh hoạt của cả năm. Trong khi đó, riêng hợp đồng xử lý rác thải y tế lại ngốn hơn 1 triệu đồng mỗi tháng thì trạm không gánh nổi.
Đại diện Sở y tế Đà Nẵng cho rằng, về nguyên tắc, đốt cũng là một trong những cách xử lý rác thải y tế. Tuy nhiên, đốt như thế nào, quy chuẩn của lò ra sao và tro sau khi đốt xong phải được tính toán để không gây tác hại xấu đến môi trường.
Một đặc điểm thuận lợi của các TYT khu vực Hòa Vang là diện tích đất rộng nên việc dựng lò đốt trong khuôn viên trạm và tìm chỗ chôn tro đều khá thuận lợi. Tuy vậy, để mỗi trạm làm mỗi kiểu là điều không đúng và điều này cần được chấn chỉnh trong thời gian tới.
Bác sĩ Trần Sỹ, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hòa Vang, cho biết: “Chúng tôi chưa thấy có quy chuẩn nào về lò đốt dành cho các trạm tự xử lý rác thải. Vì vậy, trong thời gian đến, các trạm ở gần Trung tâm y tế Hòa Vang như trạm Hòa Nhơn, Hòa Khương và Hòa Phong sẽ cùng vận chuyển rác thải y tế về Trung tâm để được xử lý chung. Các trạm còn lại ở xa sẽ có lò đốt tại chỗ. Lò cũng được xây tường cao, tránh khói nhằm không gây ảnh hưởng đến môi trường lân cận”.
Bài và ảnh: THU HOA