Y tế - Sức khỏe

Đột quỵ không chừa người trẻ

08:24, 12/08/2015 (GMT+7)

Trước đây, đột quỵ gần như được mặc định là bệnh của người già (trên 65 tuổi). Tuy nhiên, vài năm qua, tình trạng bệnh nhân từ 20-50 tuổi phải nhập viện vì đột quỵ tăng đáng kể.

Một bệnh nhân đột quỵ đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đà Nẵng (ảnh chụp sáng 23-7-2015).
Một bệnh nhân đột quỵ đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đà Nẵng (ảnh chụp sáng 23-7-2015).

Học sinh THCS cũng bị đột quỵ

Bệnh viện Đà Nẵng vừa cấp cứu và điều trị cho một bệnh nhân nam 41 tuổi, làm nghề thợ nề, đột quỵ ngay trong lúc làm việc. Bệnh nhân bị liệt nửa người bên phải và được những người bạn làm cùng đưa vào bệnh viện trong 1 giờ đầu tiên. Qua chụp CT, làm các xét nghiệm và điều trị tiêu sợi huyết tĩnh mạch, bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe nhưng vẫn tiếp tục được theo dõi.

Gần đây, khoa Hồi sức tích cực- Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân đột quỵ ở tuổi đời còn rất trẻ. Đó là một bé gái mới học lớp 7. Đang đi học, bỗng nhiên em thấy đau đầu, nôn ói rồi hôn mê. Bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán bị phình mạch não…

Theo bác sĩ Dương Quang Hải, khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Đà Nẵng, đột quỵ, còn gọi tai biến mạch máu não, gồm hai dạng xuất huyết não do vỡ mạch máu não và nhồi máu não do tắc mạch máu não. Đây là tình trạng tổn thương đột ngột một phần não bộ, gây ra khiếm khuyết hệ thần kinh trung ương. Vài năm trở lại đây, bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ có dấu hiệu tăng rõ rệt. Chưa kể các khoa về thần kinh, tim mạch, chỉ riêng khoa Hồi sức tích cực, nơi tiếp nhận những ca đột quỵ nặng, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nằm điều trị tại khoa này luôn chiếm từ 30-50% trong toàn khoa. Trong đó, trung bình mỗi tháng có khoảng 10 ca bệnh trẻ tuổi vào khoa này.

Theo ghi nhận của các bác sĩ, thời điểm giao mùa, chuyển mùa, lượng bệnh nhân đột quỵ cũng tăng hơn so với các thời điểm khác trong năm.

Vào viện sớm, hạn chế nhiều biến chứng

Bác sĩ Dương Quang Hải cho biết, nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ thường có lý do được xác định cụ thể. Đó là những bất thường mạch máu não bẩm sinh, dị dạng động tĩnh mạch, phình mạch não, huyết khối tĩnh mạch não. Những người có tiền sử bệnh tim mạch cũng thuộc nhóm nguy cơ cao bị đột quỵ.

Sở dĩ hiện nay số liệu bệnh nhân đột quỵ được ghi nhận nhiều là do y học phát triển, có thể xác định đúng loại bệnh. Một nguyên nhân khác quan trọng không kém tác động đến lượng bệnh đột quỵ tăng lên, đó là những ảnh hưởng từ môi trường, điều kiện sống, áp lực cuộc sống. Theo thống kê, hiện nay có 25% người trong độ tuổi 30 bị cao huyết áp. Các bệnh đái tháo đường, béo phì cũng tăng cao, tác động trực tiếp đến việc có thể gây tổn thương mạch máu não.

Một số dấu hiệu nhận biết bệnh nhân đột quỵ là đột ngột hôn mê, đau đầu, nôn ói, tê, yếu liệt nửa người hoặc liệt một bên mặt, thất ngôn (không nói được). Dù đột quỵ là bệnh gây tử vong cao nhưng nếu bệnh nhân được cấp cứu đúng trong “giờ vàng” thì khả năng hồi phục rất ngoạn mục. Theo bác sĩ Hải, bệnh nhân nên được đưa vào bệnh viện trước 3 giờ đồng hồ kể từ lúc xuất hiện dấu hiệu đột quỵ. Đối với trường hợp bị hôn mê, người nhà nên để bệnh nhân nằm nghiêng trong quá trình di chuyển đi cấp cứu, nhằm hạn chế tình trạng chất nôn ra có thể bị trào ngược vào trong phổi. Ngoại trừ tình huống này, người nhà không nên làm bất cứ hành động sơ cấp cứu nào khác, bởi có thể khiến biến chứng trầm trọng hơn.

Qua ghi nhận của các bác sĩ, cứ 100 người từng bị đột quỵ thì có 20 người tái phát (chiếm 1/5) trong năm đầu tiên. Do đó, bệnh nhân nếu đã bị đột quỵ một lần, cần được tiếp tục theo dõi sức khỏe chặt chẽ trong thời gian dài hoặc điều trị cả đời.

Việc điều trị đột quỵ hiện nay đã có những tiến bộ vượt bậc, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Trước đây, người bị đột quỵ gần như chỉ được điều trị hậu quả và biến chứng của bệnh. Ngày nay, với việc áp dụng liệu pháp tiêu sợi huyết, các bác sĩ có thể giải quyết từ gốc bệnh, cụ thể như làm tan cục máu đông ở não, tái thông mạch máu não và hồi phục những vùng não bị tổn thương.  

Liệu pháp tiêu sợi huyết được chấp nhận tại Mỹ từ năm 1996. Tại Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên triển khai liệu pháp này vào năm 2005. Bệnh viện Đà Nẵng áp dụng điều trị tiêu sợi huyết từ năm 2013. Đây cũng là cơ sở y tế duy nhất tại miền Trung hiện sử dụng liệu pháp này và có nhóm phản ứng nhanh gồm các bác sĩ cấp cứu, hồi sức hoạt động 24/24 giờ mỗi ngày. Qua hơn 2 năm lập nhóm phản ứng nhanh điều trị tiêu sợi huyết, Bệnh viện Đà Nẵng đã xử lý thành công khoảng 50 ca với kết quả bệnh nhân đi lại được chỉ sau vài giờ đồng hồ điều trị.

Một số người có dấu hiệu đột quỵ nhưng lại lầm tưởng bị “trúng gió” nên bôi dầu hoặc trì hoãn thời gian vào viện cấp cứu. Bác sĩ Dương Quang Hải, khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Đà Nẵng, cho rằng, biểu hiện của đột quỵ là hệ thần kinh trung ương bị khiếm khuyết nên dẫn đến tê, liệt, khó nói, v.v... Trong khi đó, “trúng gió” chỉ là cách nói chung chung của dân gian khi bị ảnh hưởng đột ngột từ một cơn gió lạnh. Vì vậy, nếu có các dấu hiệu nhận biết như trên, việc vào viện sớm là thực sự cần thiết.

Bài và ảnh: THU HOA

.