.
Tinh trùng "chợ đen"

Bài cuối: "Ngân hàng" kêu khó, hàng chợ tránh xa!

.

Muốn tìm “con giống” bằng đường chính thống, các cặp vợ chồng hoặc người phụ nữ có nhu cầu chỉ còn cách đến ngân hàng tinh trùng. Tuy nhiên, đây là một vấn đề “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.

Tinh trùng của người hiến được kiểm tra nghiêm ngặt trước khi sử dụng (ảnh minh họa do HOSREM cung cấp).
Tinh trùng của người hiến được kiểm tra nghiêm ngặt trước khi sử dụng (ảnh minh họa do HOSREM cung cấp).

Muốn có con, trước tiên phải tìm... tinh trùng

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ThS,BS Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh thành phố Hồ Chí Minh (HOSREM), đơn vị chuyển giao kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, cho biết tại Việt Nam, cứ 100 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản thì có gần 8 cặp hiếm muộn, vô sinh, chiếm 7,7%. Trong đó, tỷ lệ vô sinh do không có tinh trùng chiếm khoảng 5% trong các cặp vợ chồng vô sinh. Khoảng 1/2 số trường hợp này phải xin tinh trùng.

Bác sĩ Tường cho rằng, Đà Nẵng là trung tâm y tế điều trị cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong khi chỉ tính riêng thành phố đã có gần 1 triệu dân với mật độ khoảng 100.000-150.000 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản. Con số này cho thấy, nhu cầu điều trị hiếm muộn vô sinh nói chung và xin tinh trùng nói riêng tại khu vực này là một vấn đề không hề nhỏ.

Dù nhu cầu tìm “con giống” là có, nhưng thực tế tại Đà Nẵng hiện nay chưa có ngân hàng tinh trùng. Bệnh viện Phụ sản - Nhi là bệnh viện tuyến cuối về sản - nhi tại Đà Nẵng và đã thực hiện được kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy vậy, Ban Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi khẳng định bệnh viện chưa có ngân hàng tinh trùng, nếu có cũng là kế hoạch của 3-5 năm nữa.

Để tiếp cận các ngân hàng, các cặp vợ chồng hoặc phụ nữ có nhu cầu phải đến cơ sở hỗ trợ sinh sản tại những nơi khác. Tuy vậy, mọi chuyện không đơn giản là đến đề nghị xin tinh trùng thì có. Việt Nam hiện có khoảng 20 ngân hàng tinh trùng nhưng tình hình chung của tất cả các ngân hàng là “khô vốn”.
Theo quy định của các ngân hàng tinh trùng tại Việt Nam, việc xin tinh trùng được thực hiện thông qua con đường trao đổi.

Người muốn xin tinh trùng phải đưa một người đàn ông khác đến để bù lượng tinh trùng tương đương vào lại ngân hàng. Có như thế, ngân hàng mới chấp nhận “xuất” tinh trùng (của một người cho khác). Cách làm này vừa bảo đảm tính tuyệt đối bí mật thông tin giữa người xin và tinh trùng được xin, đồng thời giúp ngân hàng có “vốn” lưu động. Tuy nhiên, đây cũng chính là một trong những lý do khiến nhiều phụ nữ “bó phép” trước nhu cầu xin tinh trùng.

Là một phụ nữ có công việc tốt, thu nhập cao, muốn làm bà mẹ đơn thân chứ không thích lấy chồng, chị X. liên hệ ngân hàng tinh trùng và được yêu cầu có chứng nhận độc thân. Làm xong chứng nhận, chị còn trải qua một thử thách là tìm người thay thế tinh trùng để bù vào lượng “hàng” chị có thể được xin từ kho lưu trữ.

Tìm kiếm mãi nhưng chị X. không thuyết phục ai cho thay. Bí đường, chị làm liều xin “tươi”, nghĩa là xin tinh trùng bằng con đường quan hệ trực tiếp. Hàng “chợ đen” không thiếu, nhưng “con giống” chị X. cần là người đàng hoàng, tốt tính, có học thức, ngoại hình không xấu. Trước yêu cầu có con, chị X. lại nhận những cái lắc đầu của những người đàn ông được cho là “đàng hoàng”. Cách cuối cùng chị X. có thể làm là chấp nhận nghỉ việc để sang nước ngoài thông qua sự giới thiệu của người quen để xin “con giống”…

Khan hiếm

Với tiến bộ về kỹ thuật điều trị hiếm muộn vô sinh như hiện nay, việc cho ra đời ngân hàng tinh trùng là điều không quá khó. “Nuôi” tinh trùng trong ngân hàng càng là điều dễ, bởi tinh trùng được trữ trong các thùng chứa ni-tơ lỏng ở nhiệt độ -196 độ C. Việc bảo quản tinh trùng như thế này có thể kéo dài nhiều năm với chi phí thấp.

Quy định của luật pháp cũng khá đơn giản để người muốn cho tinh trùng có thể đáp ứng đủ điều kiện như: nam 18-45 tuổi, không mắc các bệnh lây qua đường tình dục, bệnh lý di truyền, tâm thần, có trình độ văn hóa tốt nghiệp THCS trở lên. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là “ai chịu cho tinh trùng” để có cái mà bỏ vào ngân hàng.

Coi chừng rước họa vào thân

Bác sĩ Quang Vinh, ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng “giao dịch” tinh trùng không thông qua ngân hàng sẽ gây rất nhiều rủi ro cho người mua bởi hoàn toàn không kiểm soát được người bán có bị các bệnh lây qua đường tình dục, nhất là HIV và viêm gan siêu vi hay không. Thêm vào đó, không ít người đàn ông lợi dụng nhu cầu cần con của phụ nữ để làm chuyện đồi bại, buộc người phụ nữ phải “thỏa mãn” cho bản thân họ và cả… sếp của họ!

Theo BS Diễm Tuyết, Bệnh viện Từ Dũ, quy định của Việt Nam là một người chỉ cho tinh trùng một lần. Nếu em bé đã được sinh ra từ tinh trùng người hiến thì toàn bộ tinh trùng hoặc phôi còn lại của người này sẽ bị hủy. Đó là giải pháp để tránh tối đa tình trạng hôn nhân cận huyết. Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh nào đó, cách làm này cũng khiến nguồn tinh trùng dự trữ đã ít lại càng ít hơn.

Chia sẻ với Báo Đà Nẵng, TS,BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng một ngân hàng tinh trùng lý tưởng phải làm được nhiệm vụ tặng tinh trùng cho người cần. Tuy nhiên, “hàng cung ứng” nhỏ giọt thì lấy đâu ra để tặng mà không cần trao qua đổi lại.

Lý do chính vẫn là quan niệm xã hội chưa thực sự cởi mở. Người cho tinh trùng thường lo lắng con ruột và con “vô danh” của họ lấy nhau hoặc không biết số phận đứa con “vô danh” của mình sẽ đi đâu, về đâu. Vì thế, dù tiên phong trên cả nước về điều trị vô sinh hiếm muộn nhưng ngân hàng tinh trùng của Bệnh viện Từ Dũ vẫn rất ít cơ hội được nhận tinh trùng của người cho.

Một khó khăn đáng kể nữa, theo giới chuyên môn, dù tặng tinh trùng là một dạng hiến nội tạng, nhưng người tặng bị “mất” quá nhiều thứ.

Theo ThS,BS Đặng Quang Vinh, Trung tâm Nghiên cứu di truyền và Sức khỏe sinh sản, ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, người cho phải lui tới bệnh viện trong vòng khoảng… 6 tháng để làm các bước kiểm tra. Người cho phải khám, xét nghiệm để chắc chắn sức khỏe đúng theo tiêu chuẩn quy định và tinh trùng đạt chuẩn WHO 2010…

Vì vừa tốn… tinh trùng, vừa tốn công, tốn sức nên nhiều người dù có thiện ý hiến tinh trùng cũng không đủ quyết tâm đi đến cùng. Theo các chuyên gia, muốn tăng lượng người hiến tinh trùng thì luật phải sửa đổi để người cho không bị mất nhiều quyền lợi.

Tìm ra nước ngoài?

Số lượng các cặp vợ chồng hiếm muộn ngày càng tăng và tình trạng vô sinh nam ngày càng nhiều do thay đổi lối sống, ô nhiễm môi trường, thực phẩm nhiễm bẩn, trì hoãn tuổi lập gia đình và sinh con, v.v... Từ đó, nhu cầu xin tinh trùng ngày một tăng. Một số gia đình khá giả không thể tìm được tinh trùng để thực hiện các kỹ thuật thụ tinh trong nước đã chọn giải pháp ra nước ngoài... có con cho dễ (?)

Tuy vậy, lời khuyên tối ưu của các bác sĩ là: Nên điều trị trong nước. BS Quang Vinh chia sẻ: chi phí cao, chăm sóc thai khó và tỷ lệ thành công tương đương trong nước là những nhược điểm khi thụ tinh trong ống nghiệm tại nước ngoài.

NHÓM PHÓNG VIÊN

;
.
.
.
.
.