Tại Việt Nam hiện nay, số bé trai sinh ra còn sống nhiều hơn số bé gái sinh ra còn sống. Tình trạng này ở mức rất cao và ngày càng lan rộng cả khu vực nông thôn lẫn thành thị.
Đặc biệt, ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, kinh tế khá giả, sự mất cân bằng giới tính khi sinh càng thể hiện rõ. TS Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết như trên tại buổi gặp mặt toàn thể cơ quan báo chí đóng trên địa bàn Đà Nẵng ngày 24-9.
Tỷ số giới tính khi sinh (số bé trai/100 bé gái) ở Việt Nam từ năm 2006 đến nay luôn ở mức trên 110. Xét trên phạm vi vùng kinh tế-xã hội, thống kê năm 2014 cho thấy 6/6 vùng có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong đó, cao nhất là vùng đồng bằng sông Hồng và thấp nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đà Nẵng hiện là một trong số ít thành phố có tỷ lệ giới tính khi sinh tương đối an toàn với 108 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, mức sinh của Đà Nẵng được đánh giá còn bấp bênh, khi số con/1 phụ nữ trồi, sụt không ổn định qua từng năm. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng không đồng đều giữa các phường, xã.
Mất cân bằng giới tính khi sinh trên toàn quốc xảy ra ngay ở lần sinh thứ nhất và đặc biệt cao ở lần sinh thứ 3 trở lên. Dự báo khoảng 15-20 năm nữa, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ. Điều này dẫn đến các vấn đề xã hội phức tạp như: tăng sự bất bình đẳng giới, nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm, tỷ lệ ly hôn và tái hôn tăng, bạo hành giới tính, lạm dụng tình dục, buôn bán phụ nữ cũng theo đó tăng lên.
THU HOA