21 khu vực có nguy cơ cao về sốt xuất huyết trên địa bàn Đà Nẵng đang được các đội y tế dự phòng kiểm tra để tiến hành xử lý môi trường. Tuy nhiên, nếu chỉ trông đợi vào ngành y tế thì chuyện phòng dịch sẽ khó thành công.
Phun thuốc diệt muỗi quanh ổ dịch đường Ba Đình, phường Thạch Thang, quận Hải Châu. |
Ứng phó với dịch bệnh
Tính đến thời điểm hiện nay, 3 loại dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay - chân - miệng (TCM) và viêm kết mạc cấp (mắt đỏ) vẫn ngày một tăng liên tục và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” trên địa bàn Đà Nẵng.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận gần 160 ca SXH, khoảng gần 1.400 ca TCM và 400 ca đỏ mắt. Trong khi SXH đã xuất hiện 14 ổ dịch, thì bệnh mắt đỏ cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và tỷ lệ người mắc TCM đang ở mức cao nhất miền Trung.
Đặc biệt, bước vào mùa mưa bão, dịch bệnh càng có nguy cơ bùng phát. Ngoài 3 bệnh dịch nêu trên, một số bệnh khác có thể phát sinh nhiều trong mùa này là tiêu chảy, các bệnh về tiêu hóa và viêm đường hô hấp.
Để ứng phó với dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã cử 6 cán bộ kết hợp với lực lượng y tế quận, huyện, phường, xã tham gia điều tra chỉ số muỗi và bọ gậy tại 21 điểm được cho là có nguy cơ cao về SXH. Nếu phát hiện ổ dịch, ngành y tế sẽ xử lý riêng lẻ hoặc phun thuốc trên diện rộng. Bên cạnh đó, hiện nay đã có 14 ổ dịch được phun khí dung diệt muỗi. Nếu trong 1 tuần có 2 ca SXH cùng xuất hiện ở 2 tổ dân phố liền kề thì được coi là một ổ dịch. Tại đây, ngành y tế sẽ xử lý môi trường gia đình có bệnh và trong vòng bán kính 100 mét đối với toàn bộ khu vực lân cận. Hiện nay, đội y tế dự phòng các quận, huyện đang dự trữ 300 lít hóa chất phun muỗi và cấp thành phố có 200 lít.
Với bệnh TCM, Sở Y tế khảo sát khu vực khám và điều trị cách ly tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng và chỉ đạo bệnh viện phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng nắm thông tin chi tiết của bệnh nhi, gồm tên, tuổi, địa chỉ, lớp, trường để đến tận nhà và tận trường học xử lý điểm dịch, không để hộ dân cũng như trường học đơn độc giải quyết như trước đây.
Chung tay phòng bệnh
Có mặt cùng đội y tế dự phòng quận Hải Châu đi phun thuốc diệt muỗi tại đường Lê Lai, phường Thạch Thang vào chiều 18-9, phóng viên chứng kiến không ít hộ dân không đồng ý cho cán bộ y tế vào nhà phun thuốc. Một số nhà khác chịu phun… một phần, tức là yêu cầu cán bộ y tế phun thuốc ngoài cống rãnh trước nhà chứ không đưa thuốc vào bên trong nhà.
Được biết, đoạn đường Lê Lai nối dài nằm liền kề đường Ba Đình, nơi vừa có 4 ca SXH và cũng là ổ dịch đầu tiên trên địa bàn Hải Châu từ đầu năm đến nay. 300 hộ xung quanh nơi xuất hiện dịch bệnh được phun khí dung diệt muỗi.
Bác sĩ Trần Thị Hoài Thảo, Trưởng trạm chia sẻ việc động viên, khuyến khích người dân phối hợp diệt muỗi thật sự không hề là công việc nhẹ nhàng, đơn giản. Trước khi phun thuốc, các tổ dân phố đều được thông báo và đề nghị diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường thông thoáng.
Chị Ngô Thị Hồng, tổ trưởng tổ 65, phường Thạch Thang cho biết, khu vực này thường ngày vẫn được người dân làm vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ nên một số hộ cảm thấy không cần thiết phun thêm thuốc. Nơi đây cũng có nhiều người cao tuổi sinh sống nên các bác đôi khi cần được hướng dẫn, tư vấn kỹ hơn việc làm sao hạn chế muỗi sinh sôi từ chuyện nhỏ như thường xuyên thay bình nước cắm hoa bàn thờ, v.v…
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, chia sẻ hoạt động phun thuốc diệt muỗi tức thời hay phun thuốc tồn lưu có khả năng chống muỗi từ 3-6 tháng đều mang tính đối phó. Cái chính vẫn là ý thức giữ gìn vệ sinh chung của toàn dân. Xóm này sạch nhưng xóm bên cạnh không sạch thì nơi nào cũng có nguy cơ SXH. Ở một số khu vực như các phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, Hòa Cường Bắc, Hòa Cường Nam năm nào cũng là… phường trọng điểm SXH, dù công tác kiểm tra chỉ số muỗi và phun thuốc diễn ra đều đặn. Bởi những nơi này có nhiều đất trống, kênh nước ngưng đọng, nhiều người nhập cư sinh sống tạm bợ, đông đúc nên ngành y tế đành… bó tay.
Việc phòng bệnh rất cần sự chung tay của toàn dân. Trong đó, ý thức cảnh giác trước bệnh dịch vô cùng cần thiết. Chẳng hạn, nhiều người cảm thấy nhà mình đã sạch sẽ, nhưng thực tế chậu cảnh nhỏ rất đẹp treo trước nhà có nước đọng lại là một ổ bọ gậy thực sự nguy hại.
Đối với TCM, lượng bệnh đang cao ngất, Sở Y tế Đà Nẵng đã xin ý kiến của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế về việc phun Chloramin B diện rộng nhưng không được đồng ý. Cục Y tế dự phòng cho rằng, thời điểm hiện nay chưa thực sự cần thiết phun thuốc, chỉ cần sử dụng chất sát khuẩn thông thường là đủ.
Bài và ảnh: THU HOA