.

Thu hút và phân bổ bác sĩ về trạm y tế

.

Sau khi Báo Đà Nẵng số ra ngày 3-9-2015 đăng bài viết “Nhiều trạm y tế không có bác sĩ” phản ánh bức xúc của người dân quận Thanh Khê khi có đến 9/10 trạm y tế phường không có bác sĩ, một số người dân ở quận Hải Châu đã chia sẻ nỗi bức xúc này qua đường dây nóng của báo.

Về lâu dài, cần điều động bác sĩ về công tác tại các trạm y tế để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho người dân.
Về lâu dài, cần điều động bác sĩ về công tác tại các trạm y tế để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

Theo phản ánh, mặc dù ở trung tâm thành phố nhưng người dân ở nhiều phường của quận Hải Châu như: Hòa Cường Nam, Hòa Cường Bắc, Hòa Thuận Đông, Bình Thuận... lại ở xa Bệnh viện Đa khoa Hải Châu và Bệnh viện Đà Nẵng, nên mỗi khi mắc các bệnh thông thường, cần đến bệnh viện thì thường đến 2 bệnh viện này hoặc đến Bệnh viện Quân y 17, Bệnh viện Gia Đình.

Bác sĩ Lê Duy Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải Châu, cho rằng thiếu bác sĩ ở các trạm y tế phường là vấn đề tồn tại từ rất lâu. Hiện trên địa bàn quận có 6/13 trạm y tế phường không có bác sĩ. Trung tâm Y tế quận đã tăng cường bác sĩ đến làm việc tại mỗi trạm y tế 3 buổi/tuần. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các bác sĩ được đào tạo đa khoa, về làm việc tại trạm y tế phường không phù hợp nên bác sĩ không chịu về. Theo kế hoạch của thành phố, phấn đấu đến năm 2020 mới có đầy đủ bác sĩ làm việc tại các trạm y tế. Vì vậy, phải có mô hình đào tạo bác sĩ phù hợp. Bộ Y tế đã có chủ trương và thành phố cũng đã có hướng thu hút, bố trí và tạo điều kiện về chế độ chính sách, môi trường phù hợp để bác sĩ an tâm làm việc tại trạm y tế.

Theo Sở Y tế, trên địa bàn thành phố có 56 trạm y tế phường, xã với 392 giường bệnh, 365 cán bộ, nhân viên y tế, 1.843 nhân viên y tế thôn và cộng tác viên dân số sức khỏe cộng đồng, nhưng chỉ có 25/56 trạm có bác sĩ. Tổng số thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh ban đầu tại các trạm y tế là 276.040 thẻ, có 484.211 lượt khám chữa bệnh tại các trạm y tế và tỷ lệ bình quân chuyển viện lên tuyến trên là 21,4%.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, hầu hết các trạm y tế đều đạt yêu cầu về diện tích đất sử dụng và diện tích phòng chuyên môn. Các dụng cụ, trang thiết bị y tế tại trạm y tế cơ bản đủ để phục vụ công tác khám chữa bệnh và giải quyết cấp cứu cho bệnh nhân. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các trạm y tế chưa được cấp giấy phép hoạt động và tỷ lệ cán bộ, nhân viên y tế có chứng chỉ hành nghề chỉ đạt 60,9%.

Đây là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hoạt động chung của trạm y tế... Sở Y tế đề nghị thành phố quan tâm bổ sung chỉ tiêu biên chế lao động về các trạm y tế để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và tiếp tục huy động các nguồn lực nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế cho các trạm y tế, bảo đảm các yêu cầu bộ tiêu chí của Chuẩn quốc gia về y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2011-2020.

Trước thực trạng này, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đã đề nghị UBND thành phố và các quận huyện, Sở Y tế và trung tâm y tế các quận, huyện cần sửa đổi, bổ sung chính sách thu hút bác sĩ về công tác tại trạm y tế theo hướng bổ sung chính sách đào tạo, luân chuyển để bác sĩ có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn; điều động bác sĩ về công tác tại các trạm y tế ở khu vực xa trung tâm thành phố để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho người dân và có hướng thu hút, phân bổ bác sĩ gia đình về trạm y tế.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.