.

Tiếp tục miễn, giảm viện phí cho bệnh nhân ung thư nghèo

.

ĐNĐT - Làm sao để duy trì việc hỗ trợ miễn giảm viện phí cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng là nội dung chính của buổi làm việc do Sở Y tế thành phố, Bệnh viện Ung bướu phối hợp với các sở, ngành, hội tổ chức ngày 25-9.

Bệnh nhân khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng
Bệnh nhân khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng

Thanh toán sau BHYT khá lớn

Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng (tiền thân là Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng) khánh thành và đi vào hoạt động từ năm 2013. Đây là bệnh viện khám chữa bệnh từ thiện, miễn phí cho bệnh nhân ung thư nghèo đầu tiên tại Việt Nam. Sau 3 năm hoạt động, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã miễn, giảm viện phí cho hơn 4 ngàn lượt bệnh nhân nghèo, với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng. 

Tại đây, bệnh nhân nghèo (có sổ chứng nhận hộ nghèo của địa phương) ở miền Trung (trước mắt ưu tiên cho người dân ở Đà Nẵng và Quảng Nam) khi điều trị sẽ được miễn phí hoàn toàn. Tức là sau khi trừ phần BHYT thanh toán, số tiền còn lại sẽ do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng chi trả, bệnh nhân không phải bỏ tiền túi. Bệnh nhân nghèo điều trị nội trú và cả thân nhân của họ đi nuôi bệnh còn được cung cấp thức ăn miễn phí hằng ngày từ bếp ăn từ thiện của bệnh viện.

Do mô hình hoạt động chưa phù hợp nên Bệnh viện Ung thư tuy có nhiều máy móc hiện đại, y bác sĩ giỏi nhưng hoạt động chưa hiệu quả và thiếu kinh phí vận hành. Bởi vậy, ngày 1-9, Đà Nẵng đã chuyển bệnh viện sang hình thức công lập, đổi tên thành Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng và chủ trương vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu nhân đạo là miễn, giảm viện phí cho bệnh nhân ung thư nghèo. 

Theo bác sĩ Nguyễn Út, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, từ khi chuyển sang công lập, lượng bệnh nhân tăng gấp đôi, từ khoảng 300 lượt người bệnh/ngày tăng lên hơn 600 lượt người bệnh/ngày, trong đó có nhiều bệnh nhân nghèo. Bởi vậy, số tiền hỗ trợ miễn, giảm đã tăng lên đáng kể. “Trước đây, việc thanh toán thuốc theo chế độ BHYT không khó nhưng từ đầu năm đến nay, có những loại thuốc đặc trị đắt tiền chỉ được BHYT thanh toán 50% nên chi phí hỗ trợ cao” - bác sĩ Út cho biết. 

Ông Đinh Văn Hiệp, Giám đốc BHXH Đà Nẵng cho biết, hiện những bệnh nhân nằm viện từ trước ngày 1-1-2015 vẫn được hưởng chế độ theo quy định cũ. Theo ông Hiệp, từ ngày 1-1-2015, theo quy định của Thông tư 40 (Bộ Y tế ban hành), có 13 loại thuốc BHYT chi trả 50% thay vì 100% như trước đây, còn lại người bệnh phải chi trả. Tuy nhiên, một số thuốc dùng cho bệnh nhân ung thư nằm trong nhóm giảm tỉ lệ thanh toán đợt này, các đơn vị có thể thay thế bằng những thuốc khác có tác dụng tương tự.

Đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo

​Lâu nay, việc hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư nghèo chủ yếu nhờ nguồn vận động từ các nhà hảo tâm của Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó chủ tịch Hội này thì cần thành lập một quỹ chung của thành phố để hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo, trong đó có bệnh nhân ung thư.

“Về lâu dài cần có một định chế tài chính phi chính phủ để kêu gọi tài trợ. Đó là thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo” - bà Lan nói. 

Đồng quan điểm này, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế cũng đồng ý đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo. “Dự kiến từ đây đến cuối năm, lượng bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng tăng lên nên phải dự trù nguồn hỗ trợ” - bà Yến nêu ý kiến. 

​Được biết, hiện nay có khoảng 90% bệnh nhân điều trị tại đây thuộc diện hưởng BHYT và có hơn 40% là bệnh nhân quê ở Quảng Nam. Bác sĩ Huỳnh Thế Vịnh, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết năm qua, tỉnh Quảng Nam đã chi từ nguồn ngân sách gần 1,4 tỷ đồng hỗ trợ bệnh nhân nghèo tại Đà Nẵng, riêng tại Bệnh viện Ung bướu (trước đây là Bệnh viện Ung thư) là hơn 700 triệu đồng.

“Thời gian đến, chúng tôi sẽ cố gắng giảm những thủ tục còn rườm rà để tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân nghèo chữa bệnh tại Đà Nẵng. Cần có quy trình liên thông giữa các bên để hạn chế tối đa phiền hà cho bệnh nhân” - bà Vân Lan nói. 

​Bài, ảnh: Phương Trà

;
.
.
.
.
.