Phòng bệnh gần như kín người; y tá, bác sĩ phải làm việc gấp hai, gấp ba khối lượng công việc; máy móc, thiết bị hoạt động liên tục để phục vụ việc khám, điều trị cho người bệnh... Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng (tiền thân là Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng) làm tăng niềm tin cho người mắc bệnh hiểm nghèo.
Các giường bệnh tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng hiện nay gần như chật kín bệnh nhân. |
Bệnh nhân tăng gấp đôi, công việc tăng gấp ba
Ngày 1-9-2015, UBND thành phố Đà Nẵng chính thức thành lập Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng trên cơ sở sáp nhập Bệnh viện Ung thư và Khoa Ung bướu của Bệnh viện Đà Nẵng. Chỉ một tháng sau ngày Bệnh viện Ung bướu hoạt động theo mô hình bệnh viện công lập, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại đây đã tăng gấp đôi so với trước.
Theo thống kê, trong những tháng đầu năm 2015, trung bình mỗi ngày, bệnh viện điều trị khoảng 300-350 lượt bệnh nhân thì nay con số này tăng lên khoảng 600-650 lượt bệnh nhân/ngày, có ngày cao điểm là 700 lượt bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Phạm Thanh Nhân, Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Ung bướu cho biết, với quy mô 500 giường bệnh, trước đây, giường trống nhiều, nhưng hiện tại một số khoa, phòng phải kê thêm giường mới đủ cho bệnh nhân nằm.
Bác sĩ Nguyễn Út, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu cho biết: “Dù lượng bệnh nhân tăng đột biến nhưng tuyệt đối không để bệnh nhân nằm ghép. Nếu cần thì có thể tạm thời bố trí giường của nhân viên cho bệnh nhân nằm”.
Theo bác sĩ Nguyễn Út, lượng bệnh nhân tăng nên tất cả đều phải mua bổ sung, từ quần áo, chăn màn cho bệnh nhân, ga giường, xe đẩy, đến lượng thuốc đặc trị lẫn thuốc thông thường. Bên cạnh đó, bệnh viện vẫn duy trì 1 ngày 3 bữa ăn miễn phí cho tất cả bệnh nhân đang điều trị nội trú. Kinh phí do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ.
Tại nhà ăn miễn phí của bệnh viện, các suất ăn đầy đủ dinh dưỡng được nấu để phục vụ lượng bệnh nhân tăng gấp đôi. “Trước đây, bếp ăn chỉ cung cấp khoảng 900 suất/ngày thì nay tăng lên gần 2.000 suất. Vì vậy, phải tăng thêm chi phí mua xoong nồi, lương thực, thực phẩm để phục vụ người bệnh. Dù số lượng tăng nhưng chất lượng phải bảo đảm để bệnh nhân đủ điều kiện dinh dưỡng”, anh Trần Văn Nhân, phụ trách bếp ăn từ thiện của bệnh viện cho biết.
Không chỉ vẫn được hưởng chế độ ăn miễn phí, bệnh nhân còn được điều trị không phải trả tiền. Bệnh nhân nghèo (có sổ chứng nhận hộ nghèo của địa phương) ở miền Trung (trước mắt ưu tiên cho người dân thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam) khi điều trị sẽ được miễn phí hoàn toàn. Có nghĩa là sau khi trừ phần bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán, số tiền còn lại do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng chi trả.
“Tui bị ung thư phổi, tiền đâu mà đi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh. Tưởng chỉ nằm chờ chết thôi, may mà được ra Đà Nẵng chữa bệnh miễn phí”, ông N.H (60 tuổi, quê ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) thổ lộ. Gia đình ông H. gồm 5 người, hai vợ chồng và 3 con nhỏ đang tuổi ăn học, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng.
“Giờ ổng bị bệnh như thế này, nếu không được bệnh viện chữa miễn phí thì tiền đâu mà lo cứu ổng”, bà C.T.T (60 tuổi), vợ ông N.H nói. Bà T. cho biết, được chữa ở bệnh viện công lập hạng 1 như thế này, ông bà cảm thấy rất tin tưởng.
Người lao động yên tâm công tác
“Trước đây, mình chỉ được ký hợp đồng theo kiểu khoán gọn, không có lộ trình tăng lương, không có phụ cấp ngành… nên dù làm việc tại bệnh viện đã 3 năm nhưng vẫn thấy lo. Bây giờ, bệnh viện đã chuyển sang công lập, mình được vào biên chế Nhà nước, hưởng lương ngân sách”, bác sĩ Nguyễn Phạm Thanh Nhân (42 tuổi), Phòng Kế hoạch tổng hợp chia sẻ. Bác sĩ Nhân là một trong số 129 cán bộ, y bác sĩ vừa có quyết định biên chế sau khi Bệnh viện Ung bướu chuyển sang công lập.
Bác sĩ Nguyễn Út cho hay, ngày 29-9, cán bộ, y bác sĩ bệnh viện có lương cơ bản sắp xếp theo ngạch bậc và sắp tới sẽ có thêm phụ cấp độc hại, ưu đãi nghề… khác với trước đây chỉ nhận 1 lần/tháng, không phân biệt lương, phụ cấp. Bệnh viện Ung bướu hiện có hơn 500 lao động với 8 phòng chức năng thuộc 18 khoa.
Trước đây, khi còn là Bệnh viện Ung thư, dù đơn vị hoạt động hơn 2 năm nhưng nhiều chức danh quan trọng vẫn trống. Hiện bệnh viện đã bổ nhiệm cán bộ khung, ngoài ban giám đốc còn có trưởng, phó các khoa phòng, kỹ thuật viên trưởng… Bệnh viện cũng gấp rút hoàn thiện các quy chế, nội quy, thành lập các ban chỉ đạo phòng chống bão lụt, phòng cháy chữa cháy... theo đúng quy định của một đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo bác sĩ Nguyễn Út, bệnh viện vừa thành lập mới Hội đồng thuốc, xây dựng phác đồ điều trị, đồng thời đưa ra danh mục thuốc đặc trị để đề xuất thanh toán BHYT cho bệnh nhân. Đây là những phần việc rất quan trọng và bắt buộc trong việc điều trị các bệnh hiểm nghèo theo quy định của Bộ Y tế, bảo đảm việc cung ứng thuốc cho bệnh nhân kịp thời, hiệu quả, tránh lãng phí và theo đúng phác đồ điều trị.
Bệnh viện đẩy mạnh triển khai các kỹ thuật chuyên sâu như: phẫu thuật, hóa - xạ trị và chăm sóc giảm nhẹ. Trước đây, danh mục kỹ thuật triển khai ở bệnh viện không nhiều, chỉ có khoảng vài trăm, giờ tăng lên vài ngàn kỹ thuật như: cắt dạ dày, gan, lách, đại tràng…
Bởi vậy, Bệnh viện Ung bướu hiện nay phải lập danh mục kỹ thuật riêng, có sự tham gia thẩm định của bảo hiểm xã hội, sau đó mới thanh toán theo đúng quy định. Bệnh viện cũng đang triển khai hàng trăm phác đồ điều trị cho các loại bệnh ung thư theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, bệnh viện còn thành lập thêm khoa Kỹ thuật phóng xạ với sự hỗ trợ của chuyên gia Úc; đồng thời, xóa bỏ 2 đơn vị không đúng quy định là Trung tâm Nghiên cứu ung thư và Phòng Đối ngoại tiếp thị, thay vào đó là Phòng Chỉ đạo tuyến và quản lý chất lượng, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
“Nếu như trước đây, hầu hết cơ sở y tế ở miền Trung “ngại” chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Ung thư, thì hiện nay, tất cả các trường hợp tuyến dưới phát hiện ung thư đều chuyển ngay lên đây để được điều trị kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Út nói.
Chưa hết khó khăn
Khi còn là Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, đây là mô hình đơn vị y tế ngoài công lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đương nhiên phải tính đến yếu tố kinh doanh, lỗ lãi. Theo bác sĩ Nguyễn Út, cơ sở vật chất tốt, máy móc thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhưng một số máy móc thiết bị mua sắm chưa đồng bộ nên không thể hoạt động bởi cần có sự chuẩn hóa. Ngoài ra, nhiều máy móc thiết bị chưa phát huy hết công năng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chẳng hạn, máy ly tâm của khoa Giải phẫu bệnh vì thiếu thiết bị nên không thể sử dụng được kỹ thuật lắng tế bào để chẩn đoán ung thư. Hệ thống xạ trị gia tốc tuyến tính thiếu hệ thống xạ trị trong để điều trị một số bệnh ung thư phụ khoa hoặc ở cùng hầu họng… Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Út, để bổ sung thêm máy móc, trang thiết bị, bệnh viện đang rất cần nguồn kinh phí khá lớn. Ngoài ra, với máy móc hỏng đột xuất, bệnh viện cũng không có kinh phí dự phòng để sửa chữa.
Hiện nay, Bệnh viện Ung bướu mới chi lương cơ bản cho cán bộ, nhân viên chứ chưa có lương tăng thêm và các loại quỹ: phúc lợi, khen thưởng… như ở các bệnh viện khác. Ngoài ra, từ ngày 1-1-2015, 13 loại thuốc chữa ung thư chỉ được BHYT thanh toán 50% giá trị, còn lại bệnh nhân phải đóng. “Nếu thay thế các loại thuốc này bằng thuốc khác thì hiệu quả chưa cao. Bởi vậy, chúng tôi cố gắng huy động nhiều nguồn để hỗ trợ chi phí miễn phí cho bệnh nhân nghèo nhưng phải bảo đảm cho họ được chữa bằng những loại thuốc tốt nhất”, bác sĩ Nguyễn Út nói.
Bài và ảnh: NGUYỄN - LÊ