.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên: Bị bỏ ngỏ?

.

Dự thảo Luật Dân số đang lấy ý kiến nhân dân. Có hai phương án: thứ nhất, vẫn giữ những quy định Luật Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân 1989, phụ nữ được phá thai theo nguyện vọng; thứ hai, hạn chế việc phá thai từ 12 tuần trở lên. Nhưng các quy định này chủ yếu áp dụng với phụ nữ đã có gia đình; còn đối với trẻ vị thành niên, thanh niên thì không có quy định nào rõ ràng.

Hiện nay, việc quản lý phá thai còn lỏng lẻo, nhiều nơi không có hồ sơ nạo phá thai, số liệu khó thu thập nên khó phân biệt đâu là phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi, đâu là không muốn sinh con do có thai ngoài ý muốn.

Từ thực tế nạo phá thai trong lứa tuổi vị thành niên không được kiểm soát đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đạo đức xã hội. Do đó, việc trang bị kiến thức cần thiết để giảm tỷ lệ nạo phá thai trong giới trẻ là việc vô cùng quan trọng.

Giới trẻ thiếu quan tâm về tình dục an toàn và chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) nên nhiều trẻ vị thành niên đã phải gánh chịu những biến chứng nặng nề từ việc nạo phá thai không an toàn. Nó không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của các em, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của tuổi mới lớn… Do đó, việc giáo dục các em những kiến thức tình dục, CSSKSS cũng như những hiểu biết về sự thay đổi thể chất, tinh thần, cảm xúc là việc rất quan trọng, nhằm giúp các em biết cách phòng tránh. Tuy nhiên, CSSKSS cho các em ở tuổi vị thành niên là công việc phức tạp và tế nhị.

Vì vậy, đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế, mà đòi hỏi cả xã hội, các tổ chức chính quyền, đoàn thể, nhà trường và gia đình cùng phối hợp thực hiện. Trong đó, cha mẹ, thầy cô, y bác sĩ, Đoàn Thanh niên, các tổ chức xã hội… phải là những đối tượng chính, phối hợp một cách tích cực trong các chương trình giáo dục giới tính, CSSKSS cho trẻ vị thành niên.

Việc CSSKSS vị thành niên sẽ giúp hướng các em vào lối sống điều độ; hướng đến những suy nghĩ, đánh giá, lựa chọn đúng đắn trong tình bạn, tình yêu, không mắc phải những sai lầm đáng tiếc ảnh hưởng đến hạnh phúc và tương lai sau này. Đây là những việc làm cấp bách cho thế hệ tương lai, không phải chỉ những quy định của luật pháp không là đủ.

Theo thầy giáo Dương Thanh Hùng, Bí thư Đoàn trường THPT Phan Châu Trinh, thời gian qua, nhà trường thực hiện rất tốt chương trình giáo dục ngoại khóa về CSSKSS cho vị thành niên, đặc biệt coi đây là hoạt động đóng vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục, định hướng, hiểu biết và gần gũi nhất với các em. Những sinh hoạt ngoại khóa cũng như lồng ghép trong giảng dạy nhằm định hướng và cung cấp những kiến thức về CSSKSS cho các em.

Thực tế, có nhiều gia đình chưa chú trọng, quan tâm vấn đề này. Một phần do nhận thức và không có kiến thức cơ bản nên gia đình không thể tư vấn, theo dõi con mà để các em tự mày mò, tìm hiểu và đã xảy ra điều đáng tiếc. Có trường mỗi năm đều có vài ba em mang thai ngoài ý muốn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập và tâm lý của các em.

Tình trạng “hổng” kiến thức về sức khỏe vị thành niên là nguyên nhân chính của vị thành niên mang thai ngoài ý muốn. Hầu hết các em đều có tâm lý e ngại, xấu hổ khi các em không nắm bắt tốt kiến thức đã được học ở các bậc học như: các yếu tố mang thai, dấu hiệu của thai nghén, bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng tránh mang thai ở tuổi vị thành niên… Ở một số trường THPT, việc giáo dục giới tính, CSSKSS mới dừng ở việc xây dựng tình bạn trong sáng, lành mạnh; giới thiệu cho vị thành niên các biểu hiện tuổi dậy thì…, mà chưa mạnh dạn tư vấn cho các em những kiến thức về quan hệ tình dục an toàn, biện pháp phòng tránh thai...

Cung cấp kiến thức cho vị thành niên để cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản là công việc không dễ dàng, vì ở lứa tuổi mới lớn, các em chưa sẵn sàng tiếp nhận; hơn nữa, hầu hết các em rất e ngại trong việc chia sẻ tình cảm, tâm tư. Vì vậy, nhà trường, các tổ chức xã hội và gia đình cần thường xuyên ở bên các em để trợ giúp và từng bước hướng các em có suy nghĩ, tình cảm đúng đắn, lành mạnh. Điều này không chỉ là giáo huấn mà còn là thực thi những chính sách pháp luật.

MAI HOA

;
.
.
.
.
.