Y tế - Sức khỏe
Chỉ tại con lăng quăng!
Nguồn cơn của sốt xuất huyết (SXH) là từ cái con vật bé tí tẹo, mỏng manh, yếu ớt được gọi là lăng quăng. Vậy mà bao văn bản hỏa tốc, bao cuộc họp khẩn, nói chung là mọi thứ rất khẩn trương, nóng bỏng vẫn không… diệt được con lăng quăng nào; ngược lại, chúng ngày càng sinh sôi đến mức cả xã hội than trời “muỗi nhiều quá!”
Đúng là đến ngành y tế cũng phải “bó tay” với SXH nếu nhìn đâu đâu cũng thấy lăng quăng, bọ gậy. 5 năm trước, Đà Nẵng từng chứng kiến “đỉnh của đỉnh” dịch SXH vào năm 2010 với hàng ngàn ca mắc. Vài năm sau, dịch tạm lắng, tuy có lúc trồi sụt. Tưởng có thể tạm yên tâm với SXH, nhưng năm nay, thật sự cả xã hội và ngành y tế đều ngồi trên “ghế nóng” khi số ca mắc cứ “nhảy múa” từng ngày, từng giờ. Nói như người của Viện Pasteur Nha Trang khi kiểm tra thực tế tình hình SXH tại Đà Nẵng, thì biểu đồ dịch giống như đường bay… lên thẳng của máy bay chiến đấu chứ không phải tăng tốc từ từ kiểu máy bay chở khách!
Số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho thấy, từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng có trên 270 ca mắc SXH; riêng trong tháng 9, số lượng bệnh đã chiếm 2/3. Trong khi đó, thống kê thực tế tại các bệnh viện, lượng bệnh nhân chênh gấp nhiều lần. Riêng 2 bệnh viện lớn là Bệnh viện Phụ sản-Nhi và Bệnh viện Đà Nẵng, số SXH gần 450 người. Nếu gộp cả các bệnh viện quận, huyện, trạm y tế, cơ sở y tế tư nhân, số ca SXH sẽ còn cao hơn gấp nhiều lần.
Bởi hiện nay, tất cả cơ sở y tế đều được thu dung và điều trị SXH. Bên cạnh đó, còn một số lượng đáng kể người SXH bị bệnh viện “cho về” khi chưa đến mức nhập viện. Số người bệnh này hiện chưa có cơ quan nào thống kê và quản lý tình hình sức khỏe.
Các bác sĩ trực tiếp điều trị SXH thực sự rất lo trước tình hình bệnh tăng liên tục như hiện nay. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ biết điều trị khi “chuyện đã rồi”. Khả năng của ngành y tế thì cũng chỉ tập trung 2 việc là điều trị và phun thuốc dự phòng. Nhưng như vậy chưa phải là tất cả của chuyện phòng chống dịch SXH.
Quay đi trở lại cũng là phải làm sao diệt được lăng quăng mới mong dập SXH. Mà diệt lăng quăng trong thời điểm chúng sinh sôi nảy nở vượt ngoài tầm kiểm soát là việc đứ đừ chứ chẳng phải chơi. Sự đứ đừ được hiểu đúng theo nghĩa đen nếu đi cùng và chứng kiến công việc của các “chiến sĩ diệt bọ gậy” - những cán bộ y tế phòng chống dịch.
Với cái vợt và chiếc đèn pin, cán bộ y tế đến từng nhà xem xét từng ngõ ngách, chỗ nào càng tối, càng ẩm, càng kín thì càng được lùng sục và thể nào cũng moi ra được một vật chứa nước có “khuyến mãi” thêm hàng tá lăng quăng. Nhưng đi như vậy chỉ được vài chục nhà đến trăm nhà là cùng, trong khi thành phố có biết bao nhiêu hộ. Thực sự, việc kiểm tra như thế chỉ có thể làm theo kiểu chọn ngẫu nhiên và lấy mẫu, chứ không làm được gì với đám lăng quăng trong hàng ngàn ngôi nhà khác.
Ngoài diệt bọ gậy, cán bộ phòng dịch còn đi phun thuốc diệt muỗi. Phun thuốc kiểu hiện nay cũng chỉ mang tính “đối phó” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thuốc chỉ giải quyết phần ngọn của dịch khi chỉ tác dụng với muỗi ngay thời điểm đó. Hết thuốc, lăng quăng lại nở ra muỗi khác. Bên cạnh đó, hành động phun thuốc tại nhiều nơi còn mang tính “làm cho xong”, khi ngành chức năng cho rằng không tìm đâu ra kinh phí trả cho người đeo bình phun hóa chất để họ làm đúng quy trình và bảo đảm khu vực nào cũng được phun đủ lượng thuốc cần thiết.
Diệt lăng quăng xem ra thật khó, nhưng cũng lại rất dễ nếu nhà nhà thuộc “câu thần chú”: “Úp vật chứa nước hoặc nếu không thể úp thì cho muối vào…”. Bên cạnh đó, chú ý không cho đọng nước trong bình cắm hoa, bẹ chuối, lon bia, vỏ chai, vành xe, lốp xe, mảnh vỡ, chậu cây, rác lâu ngày, thau tắm chim, bát nước cho gà uống, v.v… để muỗi hết đường đẻ trứng, lăng quăng hết đường tung tăng.
Tuy nhiên, có những trường hợp nhà cửa sạch trơn mà vẫn dính bệnh. Bởi lăng quăng đâu chỉ có trong nhà mà có ở nơi làm việc, vui chơi và nơi công cộng.
Có những ý kiến cho rằng, cần áp dụng hình thức phạt tiền nếu phát hiện nhà nào đó có lăng quăng. Nhưng không ít ý kiến lo ngại chuyện phạt tiền chỉ gây thêm khó khăn cho phòng chống dịch. Bởi người dân đang hợp tác với cán bộ y tế dò tìm lăng quăng, nếu mở cửa cho cán bộ vào thì chẳng may mình bị phạt, nhiều người thà bất hợp tác ngay từ đầu cho yên. Bên cạnh đó, nếu chủ nhà bị phạt tiền, vậy các chủ đất vàng “vô danh” sẽ bị phạt gì nếu có hàng mớ lăng quăng hoành hành trên khu đất của họ?
Ngành y tế đã nhiều lần “tự thú” rằng, mỗi ngành y không làm sao dập được SXH bởi phòng bệnh mới là mấu chốt. Chính quyền các địa phương phải là đơn vị chủ công trong “cuộc chiến với bọ gậy”. Nhưng không phải đến dịch thì các địa phương mới vào cuộc. Chuyện phòng dịch phải được tính trước khi bước vào đầu mùa mưa. Theo đó, trong kế hoạch phòng chống mưa bão hằng năm, các địa phương cần đưa vào nội dung phòng chống SXH và xem đây là phần quan trọng như chống bão. Các địa điểm công cộng, các khu đất trống hay đất “vô chủ” cần được lên danh sách làm sạch trước khi có mưa và việc làm vệ sinh lặp lại trong cả mùa mưa. Điều này góp phần hạn chế muỗi và phần nào giảm bớt “điệp khúc” đến hẹn lại bùng phát dịch SXH như bao lâu nay.
THU HOA