Số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Đà Nẵng đang tăng theo chiều thẳng đứng, đặc biệt đã xuất hiện 2 ca D2 (thể SXH rất nguy hiểm). Dự báo tình hình SXH sẽ bước vào giai đoạn “nóng” của đỉnh dịch.
Ổ lăng quăng được tìm thấy tại hộ dân phường An Hải Bắc (ảnh chụp sáng 6-10-2015). |
Ngày 6-10, đoàn của Bộ Y tế do ông Nguyễn Thái Hùng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, dẫn đầu vào kiểm tra tình hình SXH tại Đà Nẵng. Vấn đề lớn nhất đặt ra lúc này, đó là vì sao các hoạt động phòng chống SXH luôn được triển khai rầm rộ, như việc ra các văn bản chỉ đạo, tuyên truyền, tập huấn, phun thuốc, giám sát đều có, thậm chí… hơi dư, nhưng người mắc SXH trên cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng vẫn tăng theo kiểu nhảy vọt?
Đụng đâu cũng thấy… bọ gậy
Từ đầu mùa mưa đến nay, nhiều hoạt động phòng chống SXH đã được triển khai từ cấp Chính phủ đến bộ, ngành, thành phố và xuống từng tổ dân phố, khu dân cư. Tuy nhiên, hôm qua, khi đoàn của Bộ Y tế kiểm tra thực tế tại phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), một ổ dịch trên địa bàn Đà Nẵng và là nơi vừa được xử lý điểm dịch đến 2 lần, nhưng kết quả là đụng đâu cũng vẫn thấy bọ gậy.
Đây là một trong những câu trả lời cho nguyên nhân vì sao SXH vẫn hoành hành và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Dù các hộ dân tại phường An Hải Bắc đều ý thức việc úp các vật chứa nước để tránh nước đọng nhưng cán bộ y tế vẫn dễ dàng tìm thấy các ổ lăng quăng.
Trong một ngôi nhà cao ráo, sạch sẽ, chủ nhà cho biết, vệ sinh là việc được coi trọng hàng đầu. Mọi ngóc ngách trong nhà, ngoài ngõ đều ngăn nắp và hạn chế tối đa chỗ muỗi có thể sinh sôi. Thế nhưng, có một điểm chủ nhà không chú ý, đó là tô nước đặt trong chuồng gà đang chứa đầy lăng quăng. Chủ nhà cho biết, vài hôm trước, nhà có tiệc nên thịt mấy con gà mà quên đổ nước trong lồng đi, không ngờ đây lại là nơi sinh ra muỗi.
Bác sĩ Lê Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cho biết, chủ nhật vừa rồi, toàn dân đã ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, đến đầu tuần, lãnh đạo Trung tâm Y tế đi kiểm tra lại thì thấy đâu vào đấy. Hiệu quả của việc ra quân chưa thật rõ ràng, còn nặng hình thức phong trào.
Không chỉ những vật dụng trong nhà chứa bọ gậy, một mối nguy hiểm lớn khác rình rập người dân khu vực này, đó là cống rãnh và các bãi đất trống “vô chủ” xung quanh. Ông Hà Đình Cách (K6/13 Phạm Văn Đồng) đưa đoàn cán bộ y tế vào phía sau nhà và chỉ vào đường cống nước ô nhiễm: Đường cống chung của 2 tổ lại nằm len lách giữa nhà dân thế này thì không trời nào diệt muỗi được.
Đặc biệt, xen giữa các hộ dân là những bãi đất trống cỏ dại mọc um tùm, vật phế thải nằm ngổn ngang với vô số muỗi. Đội Y tế dự phòng quận Sơn Trà cho biết, trước đây, thành phố có quy định địa phương cứ dọn dẹp tại các khu đất trống, khi nào chủ đất đến sẽ yêu cầu thu lại tiền làm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, chủ của nhiều bãi đất “vàng” mãi không thấy xuất hiện, nên dần dần chuyện dọn dẹp vệ sinh tại đây cũng bị “lãng quên”.
Số ca bệnh tăng nhảy vọt
Thống kê tại từng bệnh viện và Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đều cho thấy, nếu trong suốt 8 tháng năm 2015, số ca mắc SXH chỉ rải rác hoặc đếm trên đầu ngón tay, thì riêng trong tháng 9, lượng bệnh nhân gấp nhiều lần cả 8 tháng trước cộng lại. Bệnh viện Sơn Trà ghi nhận 60 ca nhập viện vì SXH, Bệnh viện Phụ sản - Nhi có 205 ca và Bệnh viện Đà Nẵng có 239 ca…
Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, toàn thành phố có 27 ổ dịch nhỏ và tất cả đều đã được phun thuốc xử lý. Địa phương có tỷ lệ người mắc SXH nhiều nhất vẫn là Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ. Hiện chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Theo ông Nguyễn Thái Hùng, tình hình dịch SXH của Đà Nẵng hiện đứng thứ 7 trên tổng số 11 tỉnh, thành khu vực miền Trung. Đến thời điểm này, Đà Nẵng chưa phải là địa phương có mức độ dịch nghiêm trọng nhất khu vực. Tuy nhiên, số ca bệnh lại tăng chóng mặt từng ngày, cảnh báo rất đáng lo ngại về dịch SXH tại Đà Nẵng.
Việc lấy mẫu và chất lượng mẫu xét nghiệm cũng là vấn đề đáng quan ngại khi bệnh viện chẩn đoán nhiều người bị SXH, nhưng các mẫu phân lập virus lại hầu hết cho kết quả âm tính. Điều này đặt ra câu hỏi: Việc lấy mẫu không bảo đảm đúng quy trình, tiêu chuẩn hay việc chẩn đoán bệnh quá rộng gây nên “dịch ảo”?
Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng tăng cường và mở rộng việc giám sát dịch. Cụ thể, khi nắm địa chỉ người mắc SXH, lực lượng phòng dịch không chỉ đến nhà mà phải đến cơ quan, nơi làm việc của bệnh nhân đó để xử lý ổ dịch. Bên cạnh đó, thành phố sẽ huy động hơn 1.800 cộng tác viên y tế thực sự vào cuộc tuyên truyền và cùng nhân dân diệt bọ gậy chứ không “cộng tác cho có”. Bác sĩ Yến một lần nữa khẳng định, thành phố Đà Nẵng không thiếu kinh phí hợp lý cho phòng chống dịch, nhưng nếu chỉ một mình ngành y tế thì không thể giải quyết được chuyện dập SXH.
Bài và ảnh: THU HOA