Dự thảo Luật Dân số quy định cấm phá thai từ 12 tuần tuổi trở lên nhằm phần nào ngăn chặn tình trạng phá thai đang diễn ra tại Việt Nam. Không nên cổ xúy việc phá thai, nhưng cấm lại là một vấn đề còn nhiều băn khoăn.
Theo dự thảo, nếu thai dưới 12 tuần tuổi thì cho phép phá, trừ trường hợp do lựa chọn giới tính thai hoặc gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu thai từ 12 tuần tuổi trở lên thì cấm phá, trừ các trường hợp: mang thai gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của thai phụ và thai nhi; thất bại trong sử dụng các biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài; loạn luân; bị hiếp dâm; người chưa thành niên, người chưa kết hôn; có bằng chứng về nguy cơ sinh ra trẻ có dị tật hoặc nguy cơ phát triển không bình thường.
Như vậy, người chưa thành niên, chưa kết hôn thì được tự nguyện phá thai, còn đối tượng phụ nữ đã có gia đình sẽ gặp nhiều rào cản về pháp luật trong quyết định bỏ thai của mình.
Trong khi đó, đối chiếu với thực tế, có 2 điều cần xem xét liên quan đến quy định này. Thứ nhất, việc cho phép tự nguyện phá thai có phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phá thai nhiều hay không? Thứ hai, cần nghiên cứu lại giữa phụ nữ đã kết hôn và chưa kết hôn, nhóm đối tượng nào phá thai nhiều hơn, tỷ lệ giữa hai nhóm này chênh lệch như thế nào?
Về vấn đề thứ nhất, hậu quả phá thai phải chăng do luật không cấm? Hiện chưa có nghiên cứu, thống kê khoa học nào cho thấy tác động của quy định pháp luật đối với tình trạng phá thai; việc cho phép phá thai đã ảnh hưởng như thế nào đến số lượng người thực hiện thủ thuật này.
Chưa biết có phải vì luật cho phép mà nhiều người phá thai hay không, nhưng một lý do dễ thấy về nguyên nhân dẫn đến phá thai là do có thai ngoài ý muốn.
Vậy muốn giảm phá thai, căn bản phải giảm việc có thai ngoài ý muốn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự “vỡ kế hoạch” như “em ngây ngô không hiểu”, tức không biết về cơ chế thụ thai. Nguyên nhân khác là có hiểu biết nhưng vẫn dính bầu, bởi xuất phát từ lối sống “thoáng”, chủ quan trong phòng tránh thai hoặc đã dùng biện pháp kế hoạch hóa nhưng thất bại.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào vị trí đứng đầu châu Á và nằm trong tốp 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. Tại Đà Nẵng, trước năm 2013, cứ 1 người đẻ thì có 1 người phá. Từ 2013 đến nay, tỷ lệ phá thai có giảm với 1 người đẻ, 1/2 người phá. Dự báo năm 2015, tỷ lệ phá thai chiếm dưới 40% so với số sinh. Dù tình hình “sáng” hơn, nhưng theo Sở Y tế Đà Nẵng, con số này chỉ là phần nổi có thể thống kê được. Tình trạng phá thai chui hoặc người từ tỉnh, thành khác đến Đà Nẵng hay người Đà Nẵng đi nơi khác để phá thai vẫn chưa thể quản lý.
Bộ Y tế cũng đưa ra con số hàng trăm nghìn ca phá thai hằng năm ở tuổi 15-19 (nhóm đối tượng học sinh, sinh viên). Đây chỉ là con số chưa chính xác khi chưa thống kê được ở các cơ sở y tế tư nhân, nhưng chừng này cũng đủ cho thấy nhóm vị thành viên và phụ nữ chưa kết hôn thực hiện việc phá thai là không hề nhỏ. Như vậy, nếu cấm nhóm phụ nữ đã kết hôn mà lại không cấm đối tượng vị thành viên và phụ nữ chưa kết hôn, liệu có giải quyết được đáp án chung là giảm số lượng người phá thai trên cả nước?
Trong dự thảo Luật Dân số còn đưa ra phương án 2 là phụ nữ có quyền phá thai theo nguyện vọng (trừ trường hợp lựa chọn giới tính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe). Ở phương án này, phụ nữ được tự nguyện quyết định, được tư vấn thông tin và hiểu biết các nguy cơ, cách chăm sóc sau khi làm thủ thuật, áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp và được giữ bí mật, v.v…
Giữa 2 phương án cấm và không cấm như trên, thiết nghĩ việc cấm có thể dẫn đến tình trạng “đẩy” phụ nữ vào cơ sở phá thai chui. Bởi lẽ, hậu quả phá thai chưa biết có phải vì luật cho phép hay không, nhưng chắc chắn là vì mang thai ngoài ý muốn. Khi đã lỡ có thai, nếu không được pháp luật chấp nhận việc phá thai thì nhiều chị em sẽ tìm cách khác giải quyết với nguy cơ rủi ro cao hơn nhiều lần, nhất là khi thai đã lớn.
Trở lại giải pháp hạn chế phá thai, vẫn là câu chuyện “muôn năm cũ” là phải làm sao hạn chế có thai ngoài ý muốn. Muốn vậy, trẻ em gái nói riêng, phụ nữ nói chung phải được trang bị kiến thức chuẩn mực, khoa học về sức khỏe sinh sản. Những câu hỏi như “Vì sao có thai?”, “Tránh thai bằng cách nào?” phải thực sự là điều bình thường, sơ đẳng mà người phụ nữ nào cũng biết chứ không phải là những hoang mang được thốt lên khi chuyện đã rồi.
HƯỚNG DƯƠNG