Y tế - Sức khỏe

Nhiều bệnh nhân bỏ điều trị nghiện bằng methadone

07:45, 17/11/2015 (GMT+7)

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone tại Đà Nẵng đã giúp nhiều bệnh nhân phục hồi sức khỏe, có việc làm... Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, có hơn 26% số bệnh nhân bỏ điều trị.

Cho bệnh nhân uống methadone tại Đà Nẵng.
Cho bệnh nhân uống methadone tại Đà Nẵng.

Bệnh nhân tự bỏ điều trị?

Tại Đà Nẵng, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone được triển khai từ ngày 1-10-2010. Tính đến đầu tháng 8-2015, có 552 bệnh nhân đang tham gia điều trị, trong đó có 208 bệnh nhân ra khỏi chương trình, chiếm hơn 26,5% tổng số bệnh nhân đang điều trị. Bác sĩ Nguyễn Phú Đoan Trinh, Trưởng cơ sở 2 điều trị nghiện bằng methadone thuộc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS cho biết, nguyên nhân chủ yếu do bệnh nhân tự bỏ, có hành vi vi phạm pháp luật và một số người khi đang cai nghiện heroin thì nghiện thêm ma túy tổng hợp nên phải cai nghiện tập trung ở Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06.

“Nguyên nhân do có một số bệnh nhân đi làm ăn xa, một số nơi chưa có chương trình điều trị nghiện bằng methadone nên không tham gia được, dẫn đến gián đoạn, bỏ điều trị. Cũng có một số bệnh nhân điều trị một thời gian thấy không còn cảm giác thèm thuốc nên bỏ điều trị và khi bị bạn bè rủ rê thì nghiện lại”, bác sĩ Trinh nói.

Thực tế hiện nay, có không ít bệnh nhân khi đang cai nghiện (nghiện heroin) bằng methadone, bị bạn bè rủ rê lại nghiện thêm ma túy tổng hợp nên phải cai nghiện tập trung tại ở Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06.

Methadone là chất thay thế được sử dụng trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện ở Việt Nam từ năm 2008. Chất này được sử dụng hoàn toàn qua đường uống, từ từ làm giảm thèm muốn và tác động của heroin. Điều trị nghiện heroin bằng methadone là điều trị duy trì, đòi hỏi phải được áp dụng thường xuyên và lâu dài. Tuy nhiên, tùy từng người, sau một thời gian rất lâu, có thể giảm dần liều và ra khỏi chương trình nếu đã điều trị thành công.

“Chúng tôi đã tạo mọi điều kiện cho bệnh nhân, nhất là về thời gian, có thể từ 6 giờ 30 sáng hoặc giữa trưa (nếu bệnh nhân yêu cầu và có lý do hợp lý) để bệnh nhân tiện đến uống thuốc”, bác sĩ Trinh nói. Bác sĩ Trinh cũng cho biết thêm, hiện đã có một số trường hợp sau một thời gian bỏ điều trị nghiện bằng methadone đã quay trở lại xin tham gia chương trình để tiếp tục uống thuốc.

Tuyên truyền, vận động người nghiện

Theo bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng, hiện chỉ có 4,3% bệnh nhân nhiễm HIV trong tổng số bệnh nhân đang điều trị nghiện bằng methadone và không ghi nhận ca nhiễm HIV mới nào. Đó là hiệu quả rõ rệt nhất mà việc điều trị nghiện bằng methadone mang lại.

Đồng thời, trong quá trình điều trị, nhiều bệnh nhân phục hồi sức khỏe tốt, đa số tăng từ 2-3kg sau 6 tháng điều trị. Trước khi tham gia chương trình, chỉ có 136 người có việc làm thì nay tăng lên 246 người. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người nghiện chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định.  

Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, cần làm tốt công tác tuyên truyền hơn nữa để người bệnh hiểu nhiều hơn về hiệu quả của việc cai nghiện bằng methadone.

“Chương trình cai nghiện bằng methadone đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp nhiều bệnh nhân không sử dụng ma túy, giảm chi phí đáng kể với người nghiện. Nhiều người đã có việc làm, có gia đình ổn định, không còn ám ảnh việc phải tìm đến ma túy, góp phần giảm tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, số lượng người điều trị chỉ khoảng 80% so với số người nghiện heroin. Bởi vậy, cần vận động, thuyết phục nhiều hơn nữa người nghiện tham gia vào chương trình”, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng nói. Ông Dũng còn cho rằng, điều quan trọng là phải tạo công ăn việc làm cho người đang cai nghiện để họ có cuộc sống ổn định, góp phần cai nghiện thành công.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

.