Bị vấp ngã gãy chân, ông N. (65 tuổi, trú quận Hải Châu) nhờ con rể đưa vào Bệnh viện C Đà Nẵng điều trị. Việc làm các thủ tục trong bệnh viện với một người ốm bình thường đã vất vả, với người già bị gãy chân như ông, mọi đường đi nước bước chỉ còn dựa vào người nhà. Thế nhưng đến nơi, thấy một bà cụ mờ mắt cầm xấp giấy tờ dò dẫm đi làm thủ tục, ông N. không đành lòng nên đã nói con rể hỗ trợ cho bà, còn ông một mình lò cò với cái chân đau.
Người già nằm viện cần nhiều sự hỗ trợ không chỉ về chuyên môn y tế. |
4 năm nay, bà Nhung (73 tuổi, trú xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đều đặn ra Bệnh viện Đà Nẵng chạy thận. Dù bệnh viện đã quen thuộc như ngôi nhà thứ hai của mình, nhưng mới đây, khi phải đi đóng tiền nhà nghỉ, bà Nhung cũng luống cuống cả buổi không xong.
Bà kể trong tiếng thở hổn hển: “Mỗi tuần tôi chạy thận 3 ngày gồm thứ hai, tư và sáu. Tôi tự ra Đà Nẵng bằng xe buýt giá 20.000 đồng/lượt, nhưng nhiều khi mấy bác tài không lấy tiền. Chỉ hôm nào chạy thận xong mà mệt quá tôi mới phải nhập viện, còn lại thì cứ đi đi, về về thường xuyên.
Tuy vậy, hôm nay tôi thuê nhà nghỉ (khu nhà nghỉ dành cho bệnh nhân, chủ yếu là người chạy thận, trong khuôn viên Bệnh viện Đà Nẵng) ở lại cho khỏe. Giá giường là 25.000 đồng/ngày. Vì lần đầu đi nộp tiền nên tôi không biết làm chi cả”.
Sau một hồi hỏi thăm, bà Nhung cũng biết tiền nhà nghỉ được nộp tại khu thanh toán viện phí, nhưng khu thanh toán viện phí… nằm chỗ nào thì bà không rõ! Bởi lâu nay bà Nhung có bảo hiểm y tế người nghèo nên chi phí điều trị đều được miễn.
Đi ngược, lộn xuôi một hồi, bà Nhung cũng xong thủ tục để lên phòng nằm. Nhờ người bấm giùm thang máy, bà tự tin bước lên tầng 2, nhưng rồi hốt hoảng nhận ra… chỗ ni lạ hoắc. Và cũng phải mất một hồi nữa, bà mới nhớ ra cái phòng của mình nằm tận tầng 4.
Trong mấy ngày ở bệnh viện chăm người nhà, anh Châu (quận Thanh Khê) có những hôm trở thành “tay, chân” của cả phòng. Chuyện là bệnh viện lớn thường quy định giờ “cấm cửa” người nhà để bác sĩ khám bệnh.
Bệnh viện không có khoa lão, nghĩa là không thể bố trí phòng theo độ tuổi mà chỉ theo bệnh, nên dù già hay trẻ, miễn là cùng bệnh sẽ nằm chung phòng, chung khu. Vì vậy, giờ “cấm cửa” thì người nhà của bệnh nhân già hay không già đều phải chấp nhận đứng bên ngoài. Mà thời gian không cho người nhà vào đâu có ngắn, buổi sáng từ 7 - 10 giờ 30 và buổi chiều cũng mất hơn 3 tiếng đồng hồ tương tự.
Phòng anh Châu ở chăm bệnh có rất nhiều cụ bà tuổi trên 70. Nhờ nhanh trí, anh Châu “lẻn” được vào trong giờ “ngoại bất nhập”. Thấy anh, bà cụ giường bên vẫy vẫy: “Con đỡ giùm bà với”. Chân cẳng yếu, lại lùng nhùng thuốc truyền nên bà không thể tự đi vào toilet. Đã vậy, trong nhà vệ sinh cũng không có tay vịn cho người già yếu tựa vào nên anh Châu “xúi” bà “đi” đại ra sàn toilet rồi anh sẽ dọn sau.
Vừa dìu bà quay vào phòng, anh lại thấy một cụ khác ngồi khúm núm nín nhịn. Cụ bảo “mắc” nhưng ráng đợi tới giờ con được vô mới “đi”, bởi bà “đi” theo kiểu nằm tại chỗ nên chỉ có người nhà quen tay mới giúp bà yên tâm mọi thứ không bị ướt...
...Những người già trong bệnh viện chúng tôi gặp nói rằng, trong điều kiện chưa có khoa lão hoặc chưa có đủ nhân lực y tế để thực hiện việc chăm sóc chuyên biệt, các bệnh viện nên bố trí thêm một vài tình nguyện viên giúp đỡ riêng người bệnh lớn tuổi trong việc làm thủ tục hành chính, tìm phòng, v.v…
Bên cạnh đó, trong giờ “cấm cửa” thăm nuôi, người nhà của bệnh nhân lớn tuổi có thể được ưu tiên ở lại. Những sự thay đổi nội quy tuy rất nhỏ nhưng có thể giúp ích rất nhiều cho người cao tuổi hạn chế những nguy cơ, rủi ro không đáng có ngay trong lúc nằm viện.
Bài và ảnh: HƯỚNG DƯƠNG