.
GIẢI BÀI TOÁN THIẾU BÁC SĨ TUYẾN CƠ SỞ

Đưa y sĩ đi học làm bác sĩ

.

Mặc dù đã có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút bác sĩ về làm việc ở các cơ sở y tế phường, xã nhưng đến nay, số bác sĩ chịu về phường, xã và quận, huyện còn quá ít ỏi. Do đó, thay vì cố kêu gọi và chờ đợi, các trung tâm y tế đã đầu tư cho chính y sĩ của mình đi học lên bác sĩ để trở về phục vụ.

Bác sĩ Nguyễn Quang Tùng Nguyên tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Ngũ Hành Sơn.
Bác sĩ Nguyễn Quang Tùng Nguyên tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Ngũ Hành Sơn.

150 triệu đồng/năm cho một cán bộ học bác sĩ

Từ y sĩ của trạm y tế phường Hòa Hải, cách đây 6 năm, anh Nguyễn Quang Tùng Nguyên (47 tuổi) đã được Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn tạo mọi điều kiện ôn luyện để thi vào Đại học Y Huế.

Nhận kết quả trúng tuyển, đồng nghĩa với việc anh Nguyên tạm gác công việc chuyên môn để đi học suốt 4 năm liền.

Để hỗ trợ một phần kinh phí cho anh Nguyên, lãnh đạo Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn đã giữ nguyên lương, bảo đảm các loại thưởng, xếp loại A lao động và lo toàn bộ học phí, sách vở… Tổng cộng Trung tâm đầu tư 150 triệu đồng/năm cho một cán bộ đi học bác sĩ.

Hiện nay, bác sĩ Nguyên đã trở về và làm việc được 2 năm tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Ngũ Hành Sơn. Chia sẻ về chế độ đãi ngộ đối với bản thân mình, bác sĩ Nguyên cho biết: “Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực từ chính sách này, tôi không thể nào theo đuổi được ước mơ trở thành bác sĩ.

Không chỉ giúp về vật chất, Trung tâm còn cho tôi sức mạnh tinh thần để hoàn thành chương trình học. Trong thời gian ôn thi, có lúc tôi bị ốm và lãnh đạo Bệnh viện Ngũ Hành Sơn đã ra Huế thăm hỏi tôi. Tất cả sự quan tâm đó khiến tôi thực sự xúc động và chỉ còn cách duy nhất là cố gắng hết khả năng để trở về phục vụ.

Bác sĩ Phạm Văn Tài, Giám đốc Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn cho biết, ngoài bác sĩ Nguyên, còn có thêm 2 bác sĩ khác cũng hưởng chính sách trên và đã quay về nhận công tác. Hiện còn 3 cán bộ của Trung tâm đang học bác sĩ tại Huế.

Giờ đây, các bác sĩ vẫn tiếp tục học sau đại học để hoàn thiện chuyên môn. Bệnh viện Ngũ Hành Sơn có 8 khoa lâm sàng với 24 bác sĩ. 10 năm về trước, bệnh viện rất thiếu bác sĩ, đến mức phải hợp đồng làm thêm với những cán bộ đã nghỉ hưu. Đến nay, đội ngũ bác sĩ của bệnh viện hầu hết đang ở tuổi sung sức làm việc.

Tương tự Ngũ Hành Sơn, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cũng không kêu gọi được bác sĩ. Có bác sĩ mới về được 1 năm cũng đã chuyển đi. Vừa qua, Bệnh viện Hòa Vang đưa ra nhu cầu tuyển 15 bác sĩ nhưng chỉ có... 2 người tham gia dự tuyển.

Thiếu bác sĩ là tình trạng chung của toàn Trung tâm Y tế Hòa Vang, trong đó thiếu hụt nhất tập trung ở chuyên khoa mắt, khoa sản, chẩn đoán hình ảnh, hồi sức cấp cứu, gây mê. Nhằm giải quyết bài toán về nhân lực, Trung tâm Y tế Hòa Vang cũng hỗ trợ cho y sĩ học lên trình độ bác sĩ tại Đại học Y Huế. Người đi học được hưởng nguyên lương, đồng thời được hỗ trợ 50% học phí. Hiện Trung tâm có 2 người đã tốt nghiệp bác sĩ, 1 trường hợp còn đang học.

Tốt nhất vẫn là luân phiên

Tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân theo quy định chung trên toàn quốc là khoảng 7,8 bác sĩ; trong khi đó, Đà Nẵng hiện đã đạt gần 14 bác sĩ trên vạn dân. Tuy nhiên, đi sâu vào từng lĩnh vực và mức độ, từ tuyến thành phố đến thành phố còn thiếu rất nhiều.

Ngoài chính sách chung của thành phố đối với đối tượng bác sĩ, các bác sĩ về phường, xã còn được nhận thêm một lần lương. Bác sĩ từ tuyến quận, huyện về tăng cường trạm phường, xã được hỗ trợ mỗi buổi thêm 50.000 đồng.

Với địa bàn thuộc ngoại thành như huyện Hòa Vang, bác sĩ mới ra trường nếu đạt loại giỏi về huyện sẽ được hỗ trợ ban đầu 10 triệu đồng, loại khá 8 triệu và loại trung bình là 5 triệu đồng. Năm tập sự đầu tiên, bác sĩ còn được hỗ trợ thêm 15% lương nữa.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, các chính sách ưu đãi chưa thể phát huy tác dụng đã phản ánh rõ nét một thực tế: Môi trường làm việc mới là quan trọng nhất đối với bác sĩ. Ngành y tế cũng đang nhìn lại xem nên làm cách nào cho phù hợp.

Để “chữa cháy” thiếu nhân lực, các trung tâm y tế quận, huyện được  tăng cường cán bộ y tế từ các bệnh viện tuyến thành phố như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi và Bệnh viện Mắt. Song, việc cử người luân phiên cũng khó có thể áp dụng rộng rãi, bởi các bác sĩ ở tuyến thành phố đã có chuyên ngành sâu, quen làm theo ê-kíp.

Bây giờ yêu cầu bác sĩ về y tế cơ sở làm một mình với những hoạt động thuộc y tế cộng đồng thì cần phải cân nhắc. Trong khi đó, trung tâm y tế quận, huyện còn thiếu bác sĩ thì làm sao đủ người luân phiên hỗ trợ cho các phường, xã. 56 trạm phường, xã lại chỉ mới có 25 bác sĩ cũng khó chia sẻ nhân lực cho nhau.

Dù vậy, trong tình hình thiếu hụt hiện nay, theo bác sĩ Yến, cách tốt nhất vẫn là nên luân phiên. “Bác sĩ công tác ở tuyến trên trong cuộc đời làm ngành y của mình phải có một thời gian cống hiến ở y tế xã, phường. Nếu anh có chuyên môn rồi thì thời bắt nhịp công việc cũng không có nặng nề”, bác sĩ Yến nói.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.