Lâu nay, hầu hết những người nhiễm HIV đều được điều trị miễn phí thuốc kháng virus (ARV) và các xét nghiệm liên quan nhờ nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, từ đầu năm 2015, nguồn viện trợ chấm dứt trong khi chi phí điều trị khá cao thì chiếc thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) là chiếc phao giúp người bệnh được điều trị và duy trì sự sống.
Khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế ở Bệnh viện quận Hải Châu (Ảnh mang tính minh họa). |
Có thẻ BHYT đỡ lắm!
Bị nhiễm HIV từ năm 2006, anh L.T.H (40 tuổi, ở quận Thanh Khê) lúc nào cũng nghĩ đến cái chết. Sau đó, anh được vợ con, gia đình động viên đi chữa trị và uống thuốc ARV. Nhờ được uống thuốc, khám và chăm sóc thường xuyên nên sức khỏe của anh cải thiện nhiều.
Có sức khỏe, hằng ngày, anh chạy xe ôm kiếm tiền hoặc phụ vợ buôn bán lặt vặt cũng đủ trang trải cuộc sống. “Cũng may nhờ được khám chữa bệnh miễn phí nên mình và nhiều người nhiễm HIV có cùng hoàn cảnh kinh tế khó khăn có điều kiện uống thuốc thường xuyên. Nhờ vậy, mình không bi quan nữa”, anh H. thổ lộ.
Còn với chị N.T.T (33 tuổi, ở quận Hải Châu), khi nhận được thông tin từ ngày 15-8-2015, các loại thuốc và dịch vụ y tế liên quan được quỹ BHYT chi trả, chị rất mừng.
“Nghe nói không còn được hỗ trợ điều trị từ các tổ chức quốc tế, tôi thực sự lo lắng. Tuy nhiên, bây giờ, nhờ có thẻ BHYT, chúng tôi lại vẫn được điều trị miễn phí. Đây thực sự là tin vui bởi nó giúp nhiều gia đình có người nhiễm HIV như tôi giảm gánh nặng về chi phí”, chị T. nói.
Tại Đà Nẵng, lây nhiễm HIV có xu hướng ổn định trong vòng 5 năm gần đây, với khoảng 130 ca nhiễm HIV mới được phát hiện mỗi năm, trong đó từ 50-70 trường hợp là người Đà Nẵng. Tính đến cuối năm 2014, toàn thành phố Đà Nẵng đã ghi nhận khoảng 1.700 trường hợp nhiễm HIV, trong đó hơn 700 trường hợp chuyển sang AIDS và hơn 400 ca tử vong do AIDS.
Số người nhiễm HIV/AIDS bao phủ 7/7 quận, huyện và 56/56 phường, xã. Người nhiễm HIV đang có xu hướng trẻ hóa, với 70% số người nhiễm trong độ tuổi 20-39 và được phát hiện nhiễm HIV khá muộn.
70% số người nhiễm HIV có thẻ BHYT
Trước đây, thuốc ARV và dịch vụ y tế dành cho người hiễm HIV đều được miễn phí hoàn toàn từ nguồn vốn của các dự án, các tổ chức phi chính phủ như Quỹ toàn cầu, PEPFAR, World Bank VAAC-US.CDC... Tuy nhiên, nhiều loại dịch vụ y tế miễn phí cho người nhiễm HIV đã bị cắt giảm, đến năm 2017 các dự án sẽ kết thúc, người điều trị HIV không được miễn phí các loại thuốc và dịch vụ y tế.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế có Thông tư số 15 (chính thức có hiệu lực từ ngày 15-8-2015), người nhiễm HIV có BHYT khi khám, chữa bệnh sẽ được chi trả thuốc và các dịch vụ liên quan như: thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ; chi trả xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; chi trả kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; chi trả khám bệnh; xét nghiệm HIV; thuốc ARV và các dịch vụ khám, chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ bụng mẹ nhiễm HIV...
Theo bác sĩ Huỳnh Đình Đồng, Trưởng khoa Quản lý điều trị thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng, quy định mới này là cứu cánh cho bệnh nhân nhiễm HIV. Bác sĩ Đồng cho biết, chưa tính các xét nghiệm định kỳ, riêng tiền thuốc và các xét nghiệm thường phải có hằng tháng đối với bệnh nhân nhiễm HIV cũng tốn cả triệu đồng.
“Bệnh nhân nhiễm HIV đều suy giảm về sức khỏe, dễ mắc thêm các bệnh khác nên phần lớn kinh tế khó khăn. Bởi vậy, nếu quỹ BHYT không chi trả thì họ rất khó duy trì điều trị trong khi họ không chỉ cần sử dụng thuốc ARV và xét nghiệm thường xuyên”, bác sĩ Đồng nói.
Tuy nhiên, ông Đồng cũng cho rằng, hiện chỉ có khoảng 70% số người nhiễm HIV có thẻ BHYT, số bệnh nhân còn lại không có thẻ hầu hết là người ngoại tỉnh, không có nơi cư trú rõ ràng, hoặc không có giấy tờ cần thiết nên không thể đăng ký tham gia BHYT tự nguyện. Mặt khác, nhiều bệnh nhân vẫn chưa ý thức hết tầm quan trọng của thẻ BHYT hoặc ngại sự kỳ thị nên không muốn lộ rõ tên tuổi để hưởng chính sách của Nhà nước.
Bài và ảnh: THỦY NGÀ