Quy mô dân số của thành phố Đà Nẵng dưới 1,2 triệu người và chất lượng sống của người dân ngày càng được nâng lên. Nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, nhất là người dân vùng nông thôn, người nghèo đô thị.
Xe diễu hành kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26-12. |
Chất lượng sống của người dân Đà Nẵng có phát triển bền vững hay không, bên cạnh sự phát triển, chăm lo chung của thành phố, vấn đề hết sức quan trọng là ý thức của từng người dân trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện gia đình ít con.
Muốn được như vậy, mỗi cặp vợ chồng trẻ ngay sau khi kết hôn phải quan tâm đến chất lượng sống. Mô hình sàng lọc trước sinh và sơ sinh là giải pháp quan trọng nhằm phát hiện, can thiệp sớm nhằm hạ thấp tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ.
Năm 2015, tại Đà Nẵng đã có 4.608 phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh, đạt 219,4% so kế hoạch, và 6.067 trẻ sơ sinh được tham gia sàng lọc sơ sinh. Đó là tín hiệu đáng mừng vì người dân đã có những nhận thức về vấn đề nâng cao chất lượng sống.
Đặc biệt, thành phố đã đưa Trung tâm Sàng lọc sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi đi vào vận hành, mang lại hiệu quả cao trong việc triển khai thực hiện xã hội hóa sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Bà Kiều Thị Mẫn, Giám đốc Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình quận Hải Châu, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho biết: “Chúng tôi phải tập trung công tác tuyên truyền vận động các bạn trẻ, các cặp gia đình trong độ tuổi sinh như tổ chức các buổi truyền thông nhóm cho phụ nữ mang thai; tư vấn bà mẹ đến khám thai và tiêm phòng uốn ván tại các trạm y tế; cung cấp cho họ kiến thức, tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Đối với việc hỗ trợ, cung cấp dịch vụ sau khi sinh, công tác lấy máu gót chân để gửi đến bệnh viện tuyến ngày càng tốt hơn. Điều này giúp góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn quận ngày càng rõ rệt, nhất là nhận thức của người dân không còn “sợ con đau” khi lấy máu gót chân để xét nghiệm nữa, ý thức xã hội hóa ngày càng cao”.
Bên cạnh đó, đã có gần 6.000 chị em phụ nữ mang thai, chuẩn bị kết hôn được tư vấn, truyền thông về sàng lọc trước sinh và sơ sinh thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn tại các trạm y tế và các bệnh viện.
Chị em cũng đã hiểu được vấn đề sàng lọc sơ sinh và chẩn đoán trước sinh rất quan trọng, trở thành nhu cầu của các gia đình, đặc biệt là ngày càng nhiều người dân có nhận thức cao trong việc sinh ra những đứa con khỏe mạnh, góp phần giảm thiểu trẻ bị dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số. Qua sàng lọc, trẻ sẽ được theo dõi tình trạng vàng da sơ sinh và được khuyến cáo để tránh tiếp xúc hoặc sử dụng các thức ăn, dược phẩm có thể gây tình trạng oxy hóa mạnh, gây hậu quả nặng nề cho sức khỏe.
Công tác nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn Đà Nẵng thời gian qua còn được chú trọng trong việc chăm sóc người cao tuổi, bởi chất lượng dân số cũng được đánh giá qua tuổi thọ bình quân của người dân. Ngoài ra, thành phố cũng đã quan tâm thích đáng đến chất lượng nguồn nhân lực, bởi chúng ta đang ở thời kỳ “dân số vàng” với một lợi thế rất lớn. Do đó, bên cạnh việc nâng cao mức thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, việc nâng cao chất lượng dân số được xem là mục tiêu hàng đầu của Đà Nẵng trong thời gian tới.
Bài và ảnh: MAI HOA