.

Tết còn xa lắm với bệnh nhi

.

Còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Bính Thân, như bao đứa trẻ khác, các bệnh nhi bị bệnh hiểm nghèo đang nằm điều trị dài ngày cũng mong chờ bộ quần áo mới ướm vào ngày đầu năm. Song, với các em, Tết còn xa lắm…

Cha con bé Long nhiều khả năng phải ăn Tết tại bệnh viện.
Cha con bé Long nhiều khả năng phải ăn Tết tại bệnh viện.

Ai cũng muốn về nhà

Những ngày này, không khí đón Tết ùa vào từng khoa, phòng bệnh viện. Đặc biệt, ở khu vực điều trị bệnh hiểm nghèo, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, nơi có những đứa trẻ và những ông bố, bà mẹ hằng tháng, hằng năm chưa được về nhà, thì cận Tết càng là khoảng thời gian nôn nao, trông ngóng. Chuyện về Tết vì thế chưa bao giờ rôm rả hơn.

Tầng 10, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, nơi được xem là “đại gia đình” của những em bé mắc bệnh nguy hiểm về máu. Trung bình nhiều bé điều trị được 4 năm, có những em chạy chữa 9, 10 năm liền từ trước khi bệnh viện này thành lập, nên bệnh viện trở thành nhà và những bệnh nhi đồng cảnh ngộ tự nhiên thân thương nhau như anh chị em ruột.

Năm nay, một vài em trong số này được về nhà trước giờ giao thừa để sum vầy cùng người thân. Các em ngoan ngoãn nằm truyền máu với nụ cười rất tươi vì biết rằng xong đợt này sẽ về ăn Tết.

Nghe mọi người bàn tán xôn xao, anh Phạm Quang Việt (32 tuổi), ba của bé Long (4 tuổi), nằm tại phòng 1017 chỉ… cười trừ. Bé Long mắc bệnh lạ - bệnh xương hóa đá. Đây là bệnh rất hiếm gặp và hiện tại bệnh viện này chỉ mới gặp 2 ca. Trước đây, bé Long biết đi, nhưng nay thì chỉ có thể ngồi hoặc nằm vì xương ống chân dần hóa đá. Bé còn mắc bệnh lách to, bụng trướng cao vượt mặt, kèm bệnh tan máu và máu không đông. Thời gian nằm viện ngang bằng số tuổi của bé và cũng từng ấy năm người đàn ông “gà trống nuôi con” trong bệnh viện.

3 năm trước, đến Tết, bé Long được bác sĩ cho về nhà vài ngày; riêng năm nay, tới giờ phút này, bác sĩ vẫn chưa đưa ra quyết định. Dù miệng cười nhưng đôi mắt người bố trẻ không thể buồn hơn, anh chỉ miếng bông gòn trong mũi con, rồi nói: “Mũi cháu cứ chảy máu không cầm được. Sợ về nhà sẽ nguy hiểm; nhà tôi ở Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Nếu phải nằm lại bệnh viện thì buồn lắm. Tết mà, ai cũng muốn về nhà…”.

Với các bệnh nhi khác, nói là về Tết nhưng có khi chưa qua Tết cả nhà lại đùm gói lật đật chạy vào bệnh viện. ““Trục trặc” thì vô lại liền!”, một ông bố hóm hỉnh nói. Có thể đùa được trong hoàn cảnh này bởi ở đây đã quá quen chuyện các bé về nhà nhưng sức khỏe diễn biến xấu bất thường phải cấp cứu trở lại…

Suất cháo Tết

Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, Bệnh viện hiện có trên 20 em nằm điều trị các loại bệnh ung thư. Một vài em về nhà trước Tết do đã xong đợt thuốc, những em khác có đợt vào thuốc trùng ngày Tết vẫn phải ở bệnh viện. Chuyện về hay ở với các em không phải dựa vào dịp lễ Tết nào cụ thể, mà phụ thuộc vào đợt thuốc. Vì vậy, dù Tết nhưng mức dao động các cháu nằm lại phòng vẫn khoảng 15-18 cháu.

Bác sĩ Vân cho biết thêm, thương các cháu, trước và trong Tết, một số nhà hảo tâm tìm đến bệnh viện trực tiếp tặng quà như sự sẻ chia yêu thương. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và Ban giám đốc bệnh viện cũng cố gắng mang lại cho các cháu 3 ngày Tết ấm hơn. Mỗi năm, thành phố đều có tiền hỗ trợ ăn Tết. Các cháu chỉ cần báo hôm nay thích ăn cháo hay cơm thì căn-tin bệnh viện sẽ nấu theo yêu cầu. Tiền ăn 50.000 đồng cho 2 bữa/ngày do UBND thành phố chi trả.

Bệnh viện Phụ sản - Nhi cũng là một bệnh viện đặc biệt nhất trên địa bàn Đà Nẵng triển khai khám bảo hiểm y tế 365 ngày/năm. Tức là dù mồng 1, mồng 2, mồng 3 Tết thì bệnh viện vẫn có đội ngũ bác sĩ, xét nghiệm, v.v…, khám bảo hiểm như bình thường. Mỗi kíp trực của bệnh viện trong một ngày đều có 138 người và vẫn đủ con số này trong mỗi ngày Tết.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.