Sau một thời gian thực hiện quy định thông tuyến y tế phường, xã, quận, huyện kể từ ngày 1-1-2016, lượng bệnh nhân đến khám ban đầu tại các trạm y tế (TYT) trên địa bàn thành phố có giảm; công việc đánh giá tình trạng sức khỏe bệnh nhân để ghi giấy chuyển viện của cán bộ y tế trạm cũng không còn.
Ông Đinh Trò ngồi nghe bác sĩ Đặng Thu Thủy, Trưởng TYT Bình Thuận tư vấn về thông tuyến. |
Tuy vậy, theo Sở Y tế Đà Nẵng, điều này không đáng ngại; thay vào đó, thông tuyến được xem là “phép thử” có ý nghĩa trong việc đánh giá lại hệ thống y tế xã, phường hiện nay, từ đó có sự quy hoạch, đầu tư trọng điểm.
Ưu tiên nhu cầu của bệnh nhân
Cách đây vài ngày, như thường lệ, ông Đinh Trò, 79 tuổi đến TYT phường Bình Thuận, nơi ông đăng ký bảo hiểm y tế (BHYT) khám chữa bệnh ban đầu để xin giấy chuyển viện lên Bệnh viện Đa khoa Hải Châu. Việc đến trạm xin giấy chuyển viện đã trở thành quen thuộc với ông Trò, bởi bệnh huyết áp, tim mạch của ông phải lui tới bệnh viện định kỳ và lâu dài.
Theo quy định mới trong việc khám chữa bệnh, từ ngày 1-1-2016, ông Trò có thể dùng thẻ BHYT đăng ký tại TYT phường Bình Thuận để khám chữa bệnh ban đầu ở bất kỳ cơ sở y tế nào thuộc cấp phường, xã, quận, huyện trên cùng địa bàn Đà Nẵng.
Ông cũng có quyền chủ động trực tiếp đến Bệnh viện Đa khoa Hải Châu mà không cần bất kỳ giấy chuyển viện hay giấy tờ nào khác từ trạm tuyến dưới.
Dù quy định trên đã chính thức được áp dụng, nhưng ông Trò vẫn không hay biết. Nghe bác sĩ Đặng Thu Thủy, Trưởng TYT phường Bình Thuận tư vấn: “Từ giờ bác cứ lên thẳng Bệnh viện Đa khoa Hải Châu mà không cần đến chỗ con lấy giấy chuyển viện. Khi cần khám bệnh thông thường, bác qua trạm khám cũng được mà đến bệnh viện cũng được”, ông tỏ vẻ phấn khởi và hỏi thêm: Nhưng như vậy bác có thể lên thẳng Bệnh viện Đà Nẵng hay Bệnh viện C được không?
Câu hỏi của ông Trò cũng là thắc mắc chung của nhiều bệnh nhân khi nghe về thông tuyến. Theo quy định, đến nay, việc thông tuyến mới chỉ được áp dụng ở tuyến phường, xã, quận, huyện, còn các bệnh viện thuộc tuyến tỉnh, thành phố thì chưa “thông”.
Theo bác sĩ Thủy và nhiều trưởng trạm y tế khác, thông tuyến đã mở ra cho bệnh nhân nhiều lựa chọn, song đồng thời trạm cũng dễ “tuột mất” một số bệnh nhân. Bình quân mỗi ngày một trạm khám và làm giấy chuyển viện cho khoảng 15 bệnh nhân.
Mỗi lần khám ban đầu, trạm được 4.000 đồng từ quỹ BHYT. Như vậy, nguồn thu của trạm cũng ảnh hưởng đôi chút. Tuy nhiên, nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh vẫn là ưu tiên hàng đầu trong công tác tư vấn, hướng dẫn của các bác sĩ, y sĩ tại trạm. Các trạm luôn nói rõ cho người bệnh biết về quyền lợi của họ khi thông tuyến.
Nỗ lực thu hút người bệnh
Khám bệnh chỉ là một trong rất nhiều phần việc đang triển khai tại các TYT bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chăm sóc sức khỏe học đường, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, tiêm chủng mở rộng, kiểm soát bệnh không lây như tâm thần, đái đường, huyết áp, v.v...
Do đó, công việc khám bệnh ban đầu không phải là hoạt động trọng tâm và nguồn thu từ khám bệnh cũng không phải là thu nhập chính tại các trạm. Song khi có thông tuyến, các TYT cũng nỗ lực hơn để người bệnh tin tưởng tìm đến khi có nhu cầu điều trị bệnh thông thường hoặc bệnh mạn tính.
Ông Phạm Đoàn, 57 tuổi trú tại số nhà 96 Trần Cao Vân, cách TYT phường Tam Thuận chỉ vài bước chân. Dù là “hàng xóm” của trạm này, nhưng mỗi lần muốn đo huyết áp ông đều phải đến Bệnh viện Đa khoa Hải Châu-nơi đăng ký BHYT khám chữa bệnh ban đầu.
Lần khám bệnh gần đây, ông được bác sĩ tư vấn cứ chọn bất kỳ TYT nào gần nhà để kiểm tra huyết áp hằng tuần, ông Đoàn đã tự tin đến TYT Tam Thuận (quận Thanh khê) và cảm thấy rất thuận lợi khi áp dụng thông tuyến. Ông Đoàn cho biết, bây giờ ông sẽ chọn trạm Tam Thuận để đến kiểm tra sức khỏe thường xuyên, song song với điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hải Châu.
Y sĩ Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng TYT phường Tam Thuận, cho biết, khi thông tuyến, trạm sẽ được đón tiếp thêm những bệnh nhân từ các nơi khác đến như trường hợp ông Đoàn. Do đó, trạm phải nỗ lực hơn để nhiều người bệnh yên tâm tìm đến khi cần kiểm tra, khám bệnh thông thường.
Sắp đến, TYT phường Tam Thuận cũng thực hiện việc tuyên truyền quy định thông tuyến đến 115 tổ dân phố trên địa bàn phường nhằm thông tin và mở rộng đối tượng bệnh nhân.
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, ngành đang thực hiện đề tài nghiên cứu cấp thành phố về mô hình các TYT trong tương lai. Theo đó, tùy vào nhu cầu thực tế, TYT sẽ được đầu tư tương ứng.
Hiện nay, số lượng bác sĩ về trạm còn thiếu, nhiều trạm chưa bảo đảm về cơ sở vật chất, hệ thống xử lý nước thải càng khó khăn. Để hoạt động TYT được tốt lên, không nhất thiết đầu tư nhân lực, vật chất một cách đại trà mà cần xác định cơ sở y tế nào nên được tập trung nhiều nguồn lực hơn. Có thể xem thông tuyến là một “phép thử” cần thiết giúp đánh giá sức hút và khả năng của từng TYT.
Bài và ảnh: TOÀN VÂN