Y tế - Sức khỏe
Ưu tiên đầu tư y tế dự phòng
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổng kết công tác y tế năm 2015 và thảo luận các nhiệm vụ cho giai đoạn 2016-2020, diễn ra vào sáng 15-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành y tế và lãnh đạo tất cả các địa phương đặc biệt ưu tiên đầu tư cho hoạt động y tế dự phòng, kết hợp công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng cùng sự tham dự của đại diện các cơ sở y tế đóng trên địa bàn.
Đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành y tế và chia sẻ với những áp lực, khó khăn của lĩnh vực y tế dự phòng trong năm 2015, song Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý công tác y tế dự phòng cần được phát triển hơn nữa mới có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Để người dân khỏe mạnh, đất nước phồn vinh, việc phòng bệnh phải được quan tâm hàng đầu. “Dứt khoát không để bùng phát trở lại các bệnh dịch từng được khống chế thành công, không được chủ quan lơ là trước nguy cơ dịch lớn có khả năng lây lan từ nước ngoài vào, không thể để sốt xuất huyết cứ tái đi, tái lại. Muốn làm được điều này, bên cạnh ngành y tế, rất cần sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là sự phối hợp hành động và xem đây là trách nhiệm quan trọng của từng lãnh đạo địa phương”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Một vấn đề nóng liên quan đến ngành y tế và nhận được sự quan tâm lớn của nhân dân, đó là quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, đã có 42/63 tỉnh, thành phố trên cả nước có phòng kiểm nghiệm được công nhận ISO 17025 và 15 địa phương đang tiếp tục triển khai các phòng kiểm nghiệm này. Năm qua, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 2,6 triệu lượt cơ sở thực phẩm và số vi phạm chiếm 20%, số tiền phạt gần 100 tỷ đồng. Tuy vậy, theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc thanh tra cần phải được làm tốt hơn để người dân yên tâm và tránh sử dụng phải thực phẩm bẩn, nhiễm độc tại bếp ăn tập thể.
Thủ tướng chính phủ cũng yêu cầu toàn ngành khẩn trương đánh giá lại tuổi thọ và chất lượng dân số Việt Nam. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng dần, dù chưa đạt so với mục tiêu đề ra (mục tiêu tuổi thọ trung bình là 74 tuổi, nay mới đạt mức 73,3 tuổi) nhưng quan trọng hơn hết vẫn là chất lượng sức khỏe của người Việt được cải thiện như thế nào. Tuổi thọ tăng nhưng thời gian đau ốm còn nhiều, chiều cao người Việt thuộc loại thấp nhất trong cộng đồng các nước châu Á. Đó là vấn đề cần có chiến lược can thiệp cụ thể.
Từ khi triển khai quy định thông tuyến y tế, người bệnh được hưởng lợi nhưng quỹ bảo hiểm y tế có nguy cơ bị trục lợi. Thủ tướng yêu cầu chậm nhất trong quý 2 năm nay, tất cả 14.000 cơ sở khám chữa bệnh phải kết nối hệ thống công nghệ thông tin với bảo hiểm xã hội. Nếu cứ tiếp tục quản lý theo thủ công như hiện nay, quỹ bảo hiểm có thể bị thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2020, cả nước có trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
46% bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải “46% bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải, vậy nước thải này đi đâu?”. Đó là câu hỏi được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt ra khi nghe báo cáo hiện cả nước có khoảng 54,4% bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Như vậy gần 46% lượng nước thải còn lại từ các bệnh viện khác sẽ đi đâu, nếu không là chảy trực tiếp ra sông, ra đồng ruộng. Thủ tướng đề nghị cần huy động mọi nguồn lực để nhanh chóng giải quyết tình trạng nước thải y tế, cần có cơ chế để doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này. Việc phòng bệnh, điều trị bệnh và chất lượng dân số phụ thuộc rất lớn vào môi trường chúng ta đang sống. Trong khi đó, nếu nước thải y tế không được xử lý tốt thì môi trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. |
THU HOA