Bạn có muốn trở nên thông minh hơn, hay ghi nhớ mọi thứ dễ dàng hơn không? Bạn có muốn tăng cường sức khỏe bộ não của mình không? Dưới đây là 6 thói quen mà bạn có thể áp dụng ngay để tăng khả năng ghi nhớ, nhận thức và giúp bản thân thông minh hơn.
(Lưu ý: Điều quan trọng nhất bạn có thể làm để cải thiện sức khỏe não bộ của mình chính là hãy luôn để ý, tức là dành sự chú ý một cách có chú đích. Điều này đã được khoa học chứng minh sẽ làm tăng hoạt động của chất xám trong não, cho phép bạn suy nghĩ thông suốt hơn và ghi nhớ nhiều thứ hơn)
1. Tận dụng tối đa giấc ngủ
Chúng ta dành 1/3 cuộc đời để ngủ. Khi ngủ, chúng ta tiến vào chu kỳ lặp với 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn dài khoảng 30 phút. Giai đoạn thứ nhất là giấc ngủ nông trong vòng 30 phút đầu tiên, xảy ra khi chúng ta vừa ngủ. Giai đoạn thứ hai là giấc ngủ sâu trong 30 phút tiếp theo; ở giai đoạn này cơ thể chúng ta tự hồi phục bằng cách tiết hormone HGH để chữa trị những bộ phận cơ thể bị tổn thương. Nếu bạn bị đau nhức cơ thể do vận động vào ban ngày thì đây chính là lúc cơ thể giúp bạn cảm thấy bớt đau đớn hơn vào sáng hôm sau.
Giai đoạn thứ ba, cũng là giai đoạn quan trọng nhất, chính là giấc ngủ REM (mắt chuyển động nhanh) diễn ra trong vòng 30 phút cuối chu kỳ. Đây là giai đoạn mà não bộ chúng ta được chữa trị. Giấc ngủ REM là lúc các giấc mơ xuất hiện, cũng là khi các suy nghĩ và ký ức của bạn được phân loại.
Tóm lại khi ngủ, cơ thể bạn sẽ được hồi phục trước tiên, sau đó là bộ não. Vì thế nên việc ngủ từ 7,5-9 tiếng mỗi đêm là hết sức quan trọng. Do đó, hãy cố gắng ngủ đủ khoảng thời gian này mỗi ngày, và nếu bạn cảm thấy cần phải đi ngủ, hãy đi ngủ. Bạn sẽ cảm thấy mình khá hơn, và tâm trạng cũng sẽ tốt hơn.
2. Tận dụng tối đa năng lượng từ thực phẩm
Hãy xả ra những gì bạn đã nạp vào! Nếu bạn muốn cơ thể và não bộ hoạt động tốt nhất, hãy ăn những thức ăn giàu năng lượng. Hãy bắt đầu bằng cách cắt giảm lượng thức ăn bạn ăn mỗi lần. Nếu bạn hay ăn ba bữa lớn một ngày, hãy chia chúng ra thàng 6 bữa nhỏ hơn trải dài trong cả ngày.
Não chúng ta hoạt động tốt nhất khi được nạp 25 gram đường glucose một làn, tương đương ăn một quả chuối. Ngoài ra, còn nhiều loại thực phẩm khác giúp sản sinh những hormone như dopamine, làm chúng ta thấy vui và hạnh phúc. Hãy nghĩ về những thứ bạn sẽ ăn, và hãy chỉ chọn những thứ có tác dụng nhất. Và nếu bạn không biết, hãy tìm hiểu. Cơ thể và bộ não sẽ cảm ơn bạn vì điều đó.
3. Viết thay vì gõ bàn phím
Khi bạn thực sự dùng bút viết một điều gì đó ra, não sẽ quan sát và nhìn nhận theo cách khác hẳn với khi bạn gõ ký tự vào điện thoại hay máy tính. Những thứ bạn viết ra sẽ gắn chặt vào trong trí não của bạn. Có nhiều cách để thực hiện thói quen này, như viết ra những gì cần làm hôm sau từ tối hôm trước. Bạn sẽ thấy bớt lo lắng hơn và ngủ ngon hơn, cũng như có thể thuận lợi làm việc vào ngày hôm sau.
4. Ra khỏi vùng an toàn
Ra khỏi vùng an toàn, thử những điều mới lạ, hay chỉ đơn giản là đi ra ngoài cũng ảnh hưởng đến não của bạn. Não sẽ có những phản ứng khác nhau trong những môi trường khác nhau, so với khi bạn chỉ ở yên một chỗ quen thuộc. Khi não luôn phải thấy những điều giống nhau, nó sẽ rơi vào trạng thái “lái tự động”. Do đã trải nghiệm, não không cần phải hoạt động để hiểu điều gì đang diễn ra. Nhưng khi bạn thay đổi môi trường, não sẽ thấy những điều mới và tiếp nhận chúng theo cách mới, bởi khi đó, bạn và cả bộ não sẽ phải “chú ý”. Và rất có thể, một câu trả lời cho câu hỏi vẫn đang khiến bạn phải suy nghĩ sẽ bật ra khi bạn đứng dậy và đi đến một nơi mới mẻ nào đó.
Cách hình thành thói quen này cũng khá đơn giản - bạn chỉ cần thay đổi các hoạt động hàng ngày một chút. Lấy ví dụ, thay vì đi về nhà bằng lộ trình cũ, hãy chọn một con đường mới để làm vui lòng não bộ của bạn, dù như thế có nghĩa là bạn sẽ phải mất thêm 5 phút nữa trên đường. Nếu bạn luyện tập thể thao, thay vì chạy trên cùng một con đường, trong cùng một khoảng thời gian và cùng một vận tốc, hãy thay đổi một chút. Bạn cũng có thể thử các cách tập luyện mới để đồng thời rèn luyện não bộ.
5. Tập thể dục thể thao
Không chỉ có lợi cho cơ thể, tập thể dục còn có tác dụng tuyệt vời với não. Khi tập luyện, não chúng ta tiết ra hormone endorphin, giúp chúng ta cảm thấy yêu đời hơn, đồng thời làm giảm cortisol, loại hormone làm giảm khả năng suy nghĩ và nhận thức, khiến chúng ta căng thẳng. Bạn không nhất thiết phải tới phòng tập thể dục để tập luyện - có rất nhiều hình thức tập thể dục bạn có thể tự luyện tập tại nhà. Đồng thời, hãy có ý thức chăm hoạt động hơn. Đi thang bộ thay vì thang máy, đỗ xe xa hơn một chút, hoặc thức dậy và đi bộ một lúc - não và cơ thể sẽ rất biết ơn bạn.
6. Sống chậm lại
Nghe có vẻ lười biếng, nhưng thực ra sống chậm rất có lợi. Luôn bận rộn và làm nhiều thứ một lúc là hai việc ít có năng suất nhất mà bạn có thể làm. Khi sống chậm lại và tập trung vào chỉ một công việc một lúc, bạn sẽ dành 100% công sức và tâm trí cho nó.
Nếu bạn làm hai việc một lúc, mỗi việc sẽ chỉ có 50% sự chú ý của bạn. Bạn hiểu rồi chứ? Không chỉ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, sống chậm lại cũng giúp bạn đỡ căng thẳng hơn, tức là triệt tiêu hormone cortisol trong não, đồng nghĩa với việc bạn sẽ suy nghĩ sáng suốt và ít gặp sai sót hơn. Vậy nên khi bạn sống chậm lại, thực ra là bạn lại đang làm tăng năng suất lao động của bản thân.
Đây là một thói quen đơn giản nhưng đôi khi cũng là khó nhất. Chúng ta được "dạy" để đi thật nhanh và làm xong mọi việc, nhưng về mặt tinh thần, đó là một đống lộn xộn. Hãy viết những gì bạn sẽ làm trong thời gian sắp tới ra, và chú tâm làm từng việc một. Bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn sau mỗi công việc được hoàn thành. Hãy chậm lại một chút và tận hưởng cuộc sống.
Theo Vietnam+