Y tế - Sức khỏe

Bác sĩ không "ra quân"

08:14, 15/02/2016 (GMT+7)

Sau kỳ nghỉ Tết, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hối hả “ra quân” đầu năm, riêng ngành y, đặc biệt là với các bệnh viện và đội ngũ y, bác sĩ, chuyện “ra quân” dường như không tồn tại trong công việc của họ.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Bá, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, mỗi ngày Tết, bệnh viện có 1.000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Bên cạnh đó, Phòng Cấp cứu tiếp nhận khoảng 150 ca mỗi ngày. Ngoài bệnh lý ngoại khoa và những chấn thương liên quan đến nồng độ cồn tăng nhiều lần so với ngày thường, Tết vừa qua, ảnh hưởng của thời tiết lạnh kéo dài khiến bệnh người già và bệnh về tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, viêm phổi mãn tính tăng khoảng 30%. Công việc của y, bác sĩ vì thế thêm vất vả.

Bệnh viện Đà Nẵng bố trí 200 cán bộ, nhân viên mỗi ca trực. Bên cạnh đó, có 40 bác sĩ chuyên khoa dù ở nhà đón Tết vào thời điểm ra khỏi ca làm việc, nhưng vẫn phải cầm “đường dây nóng” 24/24 giờ để có lệnh điều động là lập tức chạy.

“Căng thẳng”, “tăng cường”, “tập trung” là những từ chúng tôi nghe nhiều trong chia sẻ của các bác sĩ. Khi có mặt tại Phòng Hồi sức ngoại khoa vào đêm giao thừa, nơi các bệnh nhân rất nặng đang hôn mê sâu nằm điều trị, càng cảm nhận rõ hơn sự căng thẳng của môi trường làm việc này. Khi đồng hồ chuyển dần sang thời khắc quan trọng của năm mới, thay vì những lời chúc, những mong ước cho bản thân và gia đình mình, mọi lời y, bác sĩ bày tỏ lúc ấy chỉ xoay quanh tình trạng bệnh và tiên lượng về sức khỏe của người bệnh.

Bệnh không chừa Tết; ngược lại, vào những ngày Tết, bệnh càng nhiều nên bác sĩ cũng khác “người thường” ở chỗ không thể nhắm giờ tốt xuất hành, không kiêng kị chuyện buồn bã, máu me. Tới lịch là phải vào viện làm việc, có ca bệnh là phải xử lý; thậm chí, đầu năm, việc bác sĩ đối mặt với cảnh chết chóc, tang thương cũng trở thành nỗi buồn thường trực. Một bác sĩ động viên người bệnh cố cho qua một năm, thêm một tuổi mới, nhưng người bệnh không cố được và có đến 3 người đã “ra đi” vào sáng mồng 1.

Bởi vậy, chuyện phải “bỏ” vợ mới sinh ở nhà trong đêm giao thừa; 3 ngày Tết quẩn quanh trực- ngủ bù - trực, không còn là điều gì đó khó hiểu của những gia đình bác sĩ. Và năm mới, nếu chúc nhau, bác sĩ cũng không chúc cho mình có một năm được bình thản ngắm pháo hoa hay được lang thang du xuân, mà có chăng là cầu mong một năm bệnh nhân bớt than phiền về chất lượng dịch vụ y tế.

Chuyện viện phí sẽ chính thức tăng từ tháng 3-2016, đồng nghĩa chất lượng giường bệnh, số lượng bác sĩ, thuốc và điều kiện phục vụ phải tăng tương ứng. Viện phí rục rịch tăng, bệnh nhân đã phàn nàn rằng sao chất lượng phục vụ chưa thấy “chuyển” theo chi cả, phòng bệnh vẫn “xếp lớp” người nằm, nhà vệ sinh vẫn nhếch nhác, đợi kết quả xét nghiệm vẫn còn lâu, đến cái giấy ra viện vẫn phải mất thời gian chầu chực…

Khi viện phí tăng rồi, không ai khác, bác sĩ sẽ là người đầu tiên hứng chịu mọi phàn nàn của người bệnh nếu tiền và chất lượng không phát triển song hành. Còn lương của bác sĩ liệu rồi có tăng theo những đòi hỏi, trong khi đến nay mức lương của họ vẫn đang nằm trên… bàn cân xem xét?

Người bảo phải tăng lương vì bác sĩ là nghề nguy hiểm, nhiều người phản bác: Đâu riêng nghề y mới đối mặt với hiểm nguy… Người bảo bác sĩ là nghề vất vả, người khác cho rằng khối nghề khác trong xã hội cũng vất vả không thua ai. Người bảo muốn làm bác sĩ phải học nhiều, người khác dẫn chứng có những ngành muốn ra nghề phải học đến 10 năm đó thôi… Để rồi, đến nay, khi viện phí tăng gấp 2, gấp 3 lần thì lương bác sĩ có tăng nhiều hay không vẫn còn là câu hỏi.

HƯỚNG DƯƠNG

.