.

Câu chuyện của yêu thương

.

Từ lâu Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng (193 Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu) trở thành mái nhà của những con người đang ngày đêm nỗ lực tìm lại chính mình trước những khiếm khuyết. Trong suốt quá trình đầy khó khăn, thử thách đó, tình cảm, sự quan tâm của các y, bác sĩ, nhân viên tâm lý nơi đây đã viết nên những câu chuyện đủ để thấy rằng, tình yêu thương tự đáy lòng luôn có sức thuyết phục và hàn gắn mọi vết thương.

Mỗi âm vần được phát ra là cả một hành trình khó nhọc của các em bé chậm nói.
Mỗi âm vần được phát ra là cả một hành trình khó nhọc của các em bé chậm nói.

Không gian bệnh viện khá yên tĩnh. Bên trong khuôn viên, một vài bệnh nhân và người nhà dìu nhau dạo bước. Thỉnh thoảng bóng cô điều dưỡng bước vội trên hành lang tòa nhà đã cũ, hân hoan tìm kiếm người nhà chỉ để báo một tin vui: người bệnh đã biết nói thêm một tiếng ngọng ngịu!

Hành trình gian khó

Phòng Vật lý trị liệu, khoa Tâm thần trẻ em luôn rộn tiếng nói bi bô, cười đùa của vài em nhỏ. Nguyễn Thị Thúy K. (trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) năm nay lên 6 tuổi, đang cố gắng phát âm tên những con vật nuôi trong cuốn giáo trình tập nói.

Ngồi phía đối diện, chuyên viên tâm lý Lê Thị Giang tích cực phát âm mẫu cho K., ánh mắt không rời khỏi khuôn miệng ấp úng và đang cố gắng phát ra tiếng một cách khó nhọc của em. K. bị chứng chậm phát triển, chậm nói, được người nhà đưa vào đây điều trị đã gần 4 năm. Chị Liên, mẹ K. tâm sự: “Khi sinh ra, bé vẫn ăn uống, lớn lên bình thường, khỏe mạnh.

Gia đình cũng không để ý vì nghĩ K. còn nhỏ. Mãi đến lúc 2 tuổi, bé vẫn chưa nói được một tiếng thì gia đình mới tìm hiểu và đưa vào đây điều trị”. Đều đặn suốt 4 năm nay, mỗi ngày người mẹ trẻ này lại chở con đến để các bác sĩ, chuyên viên tâm lý điều trị, tập phát âm. “Giờ bé đã gọi tên người thân, nhận biết được các vật nuôi trong nhà rồi”, chị Liên khoe.

Theo điều dưỡng Bùi Thị Hường, người công tác tại bệnh viện đã 13 năm, về mặt bệnh lý, có thể phân loại bệnh nhân theo các triệu chứng như: động kinh, bại não, chậm phát triển, tự kỷ… nhưng tâm lý của các em rất đa dạng. Mỗi em có một tính cách khác nhau nên nhiệm vụ của các bác sĩ, điều dưỡng là tìm hiểu, nắm bắt tâm lý của từng em, từ đó mới có cách tiếp xúc, điều trị.

Mỗi ngày khoa Tâm thần trẻ em luôn tiếp nhận những bệnh nhân mới. Mỗi mảnh đời một hoàn cảnh khác nhau nhưng lại cùng chung một khát khao. Đó là được sống, được lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác. “Có những trường hợp ở các tỉnh khác về đây điều trị.

Ba mẹ các em phải bỏ công, bỏ việc cả năm trời chỉ để mong con mình được khỏe mạnh, phát triển bình thường. Có khi 2, 3 năm mọi người chỉ mải mê đi tìm kiếm một tiếng nói xuất phát từ nhận thức của các em. Làm được thì hạnh phúc lắm!”, chuyên viên tâm lý Đàm Thị Quế Anh tâm sự.

Vẫn những ánh mắt ngây thơ của con trẻ. Vẫn những nụ cười hồn nhiên, tiếng hờn khóc khi không vừa ý một điều gì đó. Thế nhưng, nhìn vào đôi mắt luôn ươn ướt của những người mẹ đang khép mình bên cánh cửa, ánh nhìn luôn dõi theo mỗi động tác, bài tập của các cô giáo, đủ để thấy nước mắt họ không chỉ rơi theo nỗi buồn kéo dài mà còn chảy vì những niềm vui bé mọn được chắt chiu, góp nhặt mỗi ngày.

Những tiếng nói “con yêu mẹ”, “con chào ba”, “cảm ơn cô” trở nên quá quen thuộc đối với đứa trẻ bình thường, nhưng với những em bé bị khiếm khuyết thì đây là hành trình gian khó. Và mỗi lần những âm vần này được phát ra một cách khó nhọc, dù không tròn vành nhưng nó khiến các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây giải tỏa rất nhiều.

Cần một tấm lòng

Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng hiện điều trị gần 200 bệnh nhân đến từ các địa phương trong cả nước. Mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận khám từ 300-400 bệnh nhân. Bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc bệnh viện cho biết, ngoài yếu tố bệnh lý, di truyền, ngày nay chỉ cần những xáo trộn trong cuộc sống cũng tác động đến tâm lý, tinh thần của mọi người.

Trước những bộn bề, lo toan, người bệnh ban đầu sẽ có những triệu chứng như mất ngủ, stress, trầm cảm… nếu không phát hiện, điều trị kịp thời thì có những hậu quả về sau. “Việc điều trị tại bệnh viện tâm thần, ngoài những phương pháp khoa học thì cách tiếp xúc với người bệnh là điều hết sức quan trọng. Người bác sĩ phải thực sự có tấm lòng, sự kiên nhẫn mới có thể làm được điều đó, bởi nếu người bệnh không chịu hợp tác thì coi như mình đã thất bại”, bác sĩ Trung cho biết.

Điều đó cũng dễ hiểu khi đến Bệnh viện Tâm thần luôn bắt gặp những ánh nhìn thân thiện, những cái bắt tay xã giao, chủ động hỏi thăm của các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây. Theo bác sĩ Phan Minh Hải, khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc, các bác sĩ luôn có mối quan hệ thân thiết với người nhà bệnh nhân.

Một buổi sinh hoạt âm nhạc của các bệnh nhân tại khoa Phục hồi chức năng.
Một buổi sinh hoạt âm nhạc của các bệnh nhân tại khoa Phục hồi chức năng.

Cùng nhau chia sẻ, tìm hiểu thói quen, bệnh lý để từ đó có cách tiếp xúc, thuyết phục người bệnh điều trị khoa học, hiệu quả. Hiện tại, Bệnh viện Tâm thần đang triển khai điều trị ngoại trú tại cộng đồng, hoạt động này đã giúp mối quan hệ giữa bác sĩ và người nhà bệnh nhân trở nên gắn bó hơn bao giờ hết.

Những tin nhắn, cuộc điện thoại lúc nửa đêm chỉ để trao đổi một vài triệu chứng. Những lần xuất hiện bất ngờ tại nhà người bệnh chỉ để dõi theo bước chân của họ. Và đôi khi lại là cuộc chia sẻ rất chân tình, cởi mở đối với một bệnh nhân đang điều trị chứng nghiện rượu, giúp họ có thêm nghị lực, quyết tâm từ bỏ những cơn say bí tỉ để hàn gắn gia đình sau nhiều lần tan nát, đổ vỡ vì rượu.

Chiều muộn. Khoa Phục hồi chức năng trở nên náo nhiệt với… cuộc thi hát karaoke của các bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Cư đang kề vai bên người bệnh tên Lâm, say sưa song ca bài hát Để gió cuốn đi. Bên cạnh, y tá Lê Quốc Hải đang đệm nhạc bằng tiếng trống nhẹ.

Bệnh nhân tên Hùng với khuôn mặt khá trầm tư, ánh mắt đăm chiêu nhìn xa xăm làm chủ công với tiếng đàn guitar trầm bổng. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không/ Để gió cuốn đi..”, lời bài hát vang lên, gần chục bệnh nhân khẽ lắc lư, đung đưa cơ thể theo điệu nhạc say đắm. Ít ai biết rằng, đây là một trong những bài tập dành cho các bệnh nhân tại khoa Phục hồi chức năng. Tâm lý bất ổn khiến người bệnh luôn rơi vào trạng thái lo lắng, tự ti. Để chữa lành “vết thương” này, các trò chơi vận động, giải trí là một trong những phương pháp tìm lại sự tự tin vốn có trong mỗi người.

Theo bác sĩ Lâm Tứ Trung, hiện bệnh viện còn xây dựng thêm khu vực trồng rau, hoa, cây cảnh các loại. Những bệnh nhân hồi phục sẽ được hướng dẫn vận động, làm việc như người bình thường, giúp họ lấy lại sức khỏe, sự tự tin vốn có của bản thân. “Ai cũng có những khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống.

Những người bệnh điều trị tại đây cũng vậy. Điều quan trọng là thay vì xa lánh, kỳ thị thì hãy tiếp cận, đối xử với họ bằng cả tình yêu thương và trách nhiệm. Những tấm lòng rộng mở luôn mang lại nhiều điều tốt đẹp, cả người cho đi lẫn người nhận”, bác sĩ Trung chia sẻ.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.