“Người bệnh khi nằm viện luôn cảm thấy yếu đuối, thường lo lắng vì bệnh tật. Nhiều lúc điều họ cần là lời hỏi han, ân cần hay chỉ một nụ cười...”, điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Hà (27 tuổi), cán bộ phòng Khám và cấp cứu Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho biết. Cô là một trong 20 cá nhân được đề nghị tặng giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng” năm 2015 ở Đà Nẵng.
Điều dưỡng Thanh Hà đo huyết áp cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. |
Ngay từ những ngày đầu bước chân vào nghề tại Bệnh viện Đà Nẵng năm 2013, Hà đã mang nụ cười, mang niềm vui đến với người bệnh, góp phần xoa dịu nỗi đau cho họ.
Với một cô gái trẻ như Hà, vừa tốt nghiệp hệ điều dưỡng ở Trường Đại học Kỹ thuật y dược Đà Nẵng đã nhận nhiệm vụ tại khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đà Nẵng thì quả là sự thử thách không nhỏ. Bệnh nhân ở khoa này rất dễ bị kích thích, co giật bất thường.
Có lần khi bệnh nhân lên cơn, Hà run quá làm rơi máy đo huyết áp. Lúc mới vào, vừa làm, Hà vừa ngại, vừa xấu hổ vì bệnh nhân không mặc quần áo, chỉ đắp tấm chăn mỏng. Thế nhưng, tình thương át đi tất cả. “Bệnh nhân được đưa đến đây hầu hết là bệnh trở nặng. Sự sống đối với họ chỉ tính từng ngày, có khi từng giờ”, Hà thổ lộ.
Ở khoa Hồi sức, hầu hết các cụ nằm bất động và trí óc không còn tỉnh táo, chỉ có cụ bà H.T.M (80 tuổi) bị hen mãn tính là minh mẫn nhất dù tuổi đã cao. Đặc biệt, bà chỉ “chịu” cô Hà chăm. Từ việc uống thuốc, ăn cơm, uống sữa bà đều “đòi” phải cô Hà mới được.
Nghe các chị hộ lý kể, bà bảo vì cô Hà tâm lý, nói năng nhỏ nhẹ và hay “chiều” bà. Con cái bà M. đều buôn bán nên ít có thời gian chăm mẹ. “Bà ăn đâu có nhiều. Tuổi cao lại bệnh tật nên em phải “dỗ” cho bà ăn được chút nào hay chút ấy và phải bón cho bà ăn nhiều lần”, Hà cho biết. Tranh thủ thời gian rảnh, cô hỏi han, chuyện trò, giúp bà quên đi những cơn hen đang hành hạ.
Khoa Ngoại tổng hợp thiếu người, Hà được điều chuyển lên đây. Bệnh nhân mỗi người một tính. Hà bảo, chuyện bị quát nạt, cằn nhằn của người bệnh đối với các điều dưỡng, hộ lý đâu còn là chuyện lạ. “Đôi lúc cũng tủi thân lắm nhưng mình hiểu tâm trạng của họ đang lo lắng, đau đớn nên nhiều lúc không kiềm chế được cảm xúc nên mình chỉ nhỏ nhẹ giải thích”, Hà nói.
Bệnh nhân mà Hà nhớ nhất là ông S., trước đây là huấn luyện viên cầu lông tại Đà Nẵng, bị u đại tràng nên phải mổ cấp cứu. Trong 3 tháng liền, nhiều lần bác sĩ phải làm thủ thuật đưa ruột ra ngoài và làm hậu môn nhân tạo bên hông cho bệnh nhân này để chất thải đi ra. Khổ nhất là lúc Hà đang thay băng vết mổ thì phân, nước tiểu từ người chú S. ào ạt xối lên người Hà. Cô tâm sự, lúc đó có hôi cũng không dám kêu, sợ ông S. buồn.
Chuyển đến khoa Ung bướu Bệnh viện Đà Nẵng một thời gian thì khoa sáp nhập vào Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Hà trở thành điều dưỡng của bệnh viện này. Tháng 10-2015, khi trực ở phòng Khám cấp cứu, cô nhặt được 1 chiếc nhẫn vàng khá lớn của ai đó đánh rơi.
Lúc đó cũng đã vãn bệnh nhân, không xác định được chủ nhân, Hà liền nộp lên trưởng khoa để chờ trả lại người mất. Sau đó, chị mới biết chiếc nhẫn đó trị giá 5 chỉ vàng, tương ứng 4 tháng lương của chị, được mua từ số tiền chắt bóp, dành dụm của một cụ già ở khoa Ngoại I, mà cụ luôn mang theo bên mình nhưng chẳng may đánh rơi. Khi đó, Hà vừa lập gia đình và có con nhỏ. Đồng lương hai vợ chồng eo hẹp, khó khăn, song cô bảo: “Mình khó nhưng người bệnh mắc bệnh nan y như thế này họ còn khó hơn”.
Với Hà, niềm vui mỗi ngày là được trao đến người bệnh nụ cười, những cử chỉ ân cần, quan tâm. Niềm vui của cô là những tiếng gọi thân thương, trìu mến của người bệnh... Hà bảo chỉ thế thôi thì cuộc sống này đã đủ đầy ý nghĩa.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ