“Thành phố Đà Nẵng bỏ ra số tiền rất lớn đầu tư xây dựng hàng loạt công trình y tế. Các công trình này phải hoàn thành đúng cam kết, khẩn trương đưa vào sử dụng để người dân hưởng lợi. Nếu trì trệ, làm không xong, phải quy rõ lỗi tại ai và từ chức dứt dạc!”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi tổng kết công tác y tế năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016, diễn ra vào sáng 19-2.
Viện phí tăng, y đức và chất lượng khám chữa bệnh phải song hành. |
Công trình chậm, lỗi tại ai?
Trong năm 2015, UBND thành phố Đà Nẵng đã bố trí đất xây dựng cụm các cơ sở y tế, tiền đề của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; đồng thời bố trí 34.000m2 đất xây dựng mới Bệnh viện Y học cổ truyền từ nguồn ngân sách thành phố.
Bên cạnh đó, ngành y tế cũng có 3 công trình xây dựng cơ bản được đầu tư trọng điểm trong năm qua gồm: Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Hải Châu mở rộng và Bệnh viện Hòa Vang giai đoạn 2.
Trung tâm Tim mạch với tổng vốn đầu tư 236 tỷ đồng, khởi công từ tháng 10-2015 với 1 tầng hầm, 9 tầng nổi, đến nay đã cơ bản hoàn thành phần móng gồm 335 cọc ép đúng tiến độ. Bệnh viện Đa khoa Hải Châu có tổng mức đầu tư trên 115 tỷ đồng, dự kiến được bàn giao toàn bộ vào tháng 2-2016.
Riêng với Bệnh viện Hòa Vang giai đoạn 2, ông Đặng Việt Dũng đánh giá “coi màu” hơi chậm, vì dù công trình 80 tỷ đồng này dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 3-2016, nhưng đến nay mới xong gần… 50%.
Ngoài 3 công trình trọng điểm, còn có các công trình đã được khởi công từ nhiều năm trước như hệ thống xử lý nước thải từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), dự án nâng cấp hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Phụ sản - Nhi, v.v…
Song, đến nay, một số dự án vẫn chưa xong hoặc ì ạch. Đặc biệt, Trung tâm Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng được khởi công từ năm 2012, qua 4 năm vẫn chưa hoàn thiện và mức đầu tư ban đầu 44 tỷ đồng đã bị đội lên hơn 120 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhấn mạnh: Xây dựng công trình y tế không chỉ thuộc trách nhiệm của Sở Y tế mà liên quan đến các sở, ban, ngành khác. Vậy phải quy rõ trách nhiệm cá nhân trong vấn đề này. Công trình không bảo đảm về tiến độ và chất lượng thì ai chịu? Không thể huề cả làng!
Tăng viện phí, không chỉ tăng thêm... nụ cười
Một vấn đề nóng của y tế là theo lộ trình, từ tháng 3-2016, giá viện phí sẽ tăng gấp 2-3 lần so với hiện nay. Tiếp đó, tháng 7-2016, viện phí tăng thêm đến mức tính đúng, tính đủ. Ông Đặng Việt Dũng nhắc nhở ngành y tế và các bệnh viện “không đợi nước đến chân mới nhảy”, bởi khi giá tăng, những đòi hỏi về chất lượng dịch vụ sẽ rất lớn và là sức ép đối với bệnh viện cũng như cán bộ y tế.
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cũng cho rằng, viện phí tăng, y đức càng là vấn đề được đòi hỏi, song y đức đâu chỉ có từ nụ cười thân thiện của bác sĩ. “Ngoài nụ cười, tác phong của cán bộ y tế, người bệnh còn rất cần tay nghề bác sĩ, hiệu quả điều trị, trang thiết bị đa dạng, hiện đại, cơ sở vật chất bảo đảm”, bác sĩ Yến chia sẻ.
Để dịch vụ y tế tăng tương xứng với giá viện phí, đồng thời tiến tới việc xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm y tế khám chữa bệnh chất lượng cao, thu hút không chỉ người ngoại tỉnh mà cả người nước ngoài đến chăm sóc sức khỏe, ông Dũng đề nghị ngành y tế quyết liệt triển khai bệnh án điện tử, tiến tới bệnh viện điện tử và có đề án nhân lực chất lượng cao.
“Mỗi người bệnh chỉ cần 1 mã số là chứa tất cả thông tin như tiền sử bệnh và loại thuốc đã từng sử dụng. Như vậy mới tránh sự qua loa trong thăm hỏi, tư vấn bệnh. Thiếu phần mềm nào, ngành báo cáo với UBND thành phố xin đáp ứng. Ngành y tế cũng sớm trình lãnh đạo thành phố đề án nhân lực tổng thể gồm chất lượng nhân lực hiện nay như thế nào, nhu cầu chung của ngành, của từng bệnh viện, từng chuyên ngành; cần bác sĩ ở bộ phận nào, đào tạo ra sao, chế độ, kế hoạch luân chuyển…”, ông Dũng nói.
Năm 2015, các chỉ tiêu thiên niên kỷ của Đà Nẵng đều đạt và vượt xa so với toàn quốc, bảo đảm quy mô dân số ổn định; thực hiện tốt mục tiêu 3 không về HIV/AIDS; 100% xã, phường đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Nhiều năm liền Đà Nẵng không xảy ra tử vong mẹ; có hơn 66 giường bệnh/10.000 dân (toàn quốc là 24/10.000) và hơn 15 bác sĩ/10.000 dân (toàn quốc là 8/10.000); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%. |
Bài và ảnh: THU HOA