Trong xã hội hiện đại, sự “nở rộ” các loại văn hóa phẩm, cuộc sống hiện đại hơn, lối sống phóng khoáng, tuổi trưởng thành được “trẻ hóa”... khiến trẻ vị thành niên, thanh niên đứng trước nhiều nguy cơ, đặc biệt là việc mang thai ngoài ý muốn, bệnh lây truyền qua đường tình dục... Hơn lúc nào hết, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) vị thành niên cần được các cấp, các ngành và mỗi người dân quan tâm.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố tổ chức lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản. |
Hội nghị “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển thanh niên” do Bộ Nội vụ và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức mới đây cho biết, tỷ lệ thanh niên Việt Nam có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên còn thấp, chiếm 4,3%; tỷ lệ chưa tốt nghiệp tiểu học là 10,7% và Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” với tỷ lệ thanh niên chiếm gần 1/3 dân số cả nước. Đây là nguồn nhân lực quan trọng, cơ hội thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, các vấn đề xã hội cũng cần được quan tâm, trong đó có công tác CSSKSS vị thành niên
Mỗi năm, nước ta có khoảng 1,2 - 1,6 triệu ca nạo phá thai (vị thành niên chiếm từ 18-20% với đà ngày càng tăng). Bên cạnh đó, xã hội hiện đại dẫn đến những bệnh tật mới xuất hiện liên quan đường sinh sản hoặc những bệnh tật có từ trước ảnh hưởng đến sự sinh sản, thai nghén...
Điều đáng nói là một số bệnh tật ở người cha, người mẹ tương lai còn gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi sau này nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Tỷ lệ trẻ em bị dị tật bẩm sinh ở nước ta hiện nay chiếm khoảng 1,5 - 3%.
Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là sự thiếu hiểu biết về kiến thức sinh sản, không kiểm tra sức khỏe trước và trong khi mang thai, dẫn đến việc không dự phòng cũng như không phát hiện sớm những dị tật bẩm sinh của trẻ...
Những vấn đề trên đều ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm vợ chồng hoặc ảnh hưởng đến các yếu tố khác như: kinh tế, sức khỏe, tâm lý; sâu rộng hơn là ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội. Điều đáng nói là phần lớn những rắc rối ấy có thể dự phòng nhằm tránh hoặc giảm nhẹ rủi ro nếu người nam và nữ được hướng dẫn, CSSKSS tiền hôn nhân tốt.
Tuy nhiên, thực tế, việc chủ động tìm hiểu về SKSS và CSSKSS tiền hôn nhân hầu như ít diễn ra do người dân chưa có ý thức và thói quen chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh”; chưa có nhận thức đúng về sự cần thiết và lợi ích của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn, v.v...
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Việc CSSK tiền hôn nhân rất cần thiết và mang lại nhiều lợi ích thiết thực, không chỉ giúp người sắp kết hôn tự tin bước vào cuộc sống vợ chồng, mà còn giúp hạn chế, ngăn ngừa những nguy cơ dị tật, khuyết tật ở con cái, giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.
Vị thành niên nên xem việc CSSK tiền hôn nhân cũng cần thiết như việc CSSK các giai đoạn khác trong cuộc đời”. Bác sĩ Dũng khuyên các bạn trẻ nên thường xuyên đến các trung tâm ở địa phương để được tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân.
Song, bác sĩ Dũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục tới đối tượng tiền hôn nhân, vị thành niên, bởi hiểu CSSK tiền hôn nhân mang lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình như thế nào thì mới có thể vượt qua các rào cản tâm lý mà đến các cơ quan chuyên môn để được chăm sóc.
Mô hình CSSK tiền hôn nhân tại thành phố Đà Nẵng đã mang lại nhiều lợi ích trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng sống cho vị thành niên và thanh niên; đồng thời, giúp các em tiếp cận với các dịch vụ và được cung cấp kiến thức cơ bản về sự phát triển tâm lý tuổi dậy thì; về SKSS vị thành niên; tình bạn, tình yêu, giới tính, vấn đề quan hệ tình dục không an toàn cùng các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường quan hệ tình dục, phòng tránh HIV/AIDS.
Chị Thái Thị Mỹ, cán bộ dân số phường Hòa Quý cho biết: “Ban đầu triển khai mô hình này, do tâm lý e ngại, các đối tượng tham gia chưa đông. Tuy nhiên, qua nhiều buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Tiền hôn nhân và sự gần gũi của cán bộ dân số đã tạo tâm lý thoải mái và thu hút càng đông các bạn trẻ”.
Trong buổi giao lưu, đối thoại về kiến thức CSSKSS vừa được tổ chức, hầu hết các bạn trẻ cho rằng, cần nhân rộng thêm mô hình này. Đặc biệt, mô hình còn giúp những cặp nam nữ chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa hôn nhân rèn luyện kỹ năng sống; khám, phát hiện, phòng ngừa và được hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe sau khi kết hôn.
Riêng với trẻ vị thành niên, các trường học nên tăng cường hơn nữa việc tổ chức các hoạt động để định hướng cho học sinh về lối sống lành mạnh, khoa học...; đồng thời, phối hợp với phụ huynh có hướng giáo dục phù hợp và giúp trẻ nhận thức đúng đắn hơn về lĩnh vực này.
Các cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ với nhà trường, Đoàn thanh niên, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về công tác CSSKSS, về giới tính, tình dục, các biện pháp bảo vệ bản thân với trẻ vị thành niên; giúp các bạn trẻ cởi mở hơn, xóa bỏ tâm lý rụt rè, e ngại để mạnh dạn tự chăm lo CSSK cho bản thân.
Bài và ảnh: MINH PHÚC