Thành ủy Đà Nẵng vừa có Công văn số 191-CV/TU về việc thực hiện Kết luận số 118-KL/TW của Ban Bí thư tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, trong đó đề cập việc cần tập trung nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết 46/NQ/TW, trọng tâm là: khắc phục khó khăn, hạn chế trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, bảo đảm thích ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội và đặc điểm tình hình của thành phố. Tiếp tục phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; chủ động, kịp thời phòng, chống dịch bệnh, kiên quyết không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế thành phố theo hướng thu gọn đầu mối, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức hệ thống y tế cơ sở (tuyến quận, huyện, phường, xã), bảo đảm sự quản lý thống nhất theo ngành dọc và có sự phối hợp chỉ đạo thực hiện chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Tiếp tục tăng chi ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực y tế, bảo đảm tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng chi bình quân; ưu tiên đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, vùng khó khăn. Tiếp tục thực hiện các chính sách xã hội hóa để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư phát triển y tế.
Thực hiện chính sách tài chính y tế theo hướng chuyển đổi bao cấp, hỗ trợ của Nhà nước cho hệ thống y tế sang hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ y tế qua bảo hiểm y tế (BHYT). Mở rộng BHYT toàn dân.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là ở tuyến y tế cơ sở, bảo đảm cho người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm quá tải bệnh viện ở tuyến thành phố. Phát triển y học cổ truyền, kết hợp với y học hiện đại.
Đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng, sớm giải quyết tình trạng bất cập về chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực y tế thành phố. Nâng cao tinh thần, thái độ, đạo đức nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp trong thực hành nghề y của cán bộ, viên chức ngành y tế trong phục vụ người bệnh và thân nhân người bệnh.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, thông tin, truyền thông về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể, vệ sinh phòng bệnh; tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường; thanh, kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực hiện tốt các chương trình dinh dưỡng, giảm tỷ lệ bệnh tật, tỷ lệ tử vong, giảm thiểu các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nhân dân.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về y tế và BHYT. Cải cách mạnh mẽ thủ tục khám, chữa bệnh nhằm giảm phiền hà cho người dân. Quản lý tốt hành nghề y dược tư nhân…
B.T