Nhiều bệnh nhân đi khám chữa bệnh trong ngày đầu tăng viện phí 1-3 tỏ ra bất ngờ vì chi phí… không thay đổi so với trước đây. Tuy nhiên, một số người khác không khỏi lo lắng khi số tiền đồng chi trả (sau khi được bảo hiểm thanh toán) có “nhích” lên. Còn Bảo hiểm xã hội, cơ quan giữ quỹ bảo hiểm y tế, thì đang thắc thỏm sợ vỡ quỹ!
Nhiều đối tượng bệnh nhân được hưởng lợi sau tăng viện phí. |
“Được bảo hiểm chi trả 100% nên không lo!”
Sáng 1-3, nhiều bệnh nhân đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện C Đà Nẵng cho hay, vì thuộc đối tượng được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế (BHYT) 100% (người có công nhóm 1, 2; hưu trí, v.v…) nên họ không mấy để ý chuyện tăng viện phí.
Một bác hưu trí cho biết: “Tôi cứ đến khám, được cấp thuốc và không phải trả đồng nào như bao lâu nay. Do đó, tăng thì tăng thôi, tôi không ảnh hưởng gì”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tam (62 tuổi) cũng là cán bộ hưu trí nhưng lại thuộc đối tượng phải đồng chi trả và có BHYT tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ông Tam bị gãy tay trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua và đang tiếp tục điều trị ngoại trú vết thương của mình.
Ông cho hay: “Sáng nay (1-3), tôi đến tái khám và cắt bột. Tôi không phải trả thêm đồng nào cả dù thuộc đối tượng đồng chi trả. Có thể vì chi phí trong mức bảo hiểm thanh toán hoàn toàn (dưới 172.000 đồng - PV), chưa vượt ngưỡng bệnh nhân phải đồng chi trả. Hơn nữa, còn đang trong liệu trình cũ nên tôi được tính mức giá cũ, không tăng”.
Như các trường hợp nêu trên, nhiều đối tượng bệnh nhân cũng không ảnh hưởng trong những ngày đầu tăng viện phí; thậm chí không bị tác động suốt quá trình tăng chi phí khám chữa bệnh. Theo quy định của liên Bộ Y tế và Tài chính, nhóm đối tượng người nghèo, trẻ em dưới 5 tuổi, người có công cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng mức bảo hiểm 100% BHYT. Đây là nhóm không lo về viện phí dù giá tăng hay giảm.
Trong khi đó, theo thống kê từ Bảo hiểm xã hội thành phố, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có tổng cộng 944.753 người tham gia BHYT. Trong đó, có 108.077 trẻ em dưới 5 tuổi; 69.035 người nghèo (chiếm 7,3%); 15.250 người có công; 25.465 đối tượng bảo trợ xã hội. Như vậy, có tổng cộng gần 220.000 người có thẻ BHYT tại Đà Nẵng không chịu tác động của viện phí tăng.
Bảo hiểm y tế lo vỡ quỹ?
Bên cạnh những người không cần lo viện phí, những đối tượng bệnh nhân khác, thuộc nhóm đồng chi trả BHYT thì không thể thờ ơ trước giá cả khám chữa bệnh mới.
Đến Bệnh viện Thanh Khê khám bệnh máu nhiễm mỡ vào sáng 1-3, bà Trần Thị Th. (50 tuổi) cho hay, lần khám này bà đồng chi trả gần 21.000 đồng tiền thuốc và 11.000 đồng tiền xét nghiệm. “Vài chục nghìn đồng có vẻ không lớn, nhưng thực sự khá ảnh hưởng đến một người thu nhập thấp như tôi. Bệnh điều trị liên tục, nhiều năm nên cứ 2 tuần đi khám phải đồng chi trả vài chục ngàn thì không hề nhỏ. Chưa kể, nghe đâu đây chỉ là tăng giá đợt đầu, còn những đợt tăng cao hơn nữa”, bà Th. tâm sự.
Theo ông Văn Phú Long, Trưởng phòng Thu, Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng, người bệnh không nên quá lo lắng về giá viện phí mới, bởi cái lợi dành cho bệnh nhân vẫn nhiều hơn.
Nếu trước đây, mỗi địa phương tự ban hành một danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế, trong đó có những mục nằm ngoài bảo hiểm, yêu cầu bệnh nhân phải tự đóng tiền toàn bộ; thì hiện nay, liên bộ Y tế và Tài chính đã đưa ra một bảng giá thống nhất trên toàn quốc, trong đó hầu như tất cả các dịch vụ, kỹ thuật đều nằm trong danh mục BHYT thanh toán, nên người bệnh được hưởng lợi rất nhiều. Điều đặc biệt hơn của sự tăng giá lần này là có thể tạo nên sự “đảo chiều” trong cung cách phục vụ, tiếp nhận bệnh nhân có thẻ BHYT.
Trước đây, nếu một vài nơi còn xảy ra tình trạng phân biệt đối xử, phục vụ không tốt bệnh nhân BHYT, thì nay bệnh nhân BHYT lại trở thành “khách hàng tiềm năng” hơn.
Thử làm phép so sánh: với giường nội khoa loại 1 giá cũ là 61.000 đồng/ngày; giá mới 99.000 đồng/ngày; vậy tiếp nhận người bệnh có thẻ BHYT, bệnh viện sẽ thu được 99.000 đồng tiền giường, trong khi tiếp nhận người bệnh không có BHYT, bệnh viện phải tính giá cũ nên chỉ thu được 61.000 đồng.
Tương tự, với kỹ thuật phẫu thuật ruột thừa viêm, giá cũ là 1 triệu đồng, giá mới là 2,2 triệu đồng; vậy tiếp nhận ca bệnh có BHYT, bệnh viện được quỹ bảo hiểm trả lại 2,2 triệu đồng thay vì chỉ nhận 1 triệu đồng từ bệnh nhân không có BHYT.
Điều lo ngại nhất đối với Bảo hiểm xã hội thành phố là có thể xảy ra tình trạng vỡ quỹ. Ông Long cho hay, mỗi năm toàn thành phố thu được khoảng 1.200 tỷ đồng từ các nguồn BHYT. Nếu viện phí tăng 30% như đợt này, đồng nghĩa quỹ sẽ bị hao ít nhất gần 400 tỷ đồng/năm (tương đương 1/3 tổng thu). Đây là con số cực kỳ lớn mà Bảo hiểm xã hội đang… hồi hộp chờ.
Bài và ảnh: THU HOA