.

Vụ tử vong sau khi mổ xương chân: "Đây là sự cố y khoa"

.

ĐNĐT - Liên quan đến vụ bệnh nhân tử vong sau khi được mổ xương chân, sáng 18-3, Bệnh viện Đà Nẵng tổ chức họp báo ngay sau cuộc họp của Hội đồng giám định y khoa, dưới sự chủ trì của Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến.

Giám đốc sở y tế Ngô Thị Kim Yến và lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng trong buổi họp báo sáng 18-3
Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến và lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng trong buổi họp báo sáng 18-3

Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết: Bệnh nhân tên Trần Thị Là, 49 tuổi, trú tại huyện Hòa Vang, vào Bệnh viện Đà Nẵng chiều chủ nhật ngày 6-3 trong tình trạng gãy liên lồi cầu xương đùi phải vùng xốp.

Bệnh nhân được tiếp nhận tại phòng cấp cứu và làm các xét nghiệm, chụp phim. Theo kết quả chẩn đoán của các bác sĩ ngoại chấn thương, đây là trường hợp gãy kín, không có biến chứng và các chỉ số sức khỏe của bệnh nhân đều bình thường.

Bệnh nhân được lên lịch mổ theo dạng chương trình, không phải trường hợp mổ cấp cứu. Đến ngày 15-3, tức 9 ngày sau khi nhập viện, bà Là được đưa vào phòng mổ. Trước đó, bà được làm tất cả các kiểm tra tiền phẫu thuật theo đúng quy trình.

Ca mổ kéo dài từ 15 giờ đến 17 giờ ngày 15-3, bệnh nhân được gây tê, tỉnh táo trong phòng mổ và vì gãy ở vùng xốp nên trong cuộc mổ có bị mất máu khoảng trên 500 ml. Sau mổ, bệnh nhân được chuyển về khu hồi sức, được truyền máu theo chỉ định và có sự theo dõi của bác sĩ.

Mọi chuyện diễn ra bình thường nhưng truyền đến bịch máu thứ 3 thì bệnh nhân có biểu hiện mệt, khó thở, ngừng tuần hoàn hô hấp. Các bác sĩ đã cấp cứu, hồi sức tại chỗ, cho bệnh nhân thở máy và tiến hành hội chẩn toàn viện ngay lập tức. Diễn biến bệnh nhân xấu dần và không qua khỏi.

Qua các dữ liệu cận lâm sàng, X- Quang và xét nghiệm máu, Hội đồng giám định y khoa nghĩ đến 2 khả năng dẫn đến cái chết của bệnh nhân là thuyên tắc mạch phổi hoặc sốc phản vệ sau truyền máu.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng, qua rà soát tất cả các bước tiếp nhận và xử lý ca bệnh, bệnh viện kết luận đây là sự cố y khoa.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng và Sở Y tế thành phố đã nhận được nhiều câu hỏi của phóng viên xung quanh ca tử vong.

Vì sao phải đợi đến 9 ngày sau khi nhập viện, bệnh nhân mới được mổ?

Ông Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng: Bệnh nhân gãy xương cần phải mổ có 2 dạng. Một là cấp cứu trong trường hợp xương gãy lòi ra ngoài, cháy máu nhiều...

Hai là mổ theo chương trình, cần đợi xếp lịch nếu gãy kín, không biến chứng. Thứ 6 hằng tuần, bệnh viện sẽ họp duyệt lịch mổ cho cả tuần tiếp theo. Bà Là nhập viện vào chủ nhật, đến thứ 6 tuần sau có lịch mổ, và thứ 2 tuần kế tiếp đã được mổ là không muộn so với các bệnh nhân khác.

Người nhà bệnh nhân nghi ngờ có thể cho bị truyền nhầm máu nên mới dẫn đến tình trạng sốc như vậy?

Ông Trần Ngọc Thạnh: Trước khi máu truyền vào cơ thể người bệnh, việc xử lý máu luôn phải trải qua 7 công đoạn loại trừ yếu tố miễn dịch. Nên nếu nói là nhầm máu thì đây là điều không thể xảy ra.

Diễn biến đột ngột của bệnh nhân có thể do thuyên tắc mạch phổi. Trong chấn thương gãy xương dài có từ 1-3% khả năng gây thuyên tắc mạch phổi. Tức mỡ trong tủy xương vỡ ra, vón cục gây tắc mạch máu. Khi bị thuyên tắc mạch phổi, nguy cơ tử vong đến 30%.

Mổ những ca gãy xương dài, các bác sĩ có lường trước bệnh nhân có nguy cơ bị thuyên tắc mạch phổi để đưa ra những tình huống ứng phó?

Ông Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng: Trong lĩnh vực phẫu thuật gãy xương dài luôn coi trọng nguy cơ biến chứng này. Do đó, việc mổ chương trình cũng là cách để chúng tôi có thời gian chuẩn bị và cho bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông dự phòng.

Trách nhiệm của Bệnh viện Đà Nẵng như thế nào trước sự cố này?

Ông Trần Ngọc Thạnh: Như đã nói, chúng tôi đã nghiêm túc rà soát toàn bộ quy trình tiếp nhận bệnh nhân thì thấy không có sai sót nào từ chuyên môn đến thái độ phục vụ.

Nhất là bệnh nhân được hồi phục sau mổ ở khu chăm sóc đặc biệt. Khi diễn biến trở nặng được cấp cứu nhanh chóng. Đây là một sự cố y khoa ngoài mong muốn.

Dù vậy, về phía tâm lý người nhà, chúng tôi cũng rất đau lòng. Từ một người còn trẻ, chỉ đi bộ gãy chân, mổ khỏe bình thường, trong phòng mổ còn nói chuyện được với phẫu thuật viên, ra khỏi phòng mổ nói chuyện được với người nhà, mà sau đó tử vong đột ngột thì quá đáng tiếc.

Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo bệnh viện cùng toàn bộ ekip bác sĩ đã gặp người nhà giải thích và cũng hoàn toàn chia sẻ việc gia đình bức xúc.

Lãnh đạo ngành Y tế Đà Nẵng có ý kiến như thế nào trước ca bệnh này?

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng: Tôi thống nhất với kết luận của Hội đồng giám định rằng đây là sự cố y khoa. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ nghiêm túc kiểm tra lại để hạn chế tối đa những tình huống ngoài ý muốn.

Về phía cá nhân, tôi rất đau xót và chia sẻ với mất mát của gia đình trước sự ra đi đột ngột của người thân. Ngành Y tế Đà Nẵng mong muốn truyền thông truyền tải thông tin khách quan về vụ việc này để người dân được hiểu rõ.

Người nhà phản ánh bức xúc với phóng viên vào sáng 18-3
Người nhà bệnh nhân phản ánh bức xúc với phóng viên sáng 18-3

Theo Đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Đặng Thiện, chồng bệnh nhân Trần Thị Là, ngày 6-3, bà Là (sinh năm 1968) trú tại thôn Thạch Bồ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, đi bộ bị té gãy chân và được đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng.

Chờ gần 10 ngày sau, bà Là mới được mổ. Sau mổ, sức khỏe bà bình thường nhưng do sai sót trong khâu truyền máu, bà bị co giật, hôn mê, bất tỉnh và tử vong. Gia đình bà làm đơn gửi các cấp lãnh đạo thành phố và cơ quan liên quan làm rõ vụ việc.

Tin và ảnh : Thu Hoa

;
.
.
.
.
.