Người đứng đầu Liên minh các chuyên gia nhi khoa quốc tế vì trẻ em Việt Nam là một phụ nữ gốc Việt - GS, TS, BS Ái Xuân Holterman. Gần 10 năm qua, bà miệt mài, lặng lẽ về Việt Nam, mang theo những kỹ thuật mới trong phẫu thuật nhi khoa, giúp nhiều đứa trẻ cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Ái Xuân nở nụ cười khi thăm bệnh nhi hồi phục tốt sau phẫu thuật (ảnh chụp tháng 3-2016). Ảnh: THU HOA |
Giấc mơ về những điều tốt đẹp cho trẻ em vẫn luôn cháy bỏng trong người phụ nữ bé nhỏ này.
Bao trăn trở…
Chuyến bay dài từ Mỹ về Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, tiếp liền đó là 4 ngày bám trụ trong phòng phẫu thuật để theo sát 25 ca mổ, tưởng như chỉ là việc… nhẹ tênh với người phụ nữ sắc vóc bé nhỏ gần 60 tuổi này, bởi bà không bao giờ tỏ vẻ mệt mỏi. Tiếp chúng tôi ngay bên ngoài cửa phòng mổ, trong trang phục phẫu thuật viên, GS, TS, BS Ái Xuân cởi mở trước tất cả câu hỏi, dù vốn tiếng Việt đã hao hụt theo thời gian.
Đúng như các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiết lộ trước đó, “cô Xuân rất bình dân và dễ thương”, những ngại ngần trong lần đầu gặp mặt vị GS khả kính đến từ Trường ĐH Illinois danh tiếng của Mỹ đã nhanh chóng thay bằng cảm giác gần gũi khi tiếp xúc với một phụ nữ Nam bộ mộc mạc và đầy khiêm tốn.
Bác sĩ Ái Xuân sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Năm 1975, bà sang Mỹ lúc tròn 17 tuổi. Hơn 30 năm sau, vào năm 2007, bà lần đầu tiên trở về thăm nhà. Chuyến “đi chơi đơn thuần” không ngờ trở thành sợi dây nối kết tình cảm quê hương và trỗi dậy trong bà bao trăn trở. Là bác sĩ chuyên khoa nhi, lại thấy các bệnh nhi tại quê nhà đang cần sự hỗ trợ, nên trong bà thôi thúc phải làm điều gì đó thiết thực cho trẻ em Việt Nam.
Với suy nghĩ một mình sẽ khó làm hết những việc cần làm, bà đã sáng lập một tổ chức liên kết nhiều chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng trên thế giới cùng hỗ trợ chuyên môn, chia sẻ kiến thức và hành động vì trẻ em Việt Nam. Liên minh các chuyên gia nhi khoa quốc tế vì trẻ em Việt Nam, gọi tắt là IPSAC-VN (International Pediatric Specialists Alliance for the Children of Vietnam) đã ra đời trong hoàn cảnh như thế vào năm 2009.
Ban tổ chức IPSAC có 7 thành viên là các bác sĩ, điều dưỡng đến từ nhiều quốc gia, trong đó chủ yếu là Mỹ. Bên cạnh đó, lực lượng thành viên không chính thức và tình nguyện viên của IPSAC ngày càng mở rộng. Trong gần 8 năm qua, IPSAC thực hiện rất nhiều dự án trải dài khắp Việt Nam từ Viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, Bệnh viện Trung ương Huế đến Bệnh viện Cần Thơ và Kon Tum…
Tại Đà Nẵng, ngoài công tác đào tạo chuyên môn cho các bác sĩ, hỗ trợ phát triển lĩnh vực ngoại nhi tổng quát và trao đổi kinh nghiệm, mỗi năm IPSAC còn về Bệnh viện Phụ sản - Nhi một lần vào tháng 3 để chăm sóc, phẫu thuật cho hơn 20 bé bị các dị tật, bệnh lý đường tiêu hóa và đường tiết niệu sinh dục.
Trong những năm qua, đoàn đã phối hợp với các bác sĩ tại Đà Nẵng phẫu thuật cho khoảng 150 em, gồm những ca tái tạo niệu đơn giản lẫn phức tạp, đồng thời tạo hình các dị tật bẩm sinh nhi khoa với sự trình diễn kỹ thuật phẫu thuật mới. Bác sĩ Ái Xuân và IPSAC không quan trọng số lượng ca mổ, cũng không chỉ tham gia những ca khó, mục đích chính là các bác sĩ trong nước và nước ngoài học hỏi được gì từ những trường hợp bệnh đó.
Mỗi năm, bác sĩ Ái Xuân dành ít nhất 10 ngày về Việt Nam thực hiện các dự án của IPSAC. Đồng hành với bà còn có chồng cũng là bác sĩ người Mỹ - Mark Holterman và các bác sĩ nhi khoa quốc tế. Ngoài thời gian, sức lực thì kinh phí cũng đều do bà và cộng sự tự bỏ ra để trang trải các hoạt động.
Hỏi bà có cảm thấy “oai” không khi đóng vai trò Chủ tịch một tổ chức hầu hết gồm các chuyên gia nam giới, bà bẽn lẽn cười: “Tôi không nghĩ mình là quản lý hay điều hành gì lớn lao. Tôi đơn giản chỉ là người cùng làm việc với mọi người mà thôi”.
“Tôi còn nhiều giấc mơ”
Từ nhỏ, lúc còn ở Việt Nam, Ái Xuân có năng khiếu các môn Sinh, Hóa. Ba mẹ không làm nghề y, nhưng Ái Xuân luôn nuôi ước mơ trở thành bác sĩ. Sang Mỹ, Ái Xuân theo đuổi đến cùng đam mê của mình khi đã hoàn thành nghiên cứu sau tiến sĩ về miễn dịch, trở thành Trưởng khoa phẫu thuật Bệnh viện Nhi Illinois, Trường ĐH Illinois và là thành viên Hiệp hội Phẫu thuật bệnh nhi Mỹ.
Bà còn từng được giải thưởng Robert A.Welch về lĩnh vực Hóa học. Về lý do chọn làm bác sĩ ngoại nhi, bà chia sẻ: Từ việc phẫu thuật, bác sĩ có thể giúp nhiều đứa trẻ mắc bệnh được hồi sinh và có cơ hội sống tốt.
Không chỉ được chồng ủng hộ, đồng hành trong hoạt động của IPSAC, thi thoảng các chuyến trở về của bà còn có sự góp mặt của con trai là sinh viên y khoa tại Mỹ. Hai người con trai còn lại của bà dù không phải là bác sĩ trong tương lai nhưng cũng đang theo học những ngành nghề có đôi chút liên quan đến y tế là kỹ sư thiết bị y tế và chuyên gia tâm lý.
Duy trì các dự án của IPSAC không là vấn đề đơn giản, nhưng bên cạnh đó, bác sĩ Ái Xuân còn nhiều điều ấp ủ mà theo lời bà, “tôi còn những giấc mơ”. Đó là giấc mơ nghiên cứu thành công bệnh teo đường mật ở trẻ em. Nhiều đứa trẻ mắc bệnh này dẫn đến suy gan và phải cắt bỏ gan. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều điều kiện thay gan nên khả năng cứu chữa là rất khó.
Một giấc mơ lớn khác của bà là mong muốn hình thành trung tâm ung thư nhi ngay tại Đà Nẵng. “Bệnh viện Phụ sản - Nhi có khoa điều trị ung thư nhi nhưng còn ở quy mô nhỏ. Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng thì trẻ em điều trị chung với người lớn.
Trẻ em ung thư cần có điều kiện chăm sóc, điều trị rất đặc thù nên phải có nơi tương xứng, không thể gộp chung với các đối tượng. Việc này rất lớn, rất tốn kém và cần lãnh đạo cũng như toàn xã hội ủng hộ mới làm được. Nhưng một ngày gần đây tôi sẽ trình bày vấn đề này vì tôi biết lãnh đạo Đà Nẵng rất muốn lắng nghe và luôn cố gắng làm sao cho Đà Nẵng phát triển hơn”, bác sĩ Ái Xuân tâm sự.
Nhiều năm đi - về điều trị cho trẻ em Đà Nẵng và khu vực lân cận nhưng GS, TS, BS Ái Xuân chỉ là “gương mặt thân quen” của đội ngũ y bác sĩ, còn với người dân thành phố thì bà chưa thật sự “nổi tiếng”.
Hỏi bà có chạnh lòng không khi cứ cống hiến trong im lặng giữa bốn bức tường của khu phẫu thuật, bà cười: “Tôi chỉ mong thông qua báo chí, người dân biết nhiều đến IPSAC để lỡ có con mắc bệnh thì cũng đừng tuyệt vọng mà có được thông tin bổ ích và biết đường tìm tới chúng tôi”.
Bác sĩ Ái Xuân Holterman đã nhận bằng cử nhân về Hóa Sinh tại Đại học Texas Christian (Mỹ), được vinh dự nhận giải thưởng Robert A. Welch về lĩnh vực Hóa học. Năm 1984, bà nhận bằng tiến sĩ y học tại Đại học Texas Health Sciences Center, thuộc Trường y Southwestern, Dallas, Texas (Mỹ). Sau đó, bà hoàn thành nghiên cứu sau tiến sĩ về miễn dịch tại Trường y, ĐH Washington, Seattle (Mỹ). BS Ái Xuân đã hoàn thành chương trình nghiên cứu tại ĐH Montréal, Bệnh viện Sainte-Justine, Montréal, Québec (Canada). Hiện nay, BS Ái Xuân là thành viên của Hiệp hội phẫu thuật bệnh nhi Mỹ, Trưởng khoa Phẫu thuật Bệnh viện Nhi Illinois. |
THU HOA