Ở lớp học ấy, mọi thứ diễn ra trong im lặng, chỉ có tay và nét mặt là phương thức truyền tải duy nhất. Những nụ cười e thẹn, lúng túng khi nói về sự đổi thay của cơ thể ở tuổi dậy thì, chia sẻ quan điểm về tình bạn, tình yêu… Đó là những gì 60 người điếc thuộc CLB Người điếc thành phố Đà Nẵng trải qua tại lớp học về sức khỏe sinh sản (SKSS) lần đầu tiên được tổ chức cho chính mình.
Các buổi tập huấn về sức khỏe sinh sản nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng người điếc. |
Lớp học SKSS nằm trong khuôn khổ dự án “Hành trình không lời”, do nhóm Action for Youth thực hiện, với sự hợp tác và hỗ trợ của Hội Người khuyết tật thành phố, Trung tâm Thanh - Thiếu niên Trung ương, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, CLB Người điếc thành phố, CLB Ngôn ngữ ký hiệu và Mạng lưới thanh niên tại Đà Nẵng.
Để không bị xâm hại
Ở lớp học đặc biệt ấy, có em mới 10 tuổi, nhiều gương mặt vừa chớm 20 và có cả các anh, chị đã kết hôn nhưng vẫn hăng hái đến lớp.
Khi Minh Nhật (25 tuổi), thành viên dự án đưa ra bức tranh vẽ cơ thể đến tuổi dậy thì, cả lớp nhìn nhau ú ớ. Các bạn gái ngượng đỏ mặt, lén cúi đầu, còn các bạn trai quay mặt đi nơi khác. Nhưng chỉ ít phút sau, khoảng cách ngại ngần hoàn toàn được xóa bỏ trước sự hướng dẫn nhiệt tình và các trò chơi vui nhộn của Ban tổ chức.
Đến khi Nhật giơ cao quả dưa leo kèm một chiếc bao cao su hỏi bạn nào có thể “mang” vào được. Cả lớp “ngơ” thêm lần nữa. Không ngại ngần, Kiều Trinh - cô gái hoạt bát, nhanh nhẹn trong CLB xung phong làm thử với sự hướng dẫn của Minh Nhật. Luýnh quýnh gần 5 phút, cô gái trẻ giơ cao thành quả trong tiếng vỗ tay của cả lớp.
Suốt buổi học hôm ấy, nhiều bạn còn vừa chăm chú lắng nghe, vừa chụp lại những nội dung quan trọng bằng điện thoại để có thể chia sẻ với cộng đồng qua Facebook.
Khi được hỏi “Bạn sẽ làm gì để không bị quấy rối tình dục?”, nhóm của Thanh Phương viết: “Nuôi chó của Putin bảo vệ”, khiến ban tổ chức ngạc nhiên lẫn thích thú. Theo nhóm của Phương, nếu ai có được chú chó Koni to, khỏe, luôn bên cạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin thì sẽ không có rắc rối nào xảy ra.
Ở lớp học đặc biệt này, thông qua những câu chuyện thay đổi xúc cảm và tuổi dậy thì, về tình dục và mang thai, về quấy rối và xâm hại tình dục cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS, mỗi cá nhân không chỉ có kiến thức mà còn cùng nhau tìm ra giải pháp và có hành động thiết thực để bảo vệ bản thân.
Nối dài yêu thương
Với người điếc, chia sẻ về SKSS không đơn giản là nói - nghe mà người dạy phải rành ngôn ngữ ký hiệu cộng thêm sự am hiểu về văn hóa người điếc mới có thể truyền đạt chính xác thông tin. Tuy vậy, “có những lúc ngôn ngữ trở nên bất lực. Báo cáo viên nói nhưng em không biết diễn tả thế nào, còn các bạn thì nhìn em trân trân”, Lại Thị Mai Trâm (22 tuổi), quản lý dự án chia sẻ.
Nhiều bạn điếc mặc dù đã 19-20 tuổi, thậm chí là 24 tuổi nhưng vẫn chưa hiểu về SKSS. Đến tuổi dậy thì, thay vì hỏi người thân, do rào cản ngôn ngữ, họ chỉ im lặng hoặc tự tìm hiểu.
Bạn Lê Quốc Đại bộc bạch: “19 tuổi nhưng em vẫn chưa hiểu về tình dục và người khác giới thế nào. Em cảm thấy rất thoải mái khi được tìm hiểu về tình dục, tình bạn, tình yêu, nhưng em vẫn muốn học thêm tiếp. Em muốn gửi lời cảm ơn đến các bạn của “Hành trình không lời”.
Anh Văn Nha (34 tuổi), một trong số ít “học sinh” lớn tuổi của lớp dù đã có gia đình và một cháu trai 3 tuổi nhưng vẫn hào hứng tham gia. Anh Nha cho rằng: “Tôi nghĩ mình cần bổ sung và định hình lại những gì mình chưa rõ về SKSS, vừa cho bản thân, vừa có thể diễn đạt lại cho bạn khác”.
Dự án “Hành trình không lời” là một trong 6 sáng kiến tiêu biểu trong cuộc thi “Đề xuất sáng kiến truyền thông tiếp cận dịch vụ và thông tin về chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên 2015” do Trung ương Đoàn phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức.
Bước ra từ cuộc thi, hai bạn trẻ Lại Thị Mai Trâm và Nguyễn Thị Ly Ly đã dùng số tiền thưởng 2.000 USD truyền đi thông điệp yêu thương với cộng đồng người điếc bằng những chủ đề thú vị và cần thiết. Bên cạnh tập huấn, nhóm còn tổ chức triển lãm ảnh “Câu chuyện tôi kể” do các thành viên và các bạn thanh niên điếc chụp với mong muốn tạo sự thay đổi và lan tỏa lối sống lành mạnh đến mọi người.
Bài và ảnh: BÌNH AN