Y tế - Sức khỏe

Những chiếc thẻ bảo hiểm y tế đặc biệt

07:37, 26/05/2016 (GMT+7)

Bảo mật thông tin hoàn toàn khi cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nhiễm HIV là chủ trương của ngành y tế Đà Nẵng và phù hợp nguyện vọng người nhiễm.

Tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại Đà Nẵng.
Tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại Đà Nẵng.

Sợ lộ thông tin, không dám khám bệnh

Sau khi biết mình bị nhiễm HIV, chị N.T.L (40 tuổi, quê Quảng Nam) đưa hai con nhỏ rời quê ra Đà Nẵng sinh sống. Chồng chị L., vốn là tài xế xe đường dài vừa qua đời vì AIDS. Bị lây từ chồng, chị L thổ lộ: “Ban đầu khi biết bị bệnh, mình chẳng thiết sống nữa, nhưng nghĩ đến các con nên phải cố gắng”.

Để có tiền sinh sống, ai kêu gì chị cũng làm, từ phụ bán bún đến giúp việc nhà theo giờ, kể cả chạy xe ôm. Điều chị ngại ngùng nhất là những lúc phải đến các cơ sở y tế khám bệnh bởi sợ lộ danh tính. “Nếu bà chủ quán bún biết mình nhiễm HIV sẽ cho nghỉ việc ngay lập tức. Lúc đó, mẹ con mình biết sống ra sao?”, chị L. tâm sự.

Không riêng chị L., những người nhiễm HIV khác cũng rất sợ bị lộ tình trạng sức khỏe. “Nghĩ đến chuyện phải chờ đợi, rồi bác sĩ gọi tên và bị mọi người nhìn bằng ánh mắt lạ là không muốn đi khám nữa”, anh N.H (34 tuổi, quận Thanh Khê) chia sẻ. Anh H. mới phát hiện nhiễm HIV khoảng vài tháng trước trong một lần kiểm tra nhóm máu, chuẩn bị tham gia hiến máu tình nguyện. Chỉ một lần nhậu say, lỡ vui “tới bến” cùng gái mại dâm, anh bị nhiễm HIV…

Tính đến nay, Đà Nẵng ghi nhận khoảng hơn 1.000 trường hợp nhiễm HIV và hàng trăm ca tử vong do AIDS. Người nhiễm HIV/AIDS có ở tất cả 56 phường, xã của 7 quận, huyện và đang có xu hướng trẻ hóa (hơn 70% trong độ tuổi 20-39). Hầu hết bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đều thuộc đối tượng nghèo và cận nghèo, không có tiền mua thuốc hoặc thanh toán các chi phí liên quan, nếu chuyển sang giai đoạn cuối thì họ còn điều trị tốn kém nhiều hơn.

Do vậy, với nhiều bệnh nhân, BHYT là chiếc “phao cứu sinh”. Hơn nữa, Luật BHYT không phân biệt người nhiễm HIV/AIDS với người mắc bệnh khác, nên người nhiễm vẫn được hưởng chế độ và được chi trả như bao người bệnh bình thường. Lâu nay, người nhiễm HIV muốn điều trị bằng thuốc ARV phải đến phòng khám ngoại trú đặt tại Bệnh viện Da liễu và phải khai báo tình trạng sức khỏe cụ thể nên nhiều người không dám đi bệnh viện.

Cấp thẻ riêng

Trước tình trạng đó, Đà Nẵng có chủ trương cấp riêng thẻ BHYT cho từng cá nhân người nhiễm HIV. Ngoài ra, các cơ sở y tế đều có cán bộ chuyên trách về HIV/AIDS giúp người bệnh yên tâm, thuận tiện khi đi khám, chữa bệnh. Tất cả những người nhiễm HIV đều được cung cấp số điện thoại của cán bộ chuyên trách ở cơ sở y tế phường, xã, quận, huyện để nhận sự giúp đỡ khi cần thiết. Các cán bộ này sẽ đưa người nhiễm đến gặp bác sĩ để được thăm khám “đặc biệt”, bảo đảm sự riêng tư.

Tại Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, cán bộ chuyên trách còn đứng ra làm hầu hết các thủ tục khám, chữa bệnh, xin thuốc, nhập viện, chuyển tuyến để người nhiễm không phải “ra mặt”. Cán bộ hỗ trợ còn chủ động liên lạc với người bệnh qua điện thoại để hạn chế sự trao đổi trực tiếp. “Những bệnh nhân nhiễm HIV mang nặng tâm lý mặc cảm và sợ kỳ thị. Đã nhiều lần chúng tôi xét nghiệm phát hiện họ nhiễm HIV nhưng không gặp được bệnh nhân để tư vấn, hỗ trợ vì họ… trốn. Vì vậy, việc bí mật danh tính cho người nhiễm là điều quan trọng”, bác sĩ Huỳnh Đình Đồng, Trưởng khoa Điều trị thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng cho biết.

Ngoài số người nhiễm HIV đã có thẻ BHYT, hiện nay thành phố Đà Nẵng còn hỗ trợ kinh phí cho khoảng 50 người nhiễm HIV mua BHYT, hầu hết là các đối tượng nghèo. Như vậy, Đà Nẵng có hơn 80% người nhiễm HIV có thẻ BHYT, số bệnh nhân còn lại không có thẻ là người ngoài tỉnh, không có nơi cư trú rõ ràng, hoặc không có giấy tờ cần thiết nên không thể đăng ký tham gia BHYT tự nguyện.

Bài và ảnh: HƯƠNG SEN

.