Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại Hội nghị chuyên đề về ATVSTP được tổ chức sáng 6-5. Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử phạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ doanh nghiệp, tiểu thương, nếu phát hiện sử dụng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm cũng như kinh doanh không bảo đảm điều kiện ATVSTP…
Cần kiểm soát tốt nguồn gốc, chất lượng thực phẩm các loại. Trong ảnh: Các tiểu thương kinh doanh hàng thịt tại chợ Siêu thị Đà Nẵng. |
Hoài nghi về những con số
Theo bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế, công tác quản lý Nhà nước về chất lượng an toàn thực phẩm thời gian qua đạt được nhiều kết quả đáng kể. Công tác phối hợp liên ngành, tuyên truyền, thanh kiểm tra được thực hiện thường xuyên.
Thực trạng an toàn vệ sinh trong sản xuất rau quả, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản và kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị đã được thực hiện tốt. “Riêng các cơ sở dịch vụ ăn uống như khu du lịch, khách sạn, nhà hàng đã có sự cải thiện đáng kể về vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến.
Tỷ lệ các cơ sở này được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt 97,9%?”, bác sĩ Hồng cho biết. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, cần xem xét lại con số này, liệu đã phản ánh đúng thực trạng hiện nay hay chưa: “Con số này có ổn không, có mâu thuẫn không khi mà tình trạng mất ATVSTP được phản ánh quá nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng?”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đặt vấn đề.
Được biết, trong năm 2015, các ngành quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm cùng các địa phương tiến hành kiểm tra gần 7.900 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và phát hiện 588 cơ sở vi phạm các tiêu chuẩn về ATVSTP với số tiền phạt hơn 1,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, giai đoạn từ năm 2011-2015, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm với 163 người bị ngộ độc. Sau khi xem báo cáo này, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho rằng: “Làm cả 5 năm mà xử phạt chỉ có khoảng 3-4 tỷ đồng thì chỉ là gãi ngứa so với thị trường mênh mông với hàng trăm, hàng ngàn cơ sở về thực phẩm”.
Kiểm soát kỹ nguồn gốc thực phẩm
Hằng năm, thành phố tiêu thụ khoảng 70.000 – 80.000 tấn nông sản thực phẩm và sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, lượng nông sản tại chỗ chỉ khoảng 16.000 tấn và sản phẩm chăn nuôi cũng chỉ cung ứng được khoảng 15%, số còn lại nhập từ các địa phương và nhập khẩu.
Trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ lo ngại tình trạng thực phẩm bẩn, không nguồn gốc xuất xứ từ các địa phương khác sẽ “tuồn” về Đà Nẵng.
“Cần phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra cả về số lượng, tần suất đối với các chủ xe chở thực phẩm về thành phố. Chi cục Quản lý thị trường phải phối hợp với các đoàn thanh tra các đơn vị kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc, chất lượng sản phẩm nhập từ các nơi khác về. Trước tình trạng cá chết tràn lan dọc các tỉnh miền Trung hiện nay, chúng ta không thể loại trừ trường hợp cá chết được mang vào Đà Nẵng tiêu thụ, làm thức ăn cho gia súc, thậm chí cho người”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Tham gia chủ trì buổi hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cũng nêu lên thực trạng nông dân hiện nay không mặn mà với việc trồng rau sạch theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. “Rau củ các loại bắt họ trồng theo các tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt, tốn công sức, kinh phí nhưng khi thu hoạch thì lại mang bán ở các chợ với giá cả bấp bênh. Nên chăng ngành Công thương cần có biện pháp để duy trì, khuyến khích người nông dân sản xuất thực phẩm sạch, ví dụ như việc lập các quầy bán rau sạch tại các chợ chẳng hạn”, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng nói.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ATVSTP trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo các đơn vị, ban, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
“Thực trạng về công tác bảo đảm ATVSTP hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết ngay. Chính vì vậy, công tác thanh tra, kiểm tra phải được tăng cường, thường xuyên và liên tục. Không có chuyện tổ chức thanh tra, kiểm tra mà báo cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm biết trước. Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra phải có tính bất ngờ, đột xuất. Ngộ độc thực phẩm chỉ là phản ứng tức thời còn cái lo ngại nhất là những hậu quả, di chứng về lâu dài”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cảnh báo.
Lắp hệ thống quan trắc, giám sát nước thải độc lập Lo ngại trước chất lượng xử lý nước thải tại các nhà máy, trạm xử lý nước thải trên địa bàn thành phố không bảo đảm chất lượng, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát nguồn nước thải tại các nhà máy, trạm xử lý nước thải. Việc lắp đặt hệ thống giám sát, quan trắc độc lập này nhằm ngăn chặn tình trạng xả thải nguồn nước chưa qua xử lý ra sông, biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, sức khỏe của người dân. |
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ làm Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP Tại hội nghị, Văn phòng UBND thành phố công bố Quyết định số 2602/QĐ-UBND ngày 25-4-2016 của UBND thành phố về việc thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP. Theo đó, Ban chỉ đạo sẽ bao gồm Trưởng ban là Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ; Phó trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng; thành viên thường trực Ban Chỉ đạo là Giám đốc Sở Y tế; các thành viên là đại diện các sở, ngành liên quan làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với UBND thành phố về những chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách trong quản lý Nhà nước về ATVSTP trên địa bàn thành phố. |
Bài và ảnh: PHAN CHUNG