Y tế - Sức khỏe

Người bệnh chạy thận nhân tạo ngay tại trạm y tế phường

17:19, 20/07/2016 (GMT+7)

Sau 4 tháng chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, ngày 20/7, Trạm y tế phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thí điểm mô hình "Phòng khám đa khoa, vệ tinh của bệnh viện quận, huyện đặt tại trạm y tế."

​Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
​Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đây là lần đầu tiên tại phòng khám đa khoa vệ tinh có triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo, qua đó giúp người bệnh ở xa giảm chi phí và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Chạy thận nhân tạo tại trạm y tế phường

Là một trong số 10 bệnh nhân ít nguy cơ được chọn đưa về chạy thận nhân tạo tại Trạm y tế phường Bình Chiểu, anh Nguyễn Đức Huỳnh, 32 tuổi, nhà ở phường Bình Chiểu cho biết: "Tôi bị bệnh thận từ năm 2008, cứ 3 lần/tuần tôi phải tới Bệnh viện quận Thủ Đức để chạy thận nhân tạo. Do nhà ở khá xa bệnh viện nên nhiều hôm tôi phải đi từ 5 giờ để được chạy thận sớm, nếu đến muộn sẽ phải chờ rất lâu."

Chị Ngô Thị Kim Chi, nhà ở phường Linh Trung chia sẻ: "Vẫn là bác sỹ điều trị cho tôi ở tuyến trên, cùng với Phòng khám đa khoa vệ tinh được trang bị máy móc mới nên tôi rất yên tâm chạy thận tại đây."

Bác sỹ Nguyễn Minh Quân - Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết mỗi ngày có khoảng 200 bệnh nhân đến bệnh viện quận để chạy thận nhân tạo, đa số là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Theo quy định, mỗi ngày bệnh viện chỉ được làm hai ca chạy thận, song với số lượng bệnh nhân quá đông, bệnh viện phải tổ chức làm 3-4, thậm chí 5 ca/ngày, từ sáng sớm tới khuya mới phục vụ được hết bệnh nhân.

Trước tình trạng đó, lãnh đạo bệnh viện đã xin ý kiến Sở Y tế thành phố cho phép triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo tại trạm y tế phường, trước hết để giảm chi phí điều trị cho người bệnh, đồng thời giảm tải cho bệnh viện truyến trên.

"Bệnh viện đã đầu tư 600 triệu đồng mua hai máy lọc thận và kiểm nghiệm kỹ nguồn nước. Mỗi ngày trạm y tế tổ chức hai ca chạy thận, thời gian đầu, mỗi ca có 1 bác sỹ và 2 điều dưỡng của bệnh viện quận được cử xuống trực. Bệnh viện cũng đào tạo một số bác sỹ của trạm y tế phường về tiếp nhận kỹ thuật chạy thận. Khi hoạt động điều trị của trạm y tế đi vào nền nếp, bác sỹ của bệnh viện quận sẽ được rút về để triển khai ở các trạm y tế phường khác trong địa bàn," bác sỹ Nguyễn Minh Quân cho biết thêm.

Ngoài ra, để phòng tránh những rủi ro trong thời gian đầu triển khai, tại Trạm y tế phường Bình Chiểu cũng đặt một điểm chốt cấp cứu vệ tinh 115 của Bệnh viện quận Thủ Đức, khi có lệnh cấp cứu ngoại viện sẽ triển khai cấp cứu nhanh nhất trong khu vực.

Tăng cường năng lực y tế cơ sở

Tiếp tục thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện của Sở Y tế thành phố, Bệnh viện quận Thủ Đức đã hỗ trợ nhân sự cho các trạm y tế phường thông qua hình thức triển khai phòng khám vệ tinh, đưa bác sỹ của bệnh viện quận về 12 trạm y tế phường, bước đầu đã có kết quả tốt. Số lượt bệnh nhân tới khám chữa bệnh tại trạm y tế tăng, chuyên môn của đội ngũ bác sĩ được cải thiện và niềm tin của người dân được củng cố.

Theo bác sỹ Nguyễn Minh Quân, chọn Trạm y tế phường Bình Chiểu triển khai mô hình "Phòng khám đa khoa, vệ tinh của bệnh viện quận, huyện đặt tại trạm y tế" là do địa bàn này có nhiều khu công nghiệp, đông dân cư sinh sống và cách xa bệnh viện. Đây cũng là địa bàn thường xuyên kẹt xe nên việc tiếp cận với bệnh viện tuyến trên để khám chữa bệnh của người dân gặp rất khó khăn, nhất là trong tình trạng cấp cứu.

Bác sỹ Nguyễn Minh Quân cho biết thêm: "Đây là một giải pháp hữu hiệu để tạo niềm tin cho người dân khi đến khám tại trạm y tế phường, tạo tiền đề để trạm y tế có một đội ngũ bác sĩ cơ hữu sau này và đặc biệt là tích hợp lồng ghép vào hoạt động của trạm y tế phường để Đề án bác sĩ gia đình được thành công theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế. Nếu mô hình này thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng triển khai tại phường Hiệp Bình Chánh và phường Linh Trung."

Phòng khám đa khoa vệ tinh của Bệnh viện quận Thủ Đức đặt tại Trạm y tế phường Bình Chiểu có đầy đủ các phòng khám chuyên khoa như phòng Cấp cứu, khám Nội, khám Ngoại, khám Sản, Nhi, Tai mũi họng, Răng hàm mặt, Da liễu, Y học cổ truyền và các phòng xét nghiệm với đội ngũ nhân sự gồm 11 bác sỹ và các điều dưỡng, kỹ thuật viên, đảm bảo phục vụ công tác chữa bệnh. Người bệnh tham gia bảo hiểm y tế sẽ được Bảo hiểm xã hội thành phố thanh toán chi phí chạy thận nhân tạo theo đúng quy định.

Bác sỹ Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết mô hình khám chữa bệnh hiện nay của thành phố đang thực hiện theo hình tháp ngược, tức là bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện tuyến thành phố chiếm 52%; bệnh viện tuyến quận, huyện chiếm 30%; bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân chiếm 17% và tại trạm y tế chỉ chiếm 4-6%.

Thực tế này ngược lại với các nước có nền y học phát triển. Do đó, việc triển khai mô hình "Phòng khám đa khoa, vệ tinh của bệnh viện quận, huyện đặt tại trạm y tế" có ý nghĩa rất lớn không chỉ trong phục vụ người dân mà còn giúp nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho y tế cơ sở, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, đồng thời thu hút được bác sỹ về làm việc tại trạm y tế.

Từ mô hình thí điểm ở quận Thủ Đức, Sở Y tế thành phố sẽ đánh giá hiệu quả và triển khai mở rộng tại các quận, huyện khác của thành phố./.

Theo Vietnam+

.