.

Quan tâm và trao quyền cho trẻ em gái

.

Mỗi ngày, tại các nước đang phát triển có 20.000 “bà mẹ nhí” từ 15-17 tuổi sinh con. Ước tính số ca nạo phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi từ 15-19 là 3,2 triệu ca mỗi năm và 10% số trẻ em gái cho biết đã từng bị cưỡng bức quan hệ tình dục trước 15 tuổi.

Nói chuyện chuyên đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ sinh Trường THPT Nguyễn Hiền. 					         Ảnh: MAI KHUÊ
Nói chuyện chuyên đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ sinh Trường THPT Nguyễn Hiền. Ảnh: MAI KHUÊ

Tại Việt Nam, theo số liệu của Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), tỷ lệ mang thai ở vị thành niên (VTN) có giảm trong hai năm gần đây nhưng vẫn ở mức cao và rất đáng lo ngại, năm 2012 là 3,39%, năm 2014 là 2,78% và năm 2015 là 2,66%. Việt Nam hiện là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi VTN cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 5 thế giới. Mỗi năm, cả nước có khoảng 300.000 ca nạo phá thai ở độ tuổi 15-19. Tỷ lệ trẻ VTN chiếm khoảng 1/5 dân số. Nhóm dân số này là nhân tố quan trọng quyết định tương lai của đất nước. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ VTN đều được tiếp cận với giáo dục và chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đặc biệt là trẻ em gái VTN.

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng: “Đầu tư cho trẻ em gái VTN là đúng đắn và khôn ngoan nhất, vì không chỉ chính các em mà cả gia đình, cộng đồng cùng được hưởng lợi”. Khi chúng ta quan tâm, trao quyền cho trẻ em gái VTN, các em sẽ có phương tiện và thông tin để tự quyết định cuộc sống.

Các em sẽ có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng và trở thành một tác nhân tích cực tạo ra sự thay đổi trong gia đình, cộng đồng và quốc gia. Đối với các nước có nhóm dân số trẻ đông đảo và ngày càng gia tăng trên thế giới, việc đầu tư cho giáo dục, y tế hỗ trợ trẻ em gái VTN và các điều kiện kinh tế giúp tạo công ăn việc làm có vai trò đặc biệt quan trọng bởi chính các em sẽ nắm bắt lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng đầy tiềm năng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một trẻ em gái VTN sẽ là một công dân tích cực trong cộng đồng, sẽ trở thành mẹ khi đã sẵn sàng và lại tiếp tục đầu tư vào y tế, giáo dục cho tương lai của các con mình.

Đầu tư cho trẻ em gái VTN là tạo điều kiện cho các em gái trong nhóm dân số dễ bị tổn thương được phát triển các kỹ năng cơ bản, có kiến thức chăm sóc sức khỏe, được tiếp cận các dịch vụ xã hội, bao gồm sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và phòng, chống HIV, có được những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho công việc của mình và được trao cơ hội. Đặc biệt, trẻ em gái VTN cần phải được tạo điều kiện để có thể bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và khỏe mạnh. Các em cũng cần phải có cơ hội có tương lai tươi sáng.

Các nhà hoạch định chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người và tất cả mọi người đều được hưởng quyền lợi như nhau, trong đó có trẻ em gái VTN, đối tượng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền học tập, chăm sóc sức khỏe và không bị bạo hành. Các cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm thanh-thiếu niên, các nhà hoạt động xã hội, các tổ chức tôn giáo và chính trẻ em gái cũng có vai trò thiết yếu trong việc định hình các chính sách có tác động tới cuộc sống của các em.

Sự thành công của chương trình nghị sự phát triển bền vững phụ thuộc vào việc chúng ta hỗ trợ và đầu tư cho trẻ em gái VTN hiệu quả đến mức nào. Đặc biệt là thấy được những lợi ích của thời kỳ cơ cấu dân số vàng và tận dụng những lợi ích này để tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo, nhất ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng như Việt Nam.

Hưởng ứng thông điệp Ngày dân số thế giới năm 2016, Việt Nam đã cam kết thúc đẩy, hỗ trợ và bảo vệ các quyền của trẻ em gái VTN để các em có thể tự đưa ra các quyết định cho cuộc sống của mình trong tương lai; đồng thời tăng cường công tác vận động cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm thanh thiếu niên, các nhà hoạt động xã hội, các tổ chức tôn giáo và chính trẻ em gái VTN trong việc định hình các chính sách có tác động tích cực tới cuộc sống của các em.

"Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên là đúng đắn và khôn ngoan nhất, vì không chỉ chính các em mà cả gia đình, cộng đồng cùng được hưởng lợi" Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam.

MAI KHUÊ

;
.
.
.
.
.