Y tế - Sức khỏe

Bội chi gần 250 tỷ đồng quỹ bảo hiểm y tế

07:43, 16/09/2016 (GMT+7)

Tình trạng bội chi quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn thành phố là một trong những vấn đề lớn được nêu tại buổi làm việc giữa ngành Y tế và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) thành phố vào ngày 15-9.

8 tháng đầu năm, bội chi quỹ bảo hiểm y tế gần 250 tỷ đồng. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG
8 tháng đầu năm, bội chi quỹ bảo hiểm y tế gần 250 tỷ đồng. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Chi vượt gần 250 tỷ đồng quỹ BHYT

Theo BHXH thành phố Đà Nẵng, chỉ tiêu dự toán thu BHYT trong năm 2016 là 941,5 tỷ đồng, tăng 8,5% so với dự  toán thu BHYT năm 2015. Trong đó, số người tham gia BHYT đạt khoảng 945.000 người, chiếm gần 90% dân số.

Năm 2016, BHXH thành phố đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 39 đầu mối cơ sở như bệnh viện, phòng khám đa khoa, y tế cơ quan, trạm y tế xã, phường và các cơ sở y tế tư nhân. Theo BHXH thành phố, quỹ khám, chữa bệnh BHYT ước theo số dự toán 8 tháng đầu năm 2016 là 536,5 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí khám, chữa bệnh theo đầu thẻ trong 8 tháng lên tới hơn 785,8 tỷ đồng, bội chi 249,296 tỷ đồng so với dự toán.

Theo ông Đinh Văn Hiệp, Giám đốc BHXH thành phố, Đà Nẵng là một trong những địa phương bội chi quỹ BHYT mà BHXH Việt Nam yêu cầu phải kiểm tra, rà soát lại. “Như các địa phương khác, việc âm quỹ BHYT có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng có thể lý giải được, riêng ở Đà Nẵng, việc âm quỹ BHYT là rất đặc biệt, có sự lạm dụng và không thể kiểm soát được. Thậm chí, nếu kiểm tra, rà soát mà thấy biểu hiện trục lợi có hệ thống thì chúng tôi phải chuyển cơ quan điều tra để làm rõ hơn sự việc”, ông Hiệp nói.

Được biết, việc kiểm soát khám, chữa bệnh BHYT khi thực hiện thông tuyến huyện từ đầu năm 2016 vẫn chưa được thực hiện chặt chẽ. Theo số liệu từ BHXH thành phố, trong 8 tháng đầu năm 2016, số lượt khám, chữa bệnh đa tuyến nội tỉnh đến của các cơ sở tuyến huyện là hơn 260.000 lượt, trong khi so với cùng kỳ 2015, con số này chỉ đạt hơn 160.000 lượt. Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh tăng mạnh về số lượng điều trị nội trú mặc dù cơ sở vật chất hiện tại chưa bảo đảm 1 giường cho 1 người bệnh nhưng quỹ BHYT vẫn phải chi trả đầy đủ.

Khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa Hòa Vang.
Khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa Hòa Vang.

Lỗi do khách quan?

Theo đại diện các cơ sở khám, chữa bệnh tham dự hội nghị, việc bội chi quỹ BHYT khám, chữa bệnh thời gian qua có nguyên nhân khách quan. Theo Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hải Châu Nguyễn Duy Hải, việc khám, chữa bệnh thông tuyến huyện từ đầu năm 2016 và tăng giá dịch vụ y tế từ tháng 3-2016 theo Thông tư 37 liên Bộ Y tế-Tài chính khiến số lượt người khám, chữa bệnh tăng lên đột biến, đặc biệt là những cơ sở có thiết bị kỹ thuật hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn cao. “Đơn cử như Bệnh viện đa khoa Hải Châu, trong 8 tháng đầu năm 2016, đơn vị đón hơn 41.000 lượt khám, chữa bệnh, trong khi cùng thời điểm năm 2015, con số đó chỉ đạt 23.000 lượt.

Tất nhiên, bệnh viện cũng phải đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị, tuyển thêm 20 bác sĩ có trình độ và tinh giản tối đa các thủ tục hành chính”, ông Hải cho biết. Tuy nhiên, lãnh đạo bệnh viện này cũng thừa nhận, việc kiểm soát thông tuyến từ đầu năm 2016 vẫn còn nhiều hạn chế. “Tôi đề nghị cần xem xét lại vấn đề kiểm soát chi phí đa tuyến đi và giải quyết được mâu thuẫn giữa việc phát triển bệnh viện và thanh quyết toán BHYT”, ông Hải nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng Trần Ngọc Thạnh, số lượng bệnh nhân khám, chữa bệnh và điều trị luôn cao hơn quy mô giường của bệnh viện. “Quy mô bệnh viện chúng tôi hiện nay chỉ có 1.250 giường nhưng luôn điều trị cho hơn 2.200 bệnh nhân.

Thậm chí, số lượt người khám, chữa bệnh 6 tháng đầu năm 2016 đã tăng 14% so với 2015, phẫu thuật cũng tăng 44%. Cụ thể, phẫu thuật loại 1 trong 6 tháng đầu năm lên đến 5.300 ca (cao hơn so với hơn 1.000 ca năm 2015), phẫu thuật loại 2 khoảng từ hơn 3.000 – 6.000 ca (cao hơn so với gần 3.000 ca năm 2015)”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Đại diện một số cơ sở khám, chữa bệnh cho rằng, mức đóng BHYT hiện nay còn quá thấp, trong khi mức đáp ứng nhu cầu chữa trị của người bệnh là không có giới hạn. Thực tế này khiến ngành Y tế lẫn BHXH đều chịu áp lực giống nhau.

Cùng quan điểm này, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, hiện nay các cơ sở y tế không ngừng đầu tư nhân lực, thiết bị kỹ thuật, số người mắc các ca bệnh nan y, hiểm nghèo tăng, thời gian điều trị lâu dài nên chi phí điều trị tăng cao cũng là điều dễ hiểu. “Hơn nữa, sự thay đổi một số văn bản, chính sách chưa có sự tương xứng.

Ví dụ như dự toán thu BHYT năm 2016 chỉ tăng 8,5% nhưng giá viện phí được áp dụng theo Thông tư 37 liên Bộ Y tế-Tài chính lại tăng tới 30% nên việc bội chi quỹ BHYT đã được ngành Y tế dự đoán trước”, bà Yến nói. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành Y tế thành phố cũng thừa nhận, ngoài những nguyên nhân khách quan, việc kiểm soát khám, chữa bệnh thông tuyến vẫn còn nhiều hạn chế, hệ thống quản lý bằng phần mềm trực tuyến vẫn chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đề nghị ngành Y tế phải phối hợp chặt chẽ hơn với BHXH để thực hiện tốt 2 mục tiêu là khám, chữa bệnh và cân đối nguồn quỹ BHYT. “Đây là 2 nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt nên dù khó mấy cũng phải thực hiện.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong lĩnh vực quản lý khám, chữa bệnh bằng BHYT, thậm chí nếu cần thiết thì cử cán bộ đi đào tạo, về giao hẳn nhiệm vụ và phải chịu trách nhiệm chính. Riêng ngành BHXH thành phố cần phối hợp với ngành Y tế thanh tra, kiểm tra những cơ sở có số lượng khám chữa bệnh tăng đột biến, tìm hiểu rõ, đúng nguyên nhân và báo cáo sớm cho UBND thành phố; đồng thời phối hợp với các quận, huyện thực hiện tốt BHYT toàn dân 2016 cũng như bổ sung giám định viên thường trực tại các cơ sở y tế kiểm soát tốt chuyện nội, ngoại trú và thông tuyến”, ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

.