Việt Nam đang đứng trước giai đoạn giao thoa dân số và rất nhanh tới đây sẽ là một nước dân số già. Vì vậy, cần có kế hoạch hành động để chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức từ già hóa dân số. Ảnh: VGP/Đình Nam
Tới dự hội thảo khu vực châu Á-Thái Bình Dương về ''Những tác động kinh tế của già hóa'', sáng 6-9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh già hóa dân số đang đặt ra không ít thách thức đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Theo bà Lubna Baqi, Phó Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc-UNFPA) già hóa dân số không phải là chủ đề mới nhưng tiếp tục biến động phức tạp đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải nhanh chóng đưa ra những chiến lược ứng phó kịp thời, phù hợp.
Châu Á-Thái Bình Dương hiện là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số trên 60 tuổi của toàn thế giới là 533 triệu người vào năm 2015 và dự kiến sẽ tăng lên gần 2,5 tỷ người vào năm 2050, chiếm gần 2/3 số người cao tuổi trên thế giới.
Các chính phủ có xu hướng quan tâm chủ yếu vào chi phí của việc giải quyết vấn đề già hóa dân số liên quan đến nhu cầu gia tăng về dịch vụ y tế, chăm sóc lâu dài, bảo trợ xã hội và chế độ hưu trí. Tuy nhiên, khuyến cáo từ UNFPA cho rằng mỗi quốc gia cần có tư duy chính trị, kinh tế, xã hội khác biệt để có thể chuyển biến các thách thức, nhận biết cơ hội tồn tại, tìm kiếm lợi ích mà lợi thế già hóa dân số mang lại cho toàn xã hội.
“Việc bảo đảm người cao tuối tiếp tục đóng góp tích cực về xã hội và kinh tế, có cuộc sống ổn định, lành mạnh không chỉ là điều cần phải làm mà chính là một quyết sách thông minh cho nền kinh tế và cho xã hội. Những lựa chọn được thực hiện ngày hôm nay sẽ quyết định tương lai của các quốc gia trong vòng 30-40 năm nữa”, bà Lubna Baqi nhấn mạnh.
Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ nhưng Việt Nam chỉ mất 15 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Hiện tỉ lệ người cao tuổi của Việt Nam là trên 10,5% và khoảng 50 năm nữa Việt Nam sẽ có thêm 10 triệu người cao tuổi.
Trước những thách thức xã hội của tình trạng già hóa dân số, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện rất nhiều biện pháp để ứng phó với thực tế này mà tiêu biểu là hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý như Luật Người cao tuổi, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020... Mục tiêu cuối cùng là huy động mọi nguồn lực xã hội để chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
“Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn đặc biệt liên quan đến nguồn lực và kinh nghiệm cũng như chiến lược ứng phó hiệu quả với tình trạng già hóa dân số khi sự phối hợp với các cơ quan chưa theo kịp yêu cầu, độ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội như BHXH, BHYT còn thấp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ và mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trong vấn đề chăm sóc sức khỏe, bảo đảm phúc lợi, phát huy vai trò của người cao tuổi, giảm thiểu tác động tiêu cực kinh tế, xã hội, môi trường đến người cao tuổi…
Nhắc đến những tiến bộ về khoa học, y tế, điều kiện sống ngày càng được cải thiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tốc độ già hóa dân số ngày một nhanh ở những quốc gia như Việt Nam khi tuổi thọ của người dân được nâng cao.
“Nhiều người nghĩ rằng Việt Nam đang là một nước trẻ, năng động và đang trong thời kỳ đỉnh cao của “dân số vàng” nhưng chúng ta đang thực sự đứng trước ngưỡng cửa của giai đoạn giao thoa dân số và rất nhanh tới đây sẽ là một nước dân số già. Nếu năm 2010 cứ 11 người Việt Nam có 1 người cao tuổi thì đến năm 2030 là dự kiến 6 người Việt Nam có 1 người cao tuổi và nếu cứ tiếp tục như vậy thì 50 năm nữa trên 4 người Việt Nam sẽ có 1 người cao tuổi”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được vấn đề dân số đối với sự phát triển. Từ quy mô, phân bố, chất lượng dân số đến tỷ lệ sinh, thay thế và đặc biệt là làm sao để chăm sóc và phát huy tốt hơn vai trò của người cao tuổi.
Cùng với xu thế của thế giới, công tác chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam không chỉ là sức khỏe, điều kiện sống mà còn là văn hóa, đạo lý truyền thống của dân tộc.
Phó Thủ tướng cho rằng những thách thức trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi ở Việt Nam không mới song đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhằm xây dựng hệ thống an sinh xã hội để người cao tuổi có chế độ tài chính bảo đảm cuộc sống; tìm kiếm những mô hình, cách thức phát huy tốt nhất vai trò, kinh nghiệm, năng lực của người cao tuổi như: độ tuổi như thế nào được coi là người già, bao giờ được nghỉ hưu; độ tuổi bắt đầu lao động...
Trong thời gian tới, cần nghiên cứu, tổ chức những ngành sản xuất, đưa phương thức mới, công nghệ phù hợp để người lao động dù tuổi cao vẫn lao động với năng suất cao nhất, cũng như phát huy vai trò người cao tuổi trong hoạt động quản lý xã hội, tham gia tự quản ở cộng đồng dân cư.
“Đây là vấn đề lớn và không mới đối với thế giới cũng như Việt Nam song đặt ra nhiều thách thức. Vấn đề là làm sao biến thách thức thành cơ hội phát triển. Các khuyến nghị từ hội thảo sẽ được Chính phủ Việt Nam tiếp nhận, nghiên cứu, bàn thảo để đưa ra những giải pháp phù hợp”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Chinhphu.vn