.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản giới trẻ

.

Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm, nhưng tỷ lệ này ở giới trẻ lại có dấu hiệu gia tăng, chiếm hơn 20% các trường hợp nạo phá thai ở các cơ sở y tế công lập.

Một buổi nói chuyện chuyên đề cho học sinh lớp 9 về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Một buổi nói chuyện chuyên đề cho học sinh lớp 9 về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Những con số này chỉ là phần nổi, bởi hầu hết các đối tượng thanh niên chưa kết hôn, vị thành niên mang thai ngoài ý muốn khi cần thực hiện nạo hút thai đều tìm đến các phòng khám tư, thậm chí là phòng khám “chui”.

Theo bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), hiện nay, tuổi dậy thì của trẻ ngày càng có xu hướng sớm hơn. Theo số liệu mới nhất ở Việt Nam, tuổi dậy thì ở nữ giới khoảng 13 tuổi, trong khi ở nam giới là 15 tuổi.

Bà Astrid Bant cho biết: “Xác định tuổi dậy thì rất quan trọng và cần thiết trong việc tiếp cận cũng như cung cấp thông tin chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) phù hợp, đúng đối tượng và đúng thời điểm. Điều này giúp các chương trình cải thiện tình trạng CSSKSS và thực hiện KHHGĐ cho giới trẻ hiệu quả hơn”.

Vị thành niên là nhóm dân số đặc thù, đang trong thời kỳ “quá độ” phát triển từ trẻ em trở thành người lớn. Vì vậy, nhóm này có nhiều thay đổi về tâm-sinh lý và hành vi, đòi hỏi gia đình, xã hội cần có sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, hiểu biết về SKSS của giới trẻ ở nước ta còn nhiều hạn chế.

Tỷ lệ giới trẻ hiểu biết về thời điểm dễ có thai trong chu kỳ kinh nguyệt, khả năng mang thai sau khi quan hệ tình dục lần đầu rất thấp. Khá nhiều người trẻ không lường trước được hậu quả của quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Các phong tục, tập quán truyền thống lạc hậu còn nặng nề khi coi vấn đề SKSS thuộc phạm trù riêng tư là nguyên nhân khiến một bộ phận không nhỏ giới trẻ e ngại, xấu hổ, không dám công khai tìm hiểu, tiếp cận các dịch vụ CSSKSS.

Các mục tiêu quan trọng về CSSKSS trong giai đoạn 2016-2020 của thành phố Đà Nẵng là: giảm 50% số trẻ vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn vào năm 2020; tăng tỷ lệ điểm cung cấp dịch vụ CSSKSS thân thiện với giới trẻ lên 75% vào năm 2020; 50% cha mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên và thanh niên ủng hộ, hướng dẫn, hỗ trợ con cái chủ động tìm hiểu thông tin, kiến thức và tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ CSSK…

Bài và ảnh: MINH PHÚC

;
.
.
.
.
.