.

Tư vấn, xét nghiệm điều trị sớm HIV

.

Năm 2016, thành phố Đà Nẵng huy động cả hệ thống chính trị tham gia và triển khai nhiều giải pháp phòng, chống HIV/AIDS nhằm từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu 90-90-90.

Vở kịch “Một nhà” thu hút đông khán giả. Ảnh: Châu Giang
Vở kịch “Một nhà” thu hút đông khán giả. Ảnh: Châu Giang

Rất ít vở kịch truyền thông nào lại thu hút đến gần 1.000 khán giả như vở kịch truyền thông phòng, chống HIV/AIDS “Một nhà” do ngành Y tế thành phố phối hợp với các đơn vị tổ chức tại Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng vào cuối năm 2016. “Một nhà” là câu chuyện về 3 nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, những người dễ bị tổn thương. Mỗi người một hoàn cảnh riêng, là người tiêm chích ma túy, người bán dâm, quan hệ tình dục đồng giới, người nhiễm HIV và họ gặp nhau để được chia sẻ cũng như bày tỏ mong muốn đón nhận vòng tay cảm thông của cộng đồng để vượt qua mặc cảm. Không chỉ lấy đi rất nhiều nước mắt, cũng như mang lại tiếng cười cho khán giả, vở kịch còn gửi đến người xem thông điệp: Chỉ có sự yêu thương, lòng bao dung, sự chia sẻ và không kỳ thị mới có thể giúp những người bị nhiễm HIV có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Ngoài trình diễn vở kịch trên, nhiều hoạt động truyền thông trực tiếp được Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đà Nẵng thực hiện rộng rãi như: nói chuyện trực tiếp với thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, người nghiện ma túy tại cộng đồng, chủ doanh nghiệp các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, người dân tại cộng đồng dân cư, phụ nữ mang thai… Trong năm qua, trung tâm còn tổ chức truyền thông 63 buổi cho hơn 13.000 người thuộc các tổ chức khác nhau trên địa bàn thành phố, thực hiện 10 buổi văn nghệ truyền thông lưu động bằng hình thức sân khấu hóa và các hội thi tìm hiểu kiến thức phòng, chống HIV/AIDS cho gần 6.000 học sinh, sinh viên, học viên và đoàn viên.

Bên cạnh đó, công tác thực hiện dự phòng lây nhiễm HIV cho phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ và dự phòng có thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV cũng được tiến hành bằng việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, giới thiệu chuyển tuyến điều trị sớm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV bằng thuốc ARV… Nhờ vậy, thành phố có hơn 17.600 phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV, qua đó phát hiện 6 trường hợp nhiễm HIV và đã đưa vào điều trị dự phòng cho mẹ và trẻ theo quy định.

Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đà Nẵng, năm 2016, toàn thành phố phát hiện mới 157 người nhiễm HIV, tăng 40 trường hợp so với cùng kỳ năm 2015. Hiện nay, toàn thành phố có 1.594 người nhiễm HIV còn sống. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV, 100% đối tượng lây nhiễm qua đường tình dục và 67,3% đối tượng trong độ tuổi từ 25-49. Kết quả xác minh cho thấy chỉ có 67,9% số trường hợp người Đà Nẵng có địa chỉ rõ ràng và đang sinh sống tại địa phương trên tổng số trường hợp phát hiện nhiễm mới HIV là người Đà Nẵng. Theo bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng, nhiều người vì mặc cảm nên giấu bệnh.

“Việc điều trị sớm và đúng bằng thuốc ARV làm giảm khả năng lây nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục và giảm lây truyền HIV; đồng thời giúp  người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội”, bà Đào nói. Theo bà Đào, Đà Nẵng đang đẩy mạnh thực hiện mục tiêu 90-90-90, tức 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS như: truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp giảm tác hại tăng cường công tác giám sát dịch HIV/AIDS, mở rộng dịch vụ xét nghiệm HIV để người dân có thể tiếp cận sử dụng một cách thuận tiện. Việc rà soát, quản lý người nhiễm HIV cũng đã được thực hiện để người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị sớm”, bà Đào khẳng định.

KIM NGÂN – CHÂU GIANG

;
.
.
.
.
.